Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” đối với Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 'đệ nhất danh cầm', nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo

Nguyễn Toàn | 04/03/2019, 07:32

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và văn hóa nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” đối với Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 19.8.1918 tại làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong gia đình có truyền thống nho học và rất yêu thích nghệ thuật đơn ca tài tử. Chính điều đó, mà Nhạc sư có điều kiện tiếp xúc với âm nhạc từ khá sớm và sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc khi mới 12 tuổi.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trình diễn đờn tại Lễ khánh thành Nhà trưng bày của Nhạc sư

Ông là Nhạc sư duy nhất ở Việt Nam vừa là nghệ sĩ trình diễn, vừa là giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống ở trong nước và thỉnh giảng ở nước ngoài. Ông cũng là người hiếm hoi chơi được hầu hết các loại nhạc tài tử, là nhạc sư cao tuổi nhất dạy đờn trực tuyến qua mạng và sử dụng thành thạo nhiều loại ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nhật…, vừa là Nhà nghiên cứu âm nhạc uyên thâm, vừa là Nghệ nhân đóng đờn bậc thầy, góp phần to lớn vào việc cải biến đờn tranh từ 16 dây, lên 17 dây, 19 dây, rồi 21 dây có âm vực rộng hơn để dễ dàng xử lý làn hơi và điệu nhạc trong tài tử Nam Bộ mà không cần phải sử dây, kéo nhạn.

Nhà trưng bày Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được ví như “Báu vật sống” của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Cố giáo sư nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, có ngón đờn điêu luyện, gân guốc và sâu sắc, biết sử dụng ở trình độ cao tất cả các nhạc khí chính của đờn ca tài tử, đặc biệt đặc sắc với đờn tranh và đờn nguyệt.

Nhà nghiên cứu âm nhạc, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong thì gọi ông là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”… Cả cuộc đời ông luôn gắn liền với âm nhạc tài tử và những cây đàn. Dù năm nay đã bước sang tuổi 101, nhưng Nhạc sư vẫn rất khỏe mạnh, mẫn tiệp và đặc biệt tiếng đờn vẫn rất ngọt ngào, sâu lắng.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn đang tiếp tục truyền bá âm nhạc dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Với hơn 80 năm cống hiến to lớn cho nền âm nhạc truyền thống, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được giới âm nhạc trong và ngoài nước tôn vinh như một nghệ sĩ bậc thầy, một di sản sống của Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã nhận được nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý trong nước và quốc tế như: Trao tặng giải thưởng Đào Tấn vì đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn, giảng dạy và phát huy nghệ thuật dân tộc; là một trong sáu Nhạc sư thế giới được vinh danh tại Hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới ở Hoa Kỳ; huân chương văn học nghệ thuật hạng sĩ quan của Nhà nước Pháp; chứng nhận kỷ lục Việt Nam là Nhạc sư cao tuổi nhất sử dụng internet dạy âm nhạc cho học trò khắp nơi trên thế giới; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy nhạc tài tử Nam Bộ và bản sắc văn hóa Việt Nam….

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 'đệ nhất danh cầm', nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo