Mùa Ai Cập tấp nập du khách thập phương viếng thăm nhưng sông Nile vẫn luôn để dành những khoảng không yên tĩnh cho những ai muốn xuôi về những câu chuyện huyền thoại một thời.

Đến Ai Cập ngắm dòng sông Nile huyền thoại

Elle | 22/03/2017, 14:07

Mùa Ai Cập tấp nập du khách thập phương viếng thăm nhưng sông Nile vẫn luôn để dành những khoảng không yên tĩnh cho những ai muốn xuôi về những câu chuyện huyền thoại một thời.

Thuyền trưởng Sero, như thường lệ, đón tôi tận bến tàu ở bờ Đông trung tâm thành phố Aswan. Chiếc felucca (thuyền buồm) mang tên Nile Queen nhẹ nhàng cập bến với cánh buồm trắng muốt giương sẵn đón gió. Đây là thuyền buồm bằng gỗ hiếm hoi còn sót lại ở Ai Cập. Gỗ đem về từ Sudan và được làm bởi các nghệ nhân ở làng Kom Ombo phía Nam Aswan. Sero đã lái chiếc thuyền này 35 năm xuôi ngược sông Nile từ thượng nguồn con đập High Dam cho tới tận cuối của tỉnh Luxor. Nếu bạn chỉ có vài ngày du lịch Ai Cập thì thuyền máy là lựa chọn tối ưu, nhưng nếu thời giancho phép hơn 4 ngày thì hãy chọn thuyền buồm với hệ số âm thanh bằng 0 và sự yên tĩnh vô hạn.

Đảo Elephantine

Nile có nghĩa là sông lớn, dòng sông thung lũng. Trên lãnh thổ Ai Cập, Nile bắt nguồn từ biên giới Wadi Halfa, qua Abu Simbel nổi tiếng, mở rộng diện tích ở hồ Nasser, rực rỡ nhất ở đoạn Aswan đến Luxor. Nile tiếp tục chảy qua lãnh thổ Ai Cập, đến Qanater thì chia nhánh, nở ra như một bông sen tạo thành vùng châu thổ trù phú. Các vùng vịnh cửa biển đẹp hình thành ở điểm cuối những cánh hoa như Alexanderia, Port Said… Cái tên Nahal sau đó được đổi thành Neilos và cuối cùng là Nile (Nin) cho đến ngày nay. Dòng sông huyềnthoại này là nhân chứng lịch sử của nền văn minh cổ đại Ai Cập và sự hưng thịnh, sụp đổ của biết bao triều đại. Dọc hai bên bờ sông là dấu tích hàng thế kỷ như những mảnh ghép của một bức họa khổng lồ trên nền sa mạc Sahara với đền thờ, hầm mộ, kim tự tháp, những bức tượng, phù điêu đổ bóng xuống lòng sông.

Những cuộc di dời lịch sử

Đền Medinet Habu thờ vị vua vĩ đại thuộc vương triều thứ 20 của Ai Cập – Pharaoh Ramesses III
Sông Nile huyền thoại mang nhiều bí ẩn là niềm kiêu hãnh của loài người và khát khao của lữ khách

Những tảng đá khổng lồ nặng hàng chục tấn xây nên các Kim Tự Tháp kiêu hãnh từng được người Ai Cập vận chuyển bằng sức mạnh của dòng chảy sông Nile. Đá được đưa về từ thượng nguồn bằng sức nước và sức người cộng lại. Nhưng cũng chính vì dòng chảy mãnh liệt đó mà lũ lụt liên tục xảy ra ảnh hưởng đến diện tích canh tác, cư trú của dân cư hai bên bờ. Chính quyền Ai Cập đã cho xây dựng con đập khổng lồ Hight Dam phía Nam thành phố Aswan với mục đích làm thủy điện và điều hòa dòng chảy. “Cuộc cách mạng dòng chảy” từ năm 1971 đã khiến sông Nile mất tự chủ, nhấn chìm nhiều di tích, xáo trộn sự yên tĩnh của các Pharaoh. Không nhiều trong số đó được Unesco nỗ lực trục vớt, di dời, bảo tồn và trùng tu. Đền đá nổi tiếng Abu Simbel nằm ở biên giới giáp Sudan có từ năm 1260 TCN đế chế Rames II đi vào lịch sử bảo tồn của Ai Cập. Những pho tượng Pharaoh có chiều cao 20m đã phải hạ xuống, cắt rời, vận chuyển đến nơi bảo tồn, sau đó nối ráp lại như cũ.

