Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, đại biểu Vũ Tuấn Anh cho rằng chính sách không đi vào cuộc sống.
Tài chính và đầu tư

ĐBQH nói chính sách hỗ trợ lãi suất không đi vào cuộc sống, Thống đốc NHNN nói gì?

Lam Thanh 17:43 25/05/2024

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, đại biểu Vũ Tuấn Anh cho rằng chính sách không đi vào cuộc sống.

Thảo luận tại Quốc hội chiều 25.5, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại không đi vào cuộc sống.

Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, đại biểu Vũ Tuấn Anh cho biết, đây là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách.

“Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, ông Tuấn Anh nói.

vta-1.jpeg
ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ)

Theo đại biểu, dư nợ tín dụng đến tháng 12.2021 ở mức 10,4 triệu tỉ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn tới các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng của chính sách không lớn.

“Qua thực tiễn cho thấy, nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông, điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất.

Đại biểu cho rằng, doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của Nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng chia sẻ rằng bối cảnh thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ của các nước thắt chặt, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị…

Theo đó, sau khi có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31.

anh-man-hinh-2024-05-25-luc-17.17.49.png
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Thống đốc cho biết chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương.

Lý giải kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc cho biết ngay từ đầu chính sách đã xác định đây là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.

“Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng”, bà Hồng nói.

Trao đổi làm rõ thêm về đánh giá nhận định về công tác thông tin truyền thông chưa sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, Thống đốc cho biết để triển khai chương trình, Ngân hàng Nhà nước ngoài việc tổ chức các hội nghị, còn yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành ở các tỉnh, thành địa phương tổ chức các hội nghị kết nối với doanh nghiệp và ngân hàng, có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đã rất tích cực đăng tải các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; các tổ chức tín dụng đăng tải thông tin trên website để khách hàng nắm được.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ tâm đắc với nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn, nhưng điều quan trọng là qua đó rút ra được bài học kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh chính sách không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp mới đi vay, mà quyết định của doanh nghiệp vay để làm gì và có khả năng trả nợ nay không.

Bài liên quan
Các quyết định mới về lãi suất tiền gửi có hiệu lực từ 20.11
Ngân hàng Nhà nước ban hành các quyết định mới về lãi suất tiền gửi có hiệu lực từ ngày 20.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH nói chính sách hỗ trợ lãi suất không đi vào cuộc sống, Thống đốc NHNN nói gì?