Đẩy mạnh nghiên cứu, phục tráng, sản xuất và chuyển giao các loại cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao...
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo về việc đề xuất nhiệm vụ KH-CN năm 2022. Theo đó, lãnh đạo Bộ định hướng tập trung vào Chiến lược phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, Chương trình KH-CN cấp quốc gia; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trước đó, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ KH-CN cũng đã nêu rõ KH-CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các chương trình sản phẩm quốc gia, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng những đóng góp của KH-CN đã giúp nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao hơn.
Đáng chú ý, thông qua các nhiệm vụ hợp tác, ứng dụng KH-CN, nông dân Đồng Tháp được hỗ trợ sử dụng thiết bị thông minh trong canh tác nông nghiệp. Người dân không chỉ được tiếp cận phương pháp canh tác tiên tiến, nắm bắt thông tin mùa vụ kịp thời, nhờ các công nghệ hiện đại mà còn tham gia cung cấp kinh nghiệm canh tác bản địa, giúp tiết kiệm vật liệu đầu vào, mang lại sản phẩm có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng.
Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) tiếp nhận 22 đơn và cấp 21 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm đều là các sản phẩm tươi sống.
Trong đó có 6 sản phẩm là hoa quả tươi (sầu riêng Cái Mơn, na dai Lục Nam, thanh long Châu Thành Long An, cam Hàm Yên, bưởi Khả Lĩnh, khóm Cầu Đúc), 3 sản phẩm thủy hải sản (tôm hùm Phú Yên, ba ba Văn Chấn, yến sào Khánh Hòa), còn lại các nông sản khác (gia vị, động vật tươi sống, gạo). Nhìn chung, trong năm 2020, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chủ yếu vẫn là nông sản.
Theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đề xuất nhiệm vụ KH-CN năm 2022 sẽ tập trung vào đẩy mạnh nghiên cứu, phục tráng, sản xuất và chuyển giao các loại cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao... Thúc đẩy ứng dụng KH-CN, chuyển đổi nông nghiệp số, triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, công nghệ sinh học...
Tăng cường hoạt động và khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành; khuyến khích đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó là các định hướng, trọng tâm ưu tiên về hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trong ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ...
Trên cơ sở định hướng, trọng tâm ưu tiên đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định hình thức thực hiện các nhiệm vụ KH-CN năm 2022 theo hình thức đặt hàng.