Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng là đúng nhưng có nghĩa là bỏ các quy hoạch trên các tỉnh thành, kể cả chuyện vùng sâu, vùng xa. Vùng sâu, vùng xa nhà nước phải vào cuộc.
Tại buổi thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng là đúng. Hoạt động công chứng không giống những dịch vụ như là mát-xa hay karaoke, hệ quả và hậu quả cực kỳ lớn.
“Người ta làm 1 di chúc 20 năm sau mới mở ra, và rất nhiều tài sản quý giá, đất đai, những thỏa thuận của các doanh nghiệp có thể kéo dài tới 20 - 30 năm. Nếu chúng ta phát triển không có quy hoạch chặt chẽ và không kiểm soát chặt chẽ, thì 5 - 7 năm sau phòng công chứng dẹp đi mất”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa nói tiếp: “Họ gửi hồ sơ đó lại cho Sở Tư pháp nếu đóng cửa, nhưng những người đã làm công chứng bậy bạ và công chứng gian dối như thế nó đi đâu mất rồi, thậm chí đi ra nước ngoài định cư, làm sao chúng ta xét xử được. Cho nên chuyện bỏ quy hoạch tổng thể là đúng nhưng chúng tôi đề nghị không có nghĩa là bỏ các quy hoạch trên các tỉnh thành, kể cả chuyện vùng sâu, vùng xa; Vùng sâu, vùng xa nhà nước phải vào cuộc”.
Cũng theo đại biểu này, ở các nước người ta quy hoạch casino mà người ta đưa vào những vùng hoang vắng, những sa mạc để phát triển vùng đó lên. Không ai đưa vào các nơi cận đô thị để làm.
“Chúng tôi đề nghị công chứng vùng sâu, vùng xa Nhà nước phải có trách nhiệm và đồng thời Chính phủ tới đây khi sửa đổi Luật Công chứng đề xuất phải làm cho chặt chẽ hơn chứ không sẽ có những hệ lụy mà sau này chúng ta sẽ khó giải quyết”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), công chứng là nghề nghiệp đặc thù cần phải quản lý chặt chẽ chứ không phải là hoạt động kinh doanh thông thường, bởi lẽ văn phòng công chứng là tổ chức bổ trợ tư pháp được điều chỉnh theo luật chuyên ngành là Luật Công chứng, không phải theo Luật Doanh nghiệp.
Luật Công chứng hiện hành đã có một số quy định về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, những điều kiện này chưa đủ để tăng cường chất lượng khi cho phép thành lập văn phòng công chứng trong bối cảnh bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, bởi vì những điều kiện này được quy định trong Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng sửa đổi năm 2014, quy định trong giai đoạn đầu xã hội hóa hoạt động công chứng đến nay đã không còn phù hợp.
Bà Hoa cho hay, hiện nay với điều kiện để thành lập văn phòng công chứng tương đối dễ dàng như trên, số lượng các văn phòng công chứng đã tăng lên rất nhanh, kéo theo một loạt các vấn đề phát sinh như sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ chức công chứng để tranh dành khách hàng, tăng doanh thu.
“Để lôi kéo khách hàng, nhiều tổ chức công chứng chấp nhận rủi ro, bỏ qua các nguy cơ về mặt pháp lý để linh động khi ký các hợp đồng giao dịch dân sự cho người dân và doanh nghiệp. Khi đó rủi ro về mặt pháp lý là rất lớn và cả tổ chức công chứng và người yêu cầu công chứng đều phải đối diện với những nguy cơ rủi ro này”, bà Hoa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hiện tượng công chứng viên bắt tay với người đi công chứng bằng việc công chứng viên chứng kiến việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản nhiều lần nhưng chỉ đóng dấu nộp thuế một lần để giúp người mua trốn thuế khi ký kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản cũng đã diễn ra ngày càng phổ biến.
“Những vấn đề phát sinh đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay cũng chưa có để xử lý hoặc việc quy định tổ chức công chứng phải có trụ sở để hoạt động nhưng chưa có quy định cụ thể là trụ sở phải rộng tối thiểu bao nhiêu mét vuông, hoạt động ổn định tại trụ sở đó bao lâu, dẫn đến nhiều văn phòng công chứng thuê trụ sở, thay đổi trụ sở liên tục hoặc có diện tích trụ sởchật hẹp, nhếch nhác”, bà Hoa nêu.
Theo bà Hoa, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật các nước trong Liên minh công chứng quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì nghề công chứng đều xác định công chứng là nghề đặc thù.
Theo đó, nghề này được nhà nước trao quyền lực công nên hoạt động công chứng được nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ, không thể phát triển tràn lan, dẫn đến tình trạng tranh giành khách hàng của nhau, mất lòng tin của người dân, mất uy tín của nhà nước.
“Các nước có hệ thống công chứng đã được xã hội hóa hầu hết đều phát triển. Các tổ chức công chứng theo quy hoạch hoặc quy định những tiêu chuẩn rất cao về nhân sự, điều kiện tài chính, điều kiện bảo đảm cho việc hình thành các tổ chức công chứng. Do đó, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện phát triển tổ chức hành nghề công chứng là rất cần thiết”, bà Hoa kết luận.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Việt Nam đã thống nhất bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về hành nghề, việc này tôi nhất trí về chủ trương. Tuy nhiên, thực tế việc chúng ta bỏ quy hoạch tổng thể đồng thời cũng phải đi đôi với tăng cường các điều kiện và tiêu chuẩn hành nghề để tránh những rủi ro xảy ra.
Chúng tôi rà lại quy định về các điều kiện về hành nghề công chứng ở trong luật thấy chưa đủ để chúng ta vẫn đảm bảo vai trò quản lý nhà nước cùng với việc chúng ta bỏ quy hoạch tổng thể.
Theo rà soát, hiện nay trong cả nước có 970 tổ chức hành nghề công chứng, tăng hơn 7 lần so với năm 2007, là năm chúng ta bắt đầu cho thành lập các văn phòng công chứng. Về cơ bản phủ đều ở các địa phương, còn đối với những vùng sâu, vùng xa thì việc chứng nhận hợp đồng chủ yếu do Ủy ban nhân dân xã thực hiện. Tôi thống nhất với ý kiến của một đại biểu nói rằng nhu cầu ở đây không lớn.
Qua rà soát sơ bộ của Bộ Tư pháp, có thể nói các tổ chức với số lượng như vậy thì về cơ bản chúng ta đáp ứng các yêu cầu đặt ra của kinh tế - xã hội. Có một xu hướng trong những năm gần đây thì các vụ việc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hành nghề công chứng của công chứng viên và của các văn phòng công chứng càng ngày càng tăng. Cho nên chúng tôi thấy cùng với việc thống nhất bỏ quy hoạch tổng thể quốc gia về hành nghề công chứng thì cũng phải có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và tiêu chí.
Lam Thanh