Lời đề nghị xét nghiệm COVID-19 cho mọi người ở Hồng Kông của Chính phủ Trung Quốc đang vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng y tế và người dân thành phố này.

Đề nghị xét nghiệm COVID-19 cho mọi người ở Hồng Kông, Trung Quốc bị nghi thu thập DNA

27/08/2020, 16:25

Lời đề nghị xét nghiệm COVID-19 cho mọi người ở Hồng Kông của Chính phủ Trung Quốc đang vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng y tế và người dân thành phố này.

Người Hồng Kông không hứng thú với đề nghị xét nghiệm COVID-19 từ Trung Quốc và nghi bị thu thập DNA

Theo Reuters, nhóm gồm 60 người Trung Quốc đại lục sẽ thực hiện các cuộc kiểm tra COVID-19 và xây dựng bệnh viện tạm thời cho thành phố này trong cuộc chiến với dịch bệnh với sự giúp đỡ trực tiếp đầu tiên từ các quan chức y tế Trung Quốc.

Thế nhưng, việc trên đến vào thời điểm nhạy cảm ở Hồng Kông với sự lo lắng dâng cao về điều mà nhiều người trong số 7,5 triệu cư dân cho rằng Bắc Kinh kiềm chế quyền tự do của họ, đặc biệt là qua luật an ninh quốc gia được áp dụng từ đầu tháng 6 vừa qua.

Trong bối cảnh đó, một số nhà hoạt động dân chủ đã cho rằng DNA của mọi người sẽ được thu thập và lạm dụng dưới vỏ bọc của xét nghiệm COVID-19. Chính quyền Hồng Kông đã bác bỏ thông tin này và nói rằng sẽ không có mẫu DNA nào được đưa ra khỏi thành phố.

Chương trình sẽ bắt đầu vào 1.9.2020 trên cơ sở tự nguyện với lượng xét nghiệm COVID-19 tăng lên 500.000/ngày so với khoảng 12.000/ngày như hiện nay.

Hiện số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày ở Hồng Kông đã giảm đáng kể, xuống còn một chữ số hoặc hai chữ số từ ba chữ số trong đợt tăng số bệnh nhân mới vài tuần trước.

Một số chuyên gia y tế Hồng Kông đã nghi ngờ về tính hiệu quả và sự cần thiết của các cuộc xét nghiệm COVID-19. Trong đó, một số người cho rằng việc Bắc Kinh thực hiện xét nghiệm COVID-19 nhiều hơn mang động cơ chính trị nhằm đánh bóng hình ảnh của họ hơn là sự cần thiết về y tế.

“Chúng tôi cảm thấy không thoải mái về toàn bộ sự việc. Chính quyền chỉ thúc đẩy nó mà không thực sự hỏi chúng tôi cần gì. Họ đã đặt chính trị lên trên tất cả các vấn đề xã hội và lợi ích công cộng", Arisina Ma, người đứng đầu Hiệp hội bác sĩ công Hồng Kông, cho biết bà và các bác sĩ cấp cao khác đã không được tham vấn về kế hoạch.

Bà Arisina Ma cho biết thay vào đó, chính quyền nên tập trung vào việc kiểm tra các nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như người già và cư dân ở các viện dưỡng lão xảy ra dịch bệnh.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hồng Kông, Gabriel Choi, cho biết kế hoạch này được thực hiện gấp rút và việc thử nghiệm phổ cập không hiệu quả.

“Những người không nghĩ rằng họ cần thử nghiệm sẽ không đến. Không có nhiều sự kích lệ. Bản thân mình, tôi cảm thấy bi quan ”, Gabriel Choi nói.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông được Bắc Kinh hậu thuẫn, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã chỉ trích những ý kiến trên và coi đó là nỗ lực “bôi nhọ chính quyền trung ương”.

“Những người nổi tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyên môn liên quan, nên bày tỏ quan điểm của họ theo cách có trách nhiệm hơn”, Carrie Lam nói trong một cuộc họp báo hôm 25.8 khi kêu gọi mọi người đi kiểm tra COVID-19.

Tuy vậy, nhiều người Hồng Kông, bao gồm cả các bác sĩ, nói rằng họ sẽ bỏ qua việc xét nghiệm này.

“Việc thực hiện kiểm tra ngay lúc này sẽ giải quyết tận gốc một vài trường hợp nhưng không có gì đáng kể. Nó không hiệu quả và lãng phí rất lớn tiền của chính quyền”, một phụ nữ Hồng Kông 35 tuổi nhận định, đồng thời cho biết mình và gia đình sẽ không tham gia.

“Đây là Trung Quốc đang cố gắng ghi công cho sự phục hồi của Hồng Kông sau làn sóng COVID-19 thứ ba”, cô nói và nhắc đến sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 của thành phố vừa qua.

Hiện Hồng Kông ghi nhận 4.756 ca mắc COVID-19 (25 ca mới trong 24 giờ từ 25.8 - 26.8) với 81 người chết và 4.200 trường hợp phục hồi.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đại lục cũng đang lên kế hoạch xây dựng một bệnh viện tạm thời 800 giường trong vòng 4 tháng và một trung tâm điều trị cộng đồng trong vòng vài tuần.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tố cáo những người chỉ trích sự giúp đỡ là vô ơn, trong khi Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông cho rằng thật sốc khi mọi người có thể đặt nghi vấn.

“Một số người nghi ngờ một cách vô căn cứ rằng những biện pháp như vậy sẽ trái với luật pháp và hướng dẫn chuyên môn của địa phương, hoặc các chuyên gia y tế đại lục không thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Những người chỉ trích này đầy kiêu ngạo và thành kiến ​​với đối tác đại lục của họ”, trưởng Văn phòng nói và đề cập đến sự lo ngại rằng các bác sĩ Trung Quốc đại lục sẽ phải vật lộn với hồ sơ y tế vi tính bằng tiếng Anh của Hồng Kông.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị xét nghiệm COVID-19 cho mọi người ở Hồng Kông, Trung Quốc bị nghi thu thập DNA