Có một điều khá thú vị mà có lẽ không nhiều người để ý đến, đó là người Việt rất thích "gộp". Từ gộp hai cái Tết Âm lịch và Dương lịch lại làm một, cho đến gộp các tỉnh thành trên cả nước như một số ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Đầu Xuân nói chuyện gộp tỉnh

15/02/2018, 08:44

Có một điều khá thú vị mà có lẽ không nhiều người để ý đến, đó là người Việt rất thích "gộp". Từ gộp hai cái Tết Âm lịch và Dương lịch lại làm một, cho đến gộp các tỉnh thành trên cả nước như một số ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Sáp nhập các tỉnh thành chưa bao giờ là chuyện dễ dàng ở Việt Nam - Ảnh: Internet

Nhân câu chuyện vui những ngày giáp Tết, lướt qua các sự kiện thú vị trong khoảng thời gian cuối năm âm lịch Đinh Dậu, có một điều khá thú vị mà có lẽ không nhiều người để ý đến, đó là người Việt rất thích "gộp". Từ những sự kiện liên quan đến văn hóa - xã hội như gộp hai cái Tết âm lịch và dương lịch lại làm một, cho đến những vấn đề thuộc phạm vi điều hành cấp quốc gia như gộp các tỉnh thành trên cả nước như một số ý kiến tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Gộp, dĩ nhiên là để tinh gọn hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn; nhưng trong phần lớn trường hợp cho thấy nó chỉ là trên lý thuyết. Nếu không có kế hoạch chu đáo và thấu triệt, việc gộp thường sẽ dễ dẫn đến những đứt gãy nghiêm trọng, trong trường hợp gộp Tết là về văn hóa, còn gộp tỉnh là về quản lý nhà nước và tăng trưởng của nền kinh tế.

Một cách khách quan, các lý do chủ yếu được đưa ra để lập luận cho sự cần thiết của việc gộp tỉnh đều tỏ ra khá cảm tính. Dễ dàng có thể liệt kê các lý do chính cho việc đề xuất gộp tỉnh: tinh giảm bộ máy quản lý thông qua hợp nhất sẽ dẫn đến giảm số lượng lớn công chức và chi thường xuyên; tỉnh lớn sau sáp nhập sẽ có nền kinh tế được quy hoạch và phát triển theo vùng, hiệu quả hơn so với tình trạng manh mún hiện nay…

Một trong những dẫn chứng điển hình cho sự hiệu quả của mô hình các tỉnh lớn là Trung Quốc, khi nước này dù nằm trong số các quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới cũng chỉ có số lượng đơn vị hành chính khá ít. Cụ thể, Trung Quốc có 22 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 5 khu tự trị, ngoài ra có 2 đặc khu hành chính là Hồng Kông và Ma Cao.

Trong khi đó, Việt Nam dù có diện tích nhỏ hơn Trung Quốc khoảng gần 30 lần nhưng lại có tới 63 tỉnh thành trên cả nước. Sự phân chia hành chính có phần khá nhỏ lẻ này lâu nay vẫn được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hệ quả không thực sự tích cực về phát triển kinh tế, chẳng hạn như sự thừa thãi các công trình có tầm quan trọng cho toàn vùng như sân bay và cảng biển; hay sự thiếu kết nối giữa các tỉnh về kinh tế và thương mại,…

Nhưng, về nhiều góc độ, đó chưa phải là các lý do phù hợp và nhất là thích đáng để đề xuất gộp tỉnh. Trước hết, về việc tinh giảm bộ máy quản lý. Thực tế là có rất nhiều cách để thực hiện điều này mà không cần tiến hành gộp tỉnh và hợp nhất bộ máy, như: tinh giản biên chế, hợp nhất các cơ quan có cùng chức năng nhiệm vụ, hay gần nhất là việc thử nghiệm nhất thể hóa các cơ quan Đảng và Chính quyền ở cấp huyện,… tất cả các biện pháp đó trên thực tế có tính khả thi cao hơn nhiều so với việc hợp nhất bộ máy vốn rất cồng kềnh và phức tạp của nhiều tỉnh thành lại với nhau.

