Các chuyên gia cho rằng Nghị định 24 năm 2012 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Theo đó, cần có sự thay đổi, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.
Tài chính và đầu tư

Đề xuất mở sàn để huy động hàng trăm tấn vàng đang 'nằm im' trong dân

Lam Thanh 30/01/2024 06:20

Các chuyên gia cho rằng Nghị định 24 năm 2012 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Theo đó, cần có sự thay đổi, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Cần trả việc kinh doanh vàng về cho thị trường

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý thị trường vàng khá chặt chẽ, hơi mang tính hành chính. Phương thức này phù hợp với bối cảnh năm 2012 khi thị trường vàng có nhiều bất ổn, nhưng hiện nay bối cảnh đã khác. Các chuyên gia cho rằng Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Theo đó, cần có sự thay đổi, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Một trong các giải pháp được đề xuất là thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới.

vang-1.jpeg
Chuyên gia đề nghị cần có sự thay đổi, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thành lập sàn kinh doanh vàng cũng cần thiết, nhưng vấn đề chính phải là chấn chỉnh lại hoạt động của thị trường vàng như một phần của hoạt động tài chính tiền tệ.

“Việc quản lý phải vừa tránh “vàng hóa” nền kinh tế, vừa đảm bảo yêu cầu sản xuất, sử dụng vàng trong dân, thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng… chứ không chỉ đơn thuần là thành lập sàn giao dịch”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh nói thị trường vàng cũng cần hướng đến việc làm cho hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh vàng theo hướng của thế giới. Tức là, có hoạt động kinh doanh, mua bán dựa trên chứng chỉ mang tính quốc tế. Từ đó, giảm thiểu tối đa việc sử dụng vàng trong thực tế. Đó là điều cần hướng đến trong thời gian tới.

“Chúng ta nên sử dụng hình thức vàng chứng chỉ, thay vì sử dụng vàng vật chất. Khi đó người dân sẽ có thói quen mua bán vàng chứng chỉ, khỏi sử dụng vàng vật chất trong cuộc sống, nhưng vẫn đảm bảo được quyền của họ trong tiết kiệm tiền, tài sản”, ông Thịnh nêu.

vang-2.jpeg
ĐBQH, GS-TS Hoàng Văn Cường

Nói tại toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, ĐBQH, GS-TS Hoàng Văn Cường cho hay: Khi có sàn vàng, người dân không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.

“Như vậy, công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi. Đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời”, ông Cường nêu.

Thêm nữa, theo ông Cường, rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới. Nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới. Việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.

“Tất nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào. Những năm trước đây có tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức giao dịch sàn vàng quốc tế, rủi ro xảy ra rất nhiều. Giao dịch vàng cần nghiệp vụ rất sâu, không phải ai cũng tham gia được, nếu không cẩn trọng có thể xảy ra khủng hoảng, thiệt hại cho dân”, ông Cường nói.

Mô hình sàn vàng thế nào?

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng "cần tính tới mô hình sàn vàng như thế nào? Có lẽ không phải mô hình như bán hàng hóa thông thường, ai mua cũng được mà phải đưa vào từng cấp độ".

Ví dụ, sàn sơ cấp chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra còn vấn đề khuôn khổ pháp lý như thế nào, công nghệ thông tin ra sao… để bảo đảm hàng hóa trên sàn.

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Thọ Đạt thì nêu rằng mỗi quốc gia có điều kiện riêng, bối cảnh riêng để quản lý thị trường vàng phù hợp, nhưng phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

vang-3.jpeg
Cần cơ chế rõ ràng cho sàn giao dịch vàng

Theo ông Đạt, có nhiều cách huy động nguồn lực của thị trường vàng, như cho phép huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng. Để bảo đảm tính nhất quán, chứng chỉ chứng nhận vàng cần do NHNN phát hành với các biện pháp bảo đảm an toàn, tuân thủ quy định chặt chẽ.

“Nếu theo dõi sự biến động của giá vàng trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy tính chất trú ẩn của vàng cao, chứ tính chất sinh lợi không cao lắm. Diễn biến giá vàng trong một năm qua cho thấy biến động của giá vàng chỉ khoảng 5-6%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất và thậm chí thấp hơn nhiều so với mức lãi suất trên thị trường Mỹ hiện nay”, ông Đạt nêu.

Theo vị chuyên gia, một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300-500 tấn. Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng.

“Tôi cho rằng, thời gian tới cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ”, ông Đạt nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng đề nghị thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế. Chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.

“Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn. Qua đó giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý khi giá vàng xảy ra hiện tượng sút giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định”, ông Đạt nói.

Bài liên quan
Giá vàng tăng cao, 'ông lớn' kinh doanh vàng báo lãi 1.600 tỉ đồng
Trong bối cảnh giá vàng miếng và vàng nhẫn tăng cao, một doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thông báo lãi 1.600 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề xuất mở sàn để huy động hàng trăm tấn vàng đang 'nằm im' trong dân