Cho rằng có sự không thống nhất trong cách xác định giá trị thiệt hại của tài sản tại 2 vụ án về đất đai liên quan Vũ "nhôm" và Trần Văn Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án TAND tối cao giải đáp.

ĐBQH nói 'khó lý giải' trong bản án liên quan vụ Vũ ‘nhôm’ và 3 câu hỏi gửi Chánh án TAND tối cao

Lam Thanh | 20/11/2023, 12:20

Cho rằng có sự không thống nhất trong cách xác định giá trị thiệt hại của tài sản tại 2 vụ án về đất đai liên quan Vũ "nhôm" và Trần Văn Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án TAND tối cao giải đáp.

Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.

Khó lý giải về bản án đã tuyên

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) góp ý về 2 vụ án liên quan đất đai xảy ra tại TP.Đà Nẵng trong các năm 2010, 2011. Qua nghiên cứu đơn và các bản án, đại biểu nhận thấy có sự khó hiểu và khó lý giải về các bản án đã tuyên.

Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án được TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm Bán án số 48 ngày 30.1.2019 và TAND cấp cao xử phúc thẩm ngày 13.6.2019. Theo đó, xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của Nhà nước mua, thuê trái phép. Giá trị thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là năm 2010 và 2011.

thuy.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)

Viện trưởng Viện KSND tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố.

Vụ thứ hai là vụ Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, trong vụ án này, cả bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội số 20 ngày 13.1.2020 và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12.5.2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018.

Tóm lại, theo bà Thúy, hai vụ án được TAND TP.Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử đều liên quan tới 3 tài sản nhà nước tại TP.Đà Nẵng (nhà đất số 319 đường Lê Duẩn; dự án Việt ven biển, đường Trường Sa; đất công viên An Đồn cũ) nhưng lại không thống nhất trong cách xác định giá trị thiệt hại của tài sản.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án TAND tối cao trả lời cho đại biểu quốc hội và cử tri được biết vì sao tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định giá trị tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở hai vụ án nói trên.

Ngoài ra, theo bà Thúy, bản án phúc thẩm số 158 có sự sai về quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không? Bà Thúy cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử hai vụ án nêu trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật?

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, cần phải xác định ở thời điểm phạm tội vì tất cả các yếu tố cấu thành phạm tội đều phải được xác định ở một thời điểm - đó là thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra.

“Không thể có việc các hành vi động cơ, mục đích, thủ đoạn xác định ở thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra, còn riêng hậu quả thì để vài ba năm sau khi khởi tố mới xác định, điều đó là không công bằng”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

binh.jpeg
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Cũng theo ông Bình, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.

"Việc lô đất tăng giá, ví dụ năm nay 100 tỉ đồng, năm sau lên 200 tỉ, năm sau nữa lên 300 tỉ là do thị trường, không phải do hành vi đó gây ra", ông dẫn chứng. Nếu chúng ta xác định đất như thế thì trong thực tế sẽ có những bất cập khác, ví dụ những vụ buôn lậu, hối lộ, trộm cắp, tham ô... Chẳng hạn tham ô máy tính. Đất thì tăng theo thời gian, còn máy tính thì giảm theo thời gian, tính như vậy thì một số loại tội sẽ tăng, một số loại tội sẽ giảm.

Về hành lang pháp lý, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có một nghị quyết theo yêu cầu của Quốc hội để hướng dẫn, tất cả các vụ án sẽ phải xử vào thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra, chứ không phải ở thời điểm phát hiện, vì có thể có vụ án nhiều năm sau mới phát hiện ra.

Nhiều kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng

Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, 2.751 kiến nghị cử tri đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá cao kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, nhưng thực tế còn nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.

thong.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

Đại biểu Thông đơn cử vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước.

“Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu. Bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa và sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này”, ông Thông nói.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho rằng việc giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH nói 'khó lý giải' trong bản án liên quan vụ Vũ ‘nhôm’ và 3 câu hỏi gửi Chánh án TAND tối cao