Để giải quyết nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, vùng ĐBSCL cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước, nhất là ở những khu vực người dân không khoan được giếng nước ngọt.

ĐBSCL 'khát' nước sinh hoạt vào mùa khô - Bài 3: Cần kinh phí đầu tư lớn

Trần Khải | 24/03/2023, 10:00

Để giải quyết nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho người dân vào mùa khô, vùng ĐBSCL cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước, nhất là ở những khu vực người dân không khoan được giếng nước ngọt.

ĐBSCL 'khát' nước sạch sinh hoạt vào mùa khô - Bài 1: Nỗi niềm của người dân mùa khô hạn

ĐBSCL 'khát' nước sạch sinh hoạt vào mùa khô - Bài 2: Nơi thừa, nơi thiếu

Giải pháp tạm thời

Theo số liệu điều tra bộ chỉ số nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2021 của huyện U Minh (Cà Mau), tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%, tổng số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh là 23.338 hộ. Trong đó, sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung là 4.070 hộ, chiếm hơn 17%; sử dụng nguồn cấp nước nhỏ lẻ với 19.268 giếng khoan, chiếm hơn 80%.

3..jpg
Đoàn cán bộ Trung tâm Nước sạch tỉnh Cà Mau kiểm tra vận hành trạm cấp nước Vườn quốc gia U Minh Hạ

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh cho hay phần lớn các hộ dân sống trên địa bàn huyện sử dụng nguồn nước cấp nhỏ lẻ đã chiếm hơn 80%, số hộ còn lại sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn cấp nước tập trung. “Tuy nhiên, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu cung cấp ở các khu vực chợ, khu vực đông dân cư sinh sống, chưa cung cấp được cho các tuyến dân cư thiếu nước sinh hoạt tại các tuyến kênh trong khu vực lâm phần rừng tràm, do mật độ dân cư thưa, nguồn vốn đầu tư cho tuyến ống chính lớn.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp huyện U Minh còn cho biết địa phương này hiện có 15 công trình cấp nước tập trung. Trong đó có 8 công trình đang hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực có hệ thống ống dẫn nước đi qua; 7 công trình đã ngưng hoạt động, nguyên nhân là bị hư hỏng (máy bơm, đường ống dẫn) và nguồn nước không sử dụng được do bị nhiễm phèn, mặn (gồm xã Nguyễn Phích bị 1 công trình, Khánh Lâm: 3 công trình, Khánh Tiến: 2 công trình, và Khánh Hội: 1 công trình).

3...jpg
Cán bộ quản lý Trạm cấp nước Vườn quốc gia U Minh Hạ kiểm tra hệ thống thiết bị

Về quy trình công nghệ xử lý, hiện nay các trạm cấp nước trên địa bàn huyện U Minh chủ yếu xử lý nước sinh hoạt bằng hóa chất clo và qua bồn lọc trước khi cung cấp nước cho người dân sử dụng chứ chưa áp dụng các công nghệ hiện đại cho hệ thống cấp nước tập trung.

Đối với khu vực thiếu nước sinh hoạt do không khoan được giếng, người đứng đầu ngành nông nghiệp huyện U Minh thông tin địa phương đang vận động xã hội hóa những bồn, túi chứa nước rồi tiến hành lắp đặt đường truyền dẫn cho các hộ dân sử dụng. “Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời, giải quyết những khó khăn hiện tại của người dân. Còn về lâu dài, hằng năm địa phương đều có đăng ký danh mục khó khăn gửi về tỉnh để có hướng đầu tư. Hiện địa phương cũng được đầu tư trạm cấp nước ở khu vực Hương Mai (xã Khánh Tiến) khi hoàn thành cũng giải quyết được cho vài trăm hộ ở địa phương”, bà Ửng cho biết thêm.

Cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư

Nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung là rất lớn. Để đầu tư, mở rộng, các địa phương cần nguồn kinh phí lớn từ cấp trên phân bổ, chứ không phải một sớm một chiều mà giải quyết được khó khăn này.

3....jpg
Để đầu tư hệ thống cấp nước, tỉnh Cà Mau cần nguồn kinh phí lớn

Ông Trần Anh Phương, Phó trưởng phòng Cấp nước và kế hoạch kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch tỉnh Cà Mau chỉ ra rằng, hiện nay để đầu tư 1 công trình cấp nước, bình quân để mỗi hộ có nước sử dụng chúng tôi phải bỏ ra khoảng 18 triệu đồng nên đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư là rất lớn. Giờ muốn đầu tư là rất khó, có những nơi khoan không có nước ngọt thì phải dẫn từ nơi khác về, cách từ 7 - 10km nên rất tốn kém.

“Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn đầu tư thiếu. Theo báo cáo đánh giá công tác nước sạch hằng năm, toàn tỉnh hiện có 233.878 hộ có nhu cầu sử dụng nước. Nhưng chỉ có khoảng 40.858 hộ, chiếm 17,47% được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung. Trong khi đó, theo quy định về nông thôn mới thì tỉnh phải có ít nhất 40% hộ dân được sử dụng nước từ công trình tập trung, nghĩa là cần khoảng 53.000 hộ nữa. Để đầu tư thì địa phương cần khoảng 1.000 tỉ đồng”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, hiện nay tình hình thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau hầu như địa phương nào cũng bị, nhiều nhất là các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh… Trước những khó khăn hiện tại, hằng năm Cà Mau đã đề xuất về trung ương để xin phân bổ vốn đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư vẫn hạn chế.

Được biết trong giai đoạn 2025-2030 tỉnh Cà Mau được Bộ NN-PTNT đầu tư khoảng 200 tỉ đồng để xây dựng hệ thống nước sạch. Trong đó, tỉnh Cà Mau phải đối ứng hơn 70 tỉ đồng. Hiện việc phân bổ này đã có đoàn đi khảo sát thực địa, Bộ NN-PTNT cũng đã có kế hoạch vốn.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL 'khát' nước sinh hoạt vào mùa khô - Bài 3: Cần kinh phí đầu tư lớn