Microsoft sẽ đầu tư 1,7 tỉ USD trong 4 năm tới để mở rộng dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) ở Indonesia, gồm cả xây dựng trung tâm dữ liệu. Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella vừa thông báo điều này hôm 30.4.
Nhịp đập khoa học

Đến Indonesia sau Nvidia và Apple, CEO Microsoft công bố khoản đầu tư 1,7 tỉ USD vào AI và đám mây

Sơn Vân 30/04/2024 17:10

Microsoft sẽ đầu tư 1,7 tỉ USD trong 4 năm tới để mở rộng dịch vụ đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) ở Indonesia, gồm cả xây dựng trung tâm dữ liệu. Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella vừa thông báo điều này hôm 30.4.

Indonesia là điểm Satya Nadella dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á nhằm quảng bá công nghệ AI tạo sinh của Microsoft. Ông sẽ tới Thái Lan và Malaysia vào hai ngày tiếp theo.

AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và nhiều loại thông tin khác.

Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.

Satya Nadella cho biết khoản đầu tư của Microsoft sẽ "mang cơ sở hạ tầng AI mới nhất và tốt nhất đến Indonesia".

Doanh nhân người Mỹ 56 tuổi nói thêm: “Chúng tôi sẽ dẫn đầu làn sóng này về mặt cơ sở hạ tầng AI cần thiết”.

Hôm 30.4, Satya Nadella đã gặp Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo và các bộ trưởng Indonesia để thảo luận việc nghiên cứu chung về AI và phát triển tài năng AI, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Budi Arie Setiadi nói với các phóng viên.

Bộ trưởng Budi Arie Setiadi cho biết ông Joko Widodo đề nghị Microsoft đặt các trung tâm dữ liệu của mình trên hòn đảo nghỉ mát Bali hoặc thủ đô mới Nusantara, nơi vẫn đang được xây dựng trong khu rừng nhiệt đới trên đảo Borneo và dự kiến khánh thành vào ngày 17.8.2024, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 Quốc khánh Indonesia.

Satya Nadella nói Microsoft sẽ đào tạo 2,5 triệu người ở Đông Nam Á về cách sử dụng AI vào năm 2025, trong đó có 840.000 người tại Indonesia.

Gã khổng lồ phần mềm Mỹ đang cố gắng mở rộng hỗ trợ phát triển AI trên toàn cầu, gồm khoản đầu tư 2,9 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng đám mây và AI ở Nhật Bản cùng 1,5 tỉ USD vào công ty G42 có trụ sở tại UAE.

den-indonesia-sau-nvidia-va-apple-ceo-microsoft-tuyen-bo-dau-tu-1-7-ti-usd-vao-ai-va-dam-may.jpg
Satya Nadella trò chuyện với Lucky Gani, Giám đốc Vận hành Microsoft Indonesia, khi họ đến Phủ Tổng thống khi gặp ông Joko WIdodo ngày 30.4 - Ảnh: Reuters

Chuyến thăm Indonesia của Satya Nadella diễn ra hai tuần sau khi Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook gặp ông Joko Widodo và cho biết sẽ xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất ở Indonesia.

Trước đó, Nvidia (hãng chip giá trị nhất thế giới của Mỹ) đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm AI trị giá 200 triệu USD tại Indonesia sau khi CEO Jensen Huang đến thăm nước này cuối năm 2023, trong bối cảnh tìm cách tăng cường đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Budi Arie Setiadi, trung tâm AI mới sẽ đặt tại thành phố Surakarta, tỉnh Trung Java, Indonesia.

Được xây dựng với mục đích hỗ trợ củng cố cơ sở hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và nhân tài kỹ thuật số ở địa phương, đây cũng là dự án hợp tác đầu tiên giữa Nvidia cùng hãng viễn thông hàng đầu Indonesia là Indosat Ooredoo Hutchison.

Indosat Ooredoo Hutchison thông báo đã sẵn sàng tích hợp kiến trúc chip AI Nvidia thế hệ mới có tên B200 Blackwell vào cơ sở hạ tầng của mình, với mục tiêu đưa Indonesia vào "kỷ nguyên mới của AI và tiến bộ công nghệ".

Indonesia có dân số đông nhất Đông Nam Á (hơn 278 triệu) và am hiểu công nghệ, khiến quốc gia này trở thành thị trường mục tiêu quan trọng cho đầu tư liên quan đến công nghệ.