Ở đoạn sông đẹp thuộc Aswan, ngay hòn đảo Agilika là đền thiêng Philae dựng TCN dành cho nữ thần Isis. Sau khi đập nước đi vào hoạt động, Philae gần như bị nhấn chìm. Suốt 9 năm dài Unesco thực hiện quá trình chuyển dịch thần kỳ đưa dấu tích của Isis lên bờ cao hơn 20m và giữ được phần nhiều độ nguyên vẹn của nó. Cách đó chừng 300m, giữa dòng nước sâu vẫn còn cánh cổng vào đền và một cột đá đánh dấu địa điểm ngôi đền từng trấngiữ. Năm 2009, một trụ đền bằng đá granite đỏ nặng 9 tấn với niên đại 2000 năm được phát hiện ngay cửa biển Địa Trung Hải. Đây là một phần tài sản thuộc về ngôi đền của nàng Isis mà dòng nước đã cuốn trôi và nhấn chìm dưới đáy biển.

Báu vật của Aswan và Luxor

Kiến trúc và thiết kế nhà của người Nubian

Những đền thờ, hầm mộ trải dài theo dọc hai bên bờ, các vị thần đứng trấn ở cửa đền, tất cả đều hướng nhìn ra sông Nile. Trên những bức tường đá cao lớn là hàng loạt phù điêu tinh xảo gắn liền nhau mô phỏng đời sống các vị thần, vương triều và dân gian cổ đại. Câu chuyện về các Pharaoh, nữhoàng… được khắc nổi trên các bức tường dẫn vào hầm mộ, những cột đá cao lớn chống đỡ đền thờ. Aswan là thành phố với nhiều điểm tham quan theo dọc bờ sông khi thuyền cập bến. Elephantine là một trong những hòn đảo đẹp giữa dòng Nile được bao bọc bởi nhiều phiến đá lớn có từ thời cổ đại và từng là nơi tấp nập thuyền bè qua lại buôn bán ngà voi. Hướng đẹp nhất nhìn ra sông là ngôi đền Khnum có niên đại 3000 năm TCN. Một trong những đền thờ thần cá sấu Sobek và thần chim ưng Haroeris Aswan may mắn nắm giữ là ở Kom Ombo.

Thị trấn cổ Luxor ở miền Trung Đông Ai Cập nổi tiếng thu hút khách du lịch bởi rất nhiều khu di tích cổ xưa được mệnh danh là trung tâm bảo tàng ngoài trời. Những địa điểm quan trọng không thể bỏ qua là đền thiêng Karnak, đền Medinet Habu, Valley of the Kings, Valley of the Queens, Deir el-Barhi, Tombs of the Nobles, đền và bảo tàng Luxor…

Vẻ đẹp Nubian

Đền Karnak cổ lớn nhất Ai Cập thờ thần Mặt Trời Amun-Ra và vợ Mut, thần chiến tranh Montu
Người đàn ông Nubian và Mule (con la)

Thuyền trưởng Sero là người Nubian đã sinh ra và lớn lên ở vùng đất nhiều sóng gió, chứng kiến con đập lớn High Dam nhấn chìm nhiều làng mạc của họ. Sero và hàng ngàn con cháu phải định cư trên đảo Elephantine và các đảo lân cận. Người Nubian (còn gọi là Kush) mang màu da châu Phi khỏe mạnh khác với người Ai Cập da trắng. Họ là dòng dõi con cháu còn sót lại của vương triều hùng mạnh một thời ở thủ phủ Thebes bên bờ sông Nile. Những di sản vật thể và phi vật thể tuy đã bị mai một nhưng sức mạnh văn hóa về tín ngưỡng, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, ẩm thực, mỹ nghệ… vẫn đậm đà trong những làng mạc ven sông. Làng Nubian được trang trí bởi những kiểu nóc nhà mái vòm, hoa văn họa tiết vàmàu sắc rất bắt mắt. Unesco đã công nhận các di tích Nubian từ Abu Simbel đến Philae của Ai Cập là Di sản văn hóa thế giới năm 1979. Lưu trú ở đây, làm quen với dân địa phương, với âm nhạc, ẩm thực và vật nuôi là thời gian tuyệt với nhất cho hành trình cuối của bạn.

