Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần bàn về hành lang pháp lý đối với vấn đề hiệp sĩ, và ngoài ra phải có sự hỗ trợ cho lực lượng này hoạt động.

ĐBQH Đặng Thuần Phong: Cần bàn về hành lang pháp lý cho hiệp sĩ đường phố

Trí Lâm | 14/05/2018, 19:01

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần bàn về hành lang pháp lý đối với vấn đề hiệp sĩ, và ngoài ra phải có sự hỗ trợ cho lực lượng này hoạt động.

Hai hiệp sĩ đường phố bị đâm tử vong trong quá trình truy đuổi kẻ cướp xe máy tại TP.HCM tối 13.5 tiếp tục gióng lên hồi chuông về hành lang pháp lý cũng như sự an toàncủa các nhóm hiệp sĩ đường phố tại một số địa phương phía nam.

Có thể thấy, cách thức hoạt động của các nhóm hiệp sĩ hiện nay phần lớn là tự phát, tự nguyện và chưa có quy định cụ thể của pháp luật đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này.

Do vậy, hầu hết các thành viên trong nhóm hiệp sĩ cũng không được tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức pháp luật, công cụ hỗ trợ từ cơ quan chức năng. Ngoài ra, nếu xảy ra rủi ro trong quá trình truy bắt tội phạm, các hiệp sĩ cũng không được hỗ trợ, quyền lợi.

Tuy nhiên, dù không được hỗ trợ nhưng cáchiệp sĩ vẫn tổ chức thành các nhóm để hành động. Bên cạnh đó, vấn đề tạo hành lang cho hoạt động của hiệp sĩ được bàn thảo nhiều nhưng vẫn chưa có kết luận.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cần tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ cho lực lượng này hoạt động.

“Người dân họ rất bức xúc và lo lắng với tình trạng cướp giật hiện nay. Trong khi các hiệp sĩ tay không đấu tranh với tội phạm. Họ, mỗi người một công việc, một hoàn cảnh nhưng họ đã gạt bỏ cá nhân của mình, dám xả thân vì cộng đồng. Được bao nhiêu người dám xả thân như vậy? Đáng lẽ ra, họ phải được hỗ trợ, trang bị thêm một số công cụ để hoạt động, để bảo vệ bản thân họ trong đấu tranh với tội phạm”, ông Phong nói.

Đại biểu Đặng Thuần Phong cũng chia sẻ: “Chúng ta đang xây dựng phong trào toàn dân chống tội phạm. An ninh của chúng ta là an ninh nhân dân, mà những người dân xả thân như vậy lại không được chú trọng, chưa có hành lang pháp lý nào để bảo vệ. Những chiến tích của họ cũng chưa được khen thưởng xứng đáng”.

“Bây giờ họ hy sinh liệu có được công nhận gì không? Hay khi bị thương tật, mất sức lao động thì xã hội có hỗ trợ gì về sinh kế cho họ? Tôi nghĩ điều này nên phải bàn để hỗ trợ cho họ”, đại biểu Phong nói và cho rằng, nếu để các hiệp sĩ đơn thân như hiện nay thì không thỏa đáng.

Cho rằng đây là vấn đề mới, chưa có trong luật, đại biểu Phong đưa ra giải phápcần nghiên cứu cho tới nơi tới chốn. Theo đó, cần đề xuất một dự án luật liên quan tới những vấn đề nàyđể đảm bảo quyền lợi cho hiệp sĩ và những công dân khác khi họ tham gia đấu tranh với tội phạm. “Tôi nghĩ cần sớm làm chính sách này, chứ để sẽ mai một dần đi”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phong cho rằng mô hình hoạt động của các hiệp sĩ ở Bình Dương rất tốt, có sự gắn kết với cơ quan công an. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ ở mức câu lạc bộ, như một sân chơi ở một địa phương. Điều cần thiết là hành lang pháp lý vững chắc để các địa phương khác cùng thực hiện.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông Phong cho rằng lực lượng công an cũng cần có những giải pháp trấn áp tội phạm mạnh mẽ hơn nữa. Đại biểu này ủng hộ việc tái lập phong trào săn bắt cướp.

Liên quan đến vụ 2 hiệp sĩ trong quá trình truy đuổi bị đối tượng cướp giật đâm tử vong, Đại tá Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết, tối 13.5, một nhóm đối tượng điều khiển xe máy lưu thông trên các tuyến đường ở khu vực cư xá Bắc Hải (phường 15, quận 10).

Thấy nhóm đối tượng này có nhiều biểu hiện khả nghi nên nhóm hiệp sĩbám theo. Đến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), một trong 2 đối tượng đi trên xe đã xuống bẻ khóa chiếc xe SH đang dựng trên vỉa hè.

Lúc này, nhóm hiệp sĩ tiếp cận để vây bắt. Kẻ trộm manh động đã lấy dao tự chế tấn công làm 2 người trong nhóm hiệp sĩtử vong, cụ thể là anh Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và anh Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê tỉnh Bình Định, tạm trú quận Tân Bình).

Ngoài ra còn có 3 người khác trong nhóm hiệp sĩ bị thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện gồm các anh: Trần Văn Hoàng (47 tuổi, tạm trú quận Tân Bình), Nguyễn Đức Huy (22 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và anh Đinh Phú Quý (22 tuổi, ngụ huyện Củ Chi).

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Đặng Thuần Phong: Cần bàn về hành lang pháp lý cho hiệp sĩ đường phố