Về hiệu quả hoạt động, sự tinh giản biên chế cũng có tác dụng hơn là hợp nhất, vốn thường là đầu mối tạo ra sự chồng chéo về quyền hạn và trách nhiệm. Đề xuất gộp tỉnh để tinh giản biên chế thông qua hợp nhất bộ máy, về một góc độ nhất định, cũng giống như đánh đổi việc có thể giải quyết từng khó khăn nhỏ lấy một cái khó khăn lớn và phức tạp vậy.

Về những hệ quả trong quản lý kinh tế do sự manh mún về quy hoạch và thiếu kết nối giữa các tỉnh, hoàn toàn có thể giải quyết thông qua việc thiết lập các quy hoạch vùng. Ngoài ra, sự lan tỏa về kinh tế nội địa hiện nay cũng sẽ dẫn đến các động thái sáp nhập các doanh nghiệp và công ty thuộc cùng lĩnh vực ở nhiều địa phương lại với nhau để tăng hiệu quả kinh tế. Khi quy mô của các ngành kinh tế càng lớn, thì càng khó có chuyện một tỉnh thành nào đó có thể tiếp tục sự biệt lập trong một vài lĩnh vực mũi nhọn của mình, mà thường sẽ lan tỏa sang các tỉnh kế cận trong một chuỗi sản xuất khép kín.

Trường hợp điển hình có thể kể ra gần đây là quy hoạch phát triển của Bạc Liêu nằm trong sự phát triển chung của cả vùng bán đảo Cà Mau. Việc Bạc Liêu tập trung vào ngành nuôi tôm công nghệ cao và năng lượng tái tạo là bước đi nền tảng cho cả vùng bán đảo, khi cần sẽ phải liên kết với 4 tỉnh lân cận để hoàn thiện chuỗi khép kín của ngành công nghiệp nuôi tôm với các trung tâm nghiên cứu giống, công nghệ và các khu nuôi trồng quy mô lớn. Một mình Bạc Liêu sẽ không thể thực hiện được tất cả các khâu trong chu trình nói trên.

Sự manh mún và thiếu kết nối kinh tế - thương mại giữa các tỉnh thời gian trước đây chỉ một phần là đến từ yếu tố quản lý và quy hoạch mà thôi, trên thực tế phần lớn nó xuất phát từ việc thiếu lan tỏa của nền kinh tế nội địa, khi các khu công nghiệp và các ngành kinh tế chưa đủ lớn để vươn xa ra khỏi phạm vi của một tỉnh.

Giờ đây, khi các hoạt động sáp nhập và hợp nhất đang trở nên rất thường thấy trong hàng loạt các lĩnh vực của nền kinh tế, thì việc phá vỡ các rào cản về địa giới hành chính trong lĩnh vực kinh tế chỉ là chuyện sớm muộn. Và khi chúng ta có thể kết nối các tỉnh thành về kinh tế và thương mại lại với nhau, thì việc gộp tỉnh sẽ tự nhiên trở thành một điều dư thừa.

Ngoài ra, cũng phải kể đến các khó khăn không nhỏ mà chúng ta có thể dễ dàng nhận diện trong việc gộp tỉnh. Đó là các vấn đề về sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền, về sự mâu thuẫn trong ưu tiên các chương trình phát triển kinh tế xã hội,… và quan trọng nhất là lựa chọn được những người lãnh đạo đủ khả năng để kiến thiết và điều hành phát triển các tỉnh có quy mô lớn sau khi gộp.

Ngay cả trong bối cảnh các tỉnh có quy mô nhỏ và manh mún hiện nay, chúng ta cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm được những lãnh đạo đủ khả năng đưa tỉnh nhà cất cánh, thì khi gộp lại thành các tỉnh lớn vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Ở một góc độ khác, các tỉnh nhỏ hơn đồng nghĩa sẽ có ưu điểm là linh hoạt và nhanh nhạy hơn, điều quan trọng là cần có quy hoạch chung để gắn kết các tỉnh trong cùng một vùng lại với nhau về kinh tế - thương mại. Một đàn sói nếu biết đoàn kết và hợp tác sẽ nguy hiểm hơn nhiều là một con voi to lớn, nặng nề và chậm chạp.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu Xuân nói chuyện gộp tỉnh