Vấn đề giá xăng dầu sẽ do doanh nghiệp tự định giá đã gây ra những ý kiến khác nhau cả từ phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.
Thị trường và chính sách

Để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo ngại 'ông lớn' có quyền chi phối định giá cao

Tuyết Nhung 31/03/2024 14:16

Vấn đề giá xăng dầu sẽ do doanh nghiệp tự định giá đã gây ra những ý kiến khác nhau cả từ phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, gồm Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023. Lần này, Bộ Công Thương đã nêu các đề xuất sửa đổi đáng chú ý.

gia-xang-dau.jpg
Vấn đề giá xăng dầu sẽ do doanh nghiệp tự định giá đang thu hút sự quan tâm của dư luận - Ảnh: IT

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày. Nhằm giảm sự can thiệp của nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, dự thảo mới sẽ tiếp cận theo hướng nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế..., doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do nhà nước quy định. Giá bán của doanh nghiệp không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định.

Cơ quan soạn thảo cho rằng để doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán sẽ giúp cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị phần. Đặc biệt, doanh nghiệp được phép bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của doanh nghiệp. Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.

Đề xuất để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán xăng dầu không phải lần đầu tiên được nêu ra. Trong năm 2023, khi xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, vấn đề này đã được đề cập và có nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, Nghị định 80 năm 2023 ra đời vẫn giữ nguyên quy định như hiện hành là nhà nước định giá bán xăng dầu.

Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá, bởi hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu được quyết định giá bán, liệu họ có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không.

"Vậy mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường xăng dầu như cơ quan soạn thảo đề ra có đạt được hay không? Cần có sự đánh giá kỹ lưỡng", ông Long đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng cần có một đề án khoa học nghiên cứu về đổi mới thị trường xăng dầu, cần tiến tới một cơ chế thị trường xăng dầu đúng nghĩa. Theo ông, mặt hàng xăng dầu có quá nhiều khâu trung gian nên sẽ ảnh hưởng đến giá bán. Vì vậy, muốn bình ổn cần phải giảm các đầu mối về nhập khẩu, thương nhân bán buôn, phân phối. Ở các nước chỉ có 5 đầu mối bán buôn, trong khi ở Việt Nam có đến 38 doanh nghiệp nhập khẩu, sau đó lại qua hơn 300 thương nhân phân phối, rồi đại lý tổng.

Theo vị chuyên gia này, cần để doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ cạnh tranh và tự quyết định giá theo nguyên tắc "lời ăn lỗ chịu", chiết khấu tự thỏa thuận. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cũng chỉ có khung giá cần thiết khi có biến động đột biến. Gỡ nút thắt thị trường xăng dầu cũng chính là xây dựng chuỗi cung ứng xăng dầu dựa trên sự cạnh tranh bình đẳng. Doanh nghiệp tự chủ kinh doanh, tự quyết lãi lỗ và bỏ độc quyền trong cơ chế xin cho.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng phải bảo đảm cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, những thông tin về giá phải công khai, Nhà nước phải có dự trữ để điều hòa cung cầu bình ổn giá và phải kiểm tra, kiểm soát để tránh liên kết độc quyền về giá hoặc đầu cơ tăng giá.

Nhiều người lo ngại rằng, trao quyền định giá cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường là đúng, nhưng những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, những doanh nghiệp kinh doanh loại hàng nhập khẩu 100% này sẽ liên minh với nhau để ấn định giá độc quyền cao, không hợp lý làm thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Theo ông Thỏa, chúng ta áp dụng cơ chế giá thị trường, nhưng không phải thị trường tự do, mà là thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước phải kiểm soát không để doanh nghiệp muốn "cộng tới" chi phí thế nào cũng được để tính giá.

Nếu phát hiện các doanh nghiệp quy định giá không hợp lý, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp báo cáo phương án tính giá, các quyết định giá do doanh nghiệp định và thực hiện việc kiểm soát các yếu tố hình thành giá.

Về phía cơ quan quản lý là Bộ Công Thương, trao đổi với báo chí điều liên quan đến xây dựng nghị định kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 nghị định quản lý xăng dầu hiện nay, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền cho biết đối với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo nghị định dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường và nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá mà công thức giá quy định.

Đối với dự thảo nghị định thì đúng như dự kiến, nội dung này quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công Thương mới chủ trì phối hợp với các bộ ngành đề xuất, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá xăng dầu, điều này cũng phù hợp với quy định Luật Giá năm 2023 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Dự thảo đang được lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức có liên quan, Bộ Công Thương thì sẽ cùng với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện và xin ý kiến rộng rãi.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn của Bộ Công Thương cho hay, theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì nghị định kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 nghị định quản lý xăng dầu hiện nay cần có thời gian để đăng công khai, lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong vòng 60 ngày, Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ ngày 27.3.

Dự thảo mới có rất nhiều nội dung đổi mới, mang tính chất đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, trong quá trình điều hành cũng cần phải vừa tiếp cận được thị trường vừa phải có sự điều tiết của nhà nước.

"Liên quan đến điều hành giá, thì hiện nay việc điều hành giá trên tinh thần liên bộ, đưa ra mức giá trần để tham khảo và từ đó các doanh nghiệp đưa ra mức giá tính toán của mình sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của họ, nhưng không vượt mức giá trần", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Bài liên quan
'Hỏa tốc' yêu cầu xử phạt việc bán xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử
Ngày 18.3, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo ngại 'ông lớn' có quyền chi phối định giá cao