Từng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới, Evergrande giờ đây đang trên bờ vực sụp đổ với "bom nợ" hơn 300 tỷ USD treo trên đầu.

Đế chế bất động sản Trung Quốc Evergrande sụt hố, liệu Bắc Kinh có cứu giúp?

Hoàng Vũ | 23/09/2021, 14:33

Từng là một trong những tập đoàn bất động sản lớn trên thế giới, Evergrande giờ đây đang trên bờ vực sụp đổ với "bom nợ" hơn 300 tỷ USD treo trên đầu.

Evergrande được thành lập vào năm 1997, có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố tại Trung Quốc, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Tập đoàn này đã thực hiện 900 dự án xây tòa nhà thương mại, hạ tầng bất động sản. Tuy nhiên, sau nhiều năm vay vốn để đáp ứng tăng trưởng nhanh Evergrande hiện đang ngập trong nợ nần với khoản nợ lên đến 300 tỷ USD.

Với số nợ này, Evergrande hiện là công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới và phải xoay sở đủ cách để thanh toán cho nhà cung cấp trong các ngành xây dựng, vật liệu và thiết kế và chủ nợ, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư bán lẻ và cả người mua nhà. Trong hai tuần gần đây, công ty này đã hai lần cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ nếu không thể huy động tiền nhanh chóng. Tuần trước, Evergrande nói doanh số bán nhà của công ty sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9, sau khi đã giảm liên tiếp trong nhiều tháng trước đó, khiến tình hình dòng tiền càng trở nên tồi tệ.

Mới đây nhất, khoảng 100 nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở của Tập đoàn Evergrande tại Thâm Quyến, Trung Quốc để tỏ thái độ giận dữ, bất mãn và yêu cầu tập đoàn hoàn trả các khoản vay và sản phẩm quản lý tài sản. 

Tại thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây, một nhóm khoảng 300 người đã xông vào văn phòng chi nhánh Evergrande và yêu cầu gặp giám đốc đại diện để làm cho ra lẽ. Tất cả những diễn biến trên cho thấy mức độ bất ổn xã hội sẽ ra sao nếu Evergrande sụp đổ.

cnn-1.jpg
Các nhân viên an ninh đã phải tạo thành bức tường chắn trước lối vào của trụ sở tập đoàn Evergrande - Ảnh: CNN

Cả thế giới hiện đang hướng về Evergrande khi tập đoàn này đứng trước cột mốc quan trọng. Tập đoàn này sẽ phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu vào ngày 23.9 và 47,5 triệu USD vào ngày 29.9. Evergrande được cho là cũng đã thương thảo để trả số tiền lãi trái phiếu trong ngày 23.9 là khoảng 232 triệu Nhân Dân Tệ (NDT - tương đương 35,88 triệu USD).

Vẫn chưa rõ liệu công ty có thực hiện trả lãi đầy đủ hay không khi phần lớn các nhà phân tích cho rằng doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc này sẽ không thể thanh toán đúng hẹn. Nếu trong vòng 30 ngày sau khi đáo hạn không thể trả được khoản lãi này, Evergrande sẽ chính thức vỡ nợ. Một vụ vỡ nợ như vậy sẽ không chỉ khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, mà còn gây ảnh hưởng khắp thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những chuyên gia lạc quan không cho rằng Evergrande sẽ kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, nhưng cho rằng sự kiện này sẽ khiến thị trường chịu nhiều biến động hơn.

“Mọi sự chú ý hiện đang được chuyển sang việc Evergrande hoàn thành thanh toán lãi trái phiếu bằng USD đến hạn hôm nay, sau khi giải quyết xong khoản thanh toán trái phiếu trong nước. Các thị trường đang chờ đợi giải pháp tiếp theo về các khoản thanh toán trái phiếu tiếp theo để có niềm tin lớn hơn vào việc giảm bớt rủi ro cũng như nguy cơ sụp đổ của tập đoàn này”, chuyên gia thị trường Yeap Jun Rong nói với CNN hôm 23.9.

Chính phủ Trung Quốc liệu có cứu giúp Evergrande?

Câu hỏi lớn nhất hiện nay đối với giới đầu tư là bao giờ chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp và can thiệp bằng cách nào, cũng như liệu họ có quyết định tái cấu trúc tập đoàn Evergrande hay không. Nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ can thiệp nhưng trong phạm vi hạn chế, ngay cả khi một gói cứu trợ đầy đủ là khó có thể xảy ra. Một số người cũng lo lắng về khả năng Bắc Kinh quyết định để Evergrande sụp đổ, làm tổn thương cổ đông và người mua trái phiếu trong nước.

“Mọi người đều đang chờ đợi Bắc Kinh sẽ có giải pháp nào đó vì Evergrande là một doanh nghiệp quan trọng trong hệ thống kinh tế Trung Quốc. Nếu tình hình doanh nghiệp này không được giải quyết, cuộc khủng hoảng có thể lan rộng. Tôi cho rằng một số doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cuối cùng sẽ tiếp quản lại công ty này”, giám đốc đầu tư của Quỹ Rockefeller Global Family Office, ông Jimmy Chang nói và kỳ vọng chính phủ Trung Quốc hành động nhanh vì Evergrande đang bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, sau khi thị trường toàn cầu đã phớt lờ rủi ro từ "bom nợ" này.

cnn-2.png
Giới đầu tư kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp để giải quyết khủng hoảng đối với tập đoàn Evergrande - Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính lớn của Mỹ S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo nghiên cứu đầu tuần này: “Chúng tôi không kỳ vọng các hành động của chính phủ Trung Quốc sẽ giúp Evergrande tìm lại sự ổn định trong hệ thống có nguy cơ gặp rủi ro. Một gói cứu trợ của chính phủ sẽ làm suy yếu chiến dịch của Bắc Kinh trong việc tăng cường kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bất động sản”.

“Rất khó để hiểu rõ động thái của Trung Quốc bởi vì hệ thống vận hành kinh tế ở Trung Quốc rất khó giải thích. Hệ thống kinh tế của họ không rõ ràng khiến chúng ta gặp khó khăn khi muốn hiểu rõ về đất nước này. Chúng ta thường không thể đoán được đáp án trước khi nó xuất hiện”, giám đốc đầu tư tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ), ông Rick Rieder nhận định, đồng thời cho rằng giới đầu tư sẽ thận trọng hơn trước các công ty bất động sản và các công ty đa ngành của Trung Quốc trong một khoảng thời gian.

Thay vì đưa ra một gói cứu trợ, các nhà phân tích dự đoán trọng tâm mà Bắc Kinh hướng tới là hướng dẫn Evergrande thông qua quy trình tái cơ cấu nợ hoặc phá sản có trật tự, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cấp vốn để đảm bảo các nhà đầu tư nhỏ và người mua nhà được bảo vệ "nhiều nhất có thể”. Chỉ khi sự khủng hoảng tại Evergrande khiến các nhà phát triển lớn khác thất bại, chính phủ Trung Quốc mới trực tiếp vào cuộc. Cho đến nay, các hệ lụy đến hệ thống tài chính từ cuộc khủng hoảng của Evergrande được dự đoán vẫn "có thể kiểm soát được."



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đế chế bất động sản Trung Quốc Evergrande sụt hố, liệu Bắc Kinh có cứu giúp?