Những vị thần sông Nile

Đền Medinet Habu thờ vị vua vĩ đại thuộc vương triều thứ 20 của Ai Cập – Pharaoh Ramesses III

Người Ai Cập cổ đại thờ rất nhiều vua chúa nữ hoàng nhưng nhiều nhất vẫn là những vị thần đến từ thiên nhiên, có hình dáng nửa người và đầu cá sấu, đầu tư tử, đầu rắn và nhiều loài động vật khác. Các bức phù điêu, những bức thư cổ đều khắc đậm mối tương quan giữa con người và động vật thời cổ đại. Thời gian có thể khiến cho sự tồn tại của các loài ngoài thiên nhiên bị đe dọa dưới mọi hình thức nhưng trên bia đá vẻ đẹp của chúng vẫn mãi trườngtồn. Du hành trên felucca qua hồ Nasser, đập High Dam, Aswan, Luxor cũng đồng nghĩa là bạn đang tham gia vào một birding trip dọc theo bờ sông.

Lớp phù sa đen được bồi đắp hàng năm giúp cây cối, mùa màng xanh tươi, đồng cỏ trải dài mướt mắt. Các loài động vật và thú nuôi như lạc đà, ngựa, lừa, trâu bò, dê… được chăn thả tự do. Nguồn cá sông dồi dào đã dung dưỡng chim chóc khắp nơi về cư trú. Cá sấu sông Nile nằm sưởi nắng rải rác bên bờ hồ Nasser. Đàn bồ nông trắng muốt, chim biển, vịt trời vẫn tụ đàn dọc bờ sông sưởi nắng nhộn nhịpnhư vừa bước ra từ những bia đá cổ đại. Một hệ động thực vật phong phú trên bờ dưới nước khiến sông Nile đẹp thêm nhiều phần và nhiều sức sống.

Sông Nile đã tạo ra nền văn minh rực rỡ, cấu thành một mảnh đất huyền thoại được truyền tụng khắp nơi trên thế giới. Nền văn minh đó mãi mãi là niềm kiêu hãnh của loài người.

Lưu ý nhỏ khi Du lịch Ai Cập

Đền Philae ngày nay

Mùa đẹp nhất của sông Nile là từ tháng 11 đến tháng 4, thời tiết mát mẻ, thức ăn rau củ phong phú. Từ tháng 6 đến 8 là mùa nóng sa mạc từ 40 đến 45 độ C.

Từ Cairo đến Aswan bằng đường bay 1 tiếng, tàu lửa 12 tiếng, xe bus tầm 10 tiếng. Đường tàu lửa có riêng chuyến cho khách du lịch nước ngoài với các cabin giường ngủ có cảnh sát bảo vệ. Hầu hết các điểm tham quan đều phải mua vé với giá dành cho du khách nước ngoài dao động từ 70 đến 100 EGP.

Thuyền trưởng Sero nói tiếng Anh lưu loát, có phụ tá, phục vụ đầy đủ 3 bữa ăn mỗi ngày với trà cà phê bất cứ lúc nào. Khách sẽ ngủ qua đêm trên thuyền cùng với nệm, chăn và màn quây quanh thuyền.

Thiết bị cần: máy ảnh và nhiều dung lượng thẻ nhớ, nhiều pin dự phòng, đèn pin.

Tư trang: áo khoác gió, áo ấm nhẹ, khăn quàng, mũ, kính râm, kem chống nắng. Bạn nên mặc trang phục đơn giản, kín đáo, nhất là giới nữ.

Ở tất cả các điểm tham quan đều có những người đàn ông trung niên mặc áo choàng dài Galabeya đứng ở cửa, họ sẽ theo bạn vào bên trong để bắt chuyện, hướng dẫn nơi chụp ảnh và sau đó là hỏi xin tiền tip. Nếu không muốn bị làm phiền hãy lịch sự từ chối “La, shukran” (Không, cảm ơn) ngay từ đầu và tránh cười nói trả lời.

Mua sắm ở trung tâm Aswan hay ở làng Nubian giá cả rất rẻ và bạn cần trả giá một nửa. Những đồ lưu niệm có thể bạn lưu tâm: mũ len và trang phục Nubian, đồ trang sức Belly dance, thảm, đồ gốm đá… l Những từ Ả Rập thường dùng: Salaam alaykum (xin chào), Ma’is salaama (tạm biệt), Shukran (cảm ơn), Ahamdolela (Thánh thần phù hộ), Insha Alla, Low samaHt (làm ơn), Bikam (bao nhiêu tiền)…

Bài & ảnh: Mzung/ Theo Elle VN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến Ai Cập ngắm dòng sông Nile huyền thoại