Trước những nan giải trong bài toán sử dụng ngân sách mua vắc xin, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Đề xuất thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19 để đối phó dịch kéo dài nhiều năm

20/05/2021, 09:00

Trước những nan giải trong bài toán sử dụng ngân sách mua vắc xin, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19.

Để có 150 triệu liều vắc xin cho khoảng 75 triệu người của Bộ Y tế, Bộ Tài chính ước cần khoảng 25.200 tỉ đồng, trong đó 21.000 tỉ là phí vắc xin, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Để mua vắc xin, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỉ đồng.

Nhưng khi dịch kéo dài, nhu cầu vắc xin hàng năm tăng cao, kinh phí lớn, Bộ Tài chính đánh giá "khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân" nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.

Quỹ vắc xin phòng COVID-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19. Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

Quỹ được vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận, quản lý sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

Quỹ vắc xin phòng COVID-19 sẽ thực hiện chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, công khai tài chính theo quy định của Luật Kế toán và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Quỹ có trách nhiệm thực hiện báo cáo tình hình thu, chi, quyết toán tài chính quỹ để tổng hợp chung nguồn lực báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong các báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội và NSNN; thực hiện công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại (nếu có).

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 109/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 17.5 về việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer. Tham dự cuộc họp, có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Việc mua vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19.2.2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vắc-xin phòng COVID-19; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo nêu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ. Trong điều kiện "chống dịch như chống giặc", khan hiếm vắc-xin phòng COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc-xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc-xin sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc-xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17.5, Bộ Y tế đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất và chuẩn bị ký thỏa thuận việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Pfizer (Mỹ). Sau khi ký thỏa thuận, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV-2021, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vắc-xin mà hai bên đã trao đổi và thống nhất thời gian qua.

Tối ngày 19.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước và hợp tác ứng phó đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Justin Trudeau tái khẳng định cam kết hợp tác mạnh mẽ trên các lĩnh vực thương mại, hợp tác phát triển và quốc phòng; Canada tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước khu vực tiếp cận vắc xin chống COVID-19 thông qua các cơ chế như ACT Accelerator, sáng kiến COVAX và Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN

Ngày 19.5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng Anh đã đạt được những thành quả quan trọng trong kiểm soát dịch COVID-19, nhất là việc Anh là nước đi đầu ở châu Âu và thế giới trong triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đề nghị Anh tạo điều kiện hơn nữa về cung ứng vắc xin và xem xét thuận lợi việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất thành lập quỹ vắc xin phòng COVID-19 để đối phó dịch kéo dài nhiều năm