Sau khi đến Indonesia vào ngày 30.4, Satya Nadella sẽ gặp Thủ tướng Thái Lan - Srettha Thavisin hôm 1.5 và Thủ tướng Malaysia - Anwar Ibrahim vào ngày 2.5, theo phát ngôn viên của Microsoft.

Satya Nadella còn gặp gỡ các quan chức chính phủ khác và tham dự các sự kiện cho lập trình viên ở mỗi quốc gia. Chuyến đi sẽ đề cập đến các kế hoạch liên quan đến AI của Microsoft trong khu vực.

Microsoft từ lâu đã có quan hệ tốt với Đông Nam Á, khu vực đang phát triển nhanh chóng với hơn 685 triệu dân. Đây cũng là nơi có nhu cầu cao về các trung tâm dữ liệu và công nghệ tiên tiến để thúc đẩy thương mại trực tuyến, và giao dịch số, đồng thời số lượng các công ty khởi nghiệp công nghệ đột phá đang tăng lên.

Đơn vị điện toán đám mây Azure của Microsoft, cạnh tranh với Amazon, Google và Alibaba trong khu vực, đã mở trung tâm dữ liệu Đông Nam Á đầu tiên tại Singapore vào năm 2010 và lên kế hoạch trong vài năm để mở các trung tâm ở Indonesia và Malaysia.

Tại Thái Lan, Microsoft vào năm ngoái đã cam kết hợp tác trong lĩnh vực AI và phát triển cơ sở hạ tầng đám mây với các cơ quan chính phủ.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra nhu cầu lớn của khu vực Đông Nam Á với các công nghệ có hỗ trợ AI. Điều này giúp tăng lợi nhuận cho Microsoft sau khi hợp tác với OpenAI, công ty tạo ra chatbot ChatGPT và mô hình chuyển văn bản thành video Sora.

Daniel Ives, Giám đốc điều hành của hãng Wedbush Securities, nhận định: “Đông Nam Á là một mỏ vàng tiềm năng cho Microsoft khi cuộc cách mạng AI bước vào giai đoạn tăng trưởng tiếp theo”.

Microsoft đã đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI để giành được 49% cổ phần, giúp đưa tập đoàn này trở thành một trong những cái tên thắng lớn trong cuộc đua AI. Động cơ đằng sau chiến lược AI của Microsoft bao gồm Azure và các trợ lý phần mềm AI như Copilot, được hỗ trợ bởi cùng công nghệ đằng sau ChatGPT.

Tuần trước, Microsoft đã đánh bại các ước tính từ các nhà phân tích ở Phố Wall về doanh thu và lợi nhuận quý 1/2024, nhờ vào việc áp dụng AI trên các dịch vụ đám mây của mình.

Satya Nadella cho biết doanh thu của công ty trong quý 1/2024 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước lên 61,9 tỉ USD, với lợi nhuận ròng tăng 20% lên 21,9 tỉ USD.

Microsoft được các nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ kể từ khi tích cực đẩy mạnh việc triển khai công cụ AI tạo sinh, bắt đầu bằng việc đầu tư hơn 10 tỉ USD vào OpenAI đầu năm 2023.

Microsoft đã cung cấp chatbot Copilot dưới dạng tiện ích bổ sung cho một số sản phẩm chính như Office 365 và GitHub. Việc đẩy mạnh ứng dụng AI đã thúc đẩy doanh số bán các dịch vụ đám mây quan trọng của hãng.

Báo cáo kết quả kinh doanh này được các nhà đầu tư Phố Wall hoan nghênh, giúp giá cổ phiếu Microsoft tăng vọt sau đó.

Cùng với Amazon, Microsoft và Google là những nhà cung cấp trung tâm dữ liệu dựa trên đám mây lớn nhất thế giới, chuyên lưu trữ và xử lý dữ liệu trên quy mô lớn và đây cũng là nhóm những công ty giàu nhất thế giới.

Bài liên quan
Coca-Cola ký thỏa thuận 1,1 tỉ USD để sử dụng dịch vụ đám mây và AI của Microsoft
Công ty Coca-Cola đã ký thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD trong 5 năm để sử dụng dịch vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) của Microsoft.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến Indonesia sau Nvidia và Apple, CEO Microsoft công bố khoản đầu tư 1,7 tỉ USD vào AI và đám mây