Mời bạn thử phiêu bồng đến với các vườn hoa Xuân sắc khắp dải đất hình chữ S thân thương, bởi hoa là một phần tất yếu của cuộc sống.

Đầu Xuân dạo quanh những 'vườn hoa Xuân' nổi tiếng khắp Việt Nam

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng | 16/02/2018, 06:37

Mời bạn thử phiêu bồng đến với các vườn hoa Xuân sắc khắp dải đất hình chữ S thân thương, bởi hoa là một phần tất yếu của cuộc sống.

Xuân là mùa khởi đầu năm mới nên không gian và vạn vật rộn ràng, đất trời tràn ngập hương sắc. Mùa Xuân là mùa của hoa. Từ trong nhà ra ngõ đến ngoài đường, phố và khắp vùng quê, bất kể đồng bằng hay núi non, sông suối. Con người trở nên đáng yêu với mắt cười long lanh và áo quần rạng rỡ. Mời bạn thử phiêu bồng đến với các vườn hoa Xuân sắc khắp dải đất hình chữ S thân thương, bởi hoa là một phần tất yếu của cuộc sống.

1. Những vườn hoa lâu đời nhất ở Hà Nội

Tuổi vườn phải tính hàng ngàn, hơn cả tuổi thủ đô. Không ai biết chính xác tự bao giờ. Những làng hoa gắn liền với lịch sử ngàn năm văn vật, trải bao thăng trầm của thế cuộc vẫn thủy chung gắn bó với con người. Có thể nói, Hà Nội là “thủ đô hoa” của các tỉnh phía Bắc với hàng chục làng hoa nổi tiếng. Đó là các làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, Mê Linh, Nghi Tàm, Tây Tựa, Liên Mạc, Phú Thượng, Xuân Quan… Ngoài Nhật Tân với hoa đào là chủ đạo, khoe sắc với nhiều loài hoa thì các làng hoa khác đều như những bộ sưu tập “kính thưa các loại hoa”. Hoa thích lạnh nhưng không ưa giá rét nên gần tết càng rực rỡ và khêu gợi.

Một góc vườn hoa Ngọc Hà - Ảnh Internet
Trời hồng sắc xuân ở Nhật Tân - Ảnh Internet

2.Rừng hoa Tây Bắc

Các tỉnh Tây Bắc và cả Việt Bắc, không có những làng hoa riêng. Giữa cái lạnh se sắt và buốt giá của màu xám âm u, rất nhiều cây trơ cành, trụi lá, nhẫn nhục chịu đựng. Bỗng ấm lên bởi những vạt hoa đào thắm đỏ và hoa mơ trắng muốt. Hai màu tương phản nhưng mạnh mẽ đối mặt với gió rét và thời tiết khắc nghiệt để góp Xuân với đời . Khác với đào Hà Nội, trồng chủ yếu lấy cành hoặc bứng nguyên cây chưng tết, đào và mơ Tây Bắc trồng tự nhiên quanh nhà, trên nương trên đồi. Ngoài việc hồn nhiên tô thắm sắc Xuân còn dâng tặng cho đời những quả ngọt đậm đà hương vị.

Hoa mơ trắng tuyết sát cánh với đào phai ở Tây Bắc - Ảnh Internet

3.Làng mai Tuy Hòa, Phú Yên

Một cội mai đẹp - Ảnh Internet

Nếu hoa Xuân của miền Bắc là đào, thì hoa Xuân của miền Nam, chính xác hơn của miền Trung là mai, mà Phú Yên được xem là thủ phủ. Như tính cách đặc trưng là chân mộc, mai Phú Yên chỉ cần cây có “chà, lùm”, dáng sung mãn, nhiều cành; uốn tỉa cân đối và nhiều hoa là ăn tiền. Họ Mai có 24 loài. Phân biệt theo màu sắc có hoàng mai, bạch mai, hồng mai. Mai núi, mai rừng bông to và lâu rụng hơn mai vườn. Mai thường có 5 cánh, từng là biểu tượng cấp bậc của sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa trước 1975. Mai vàng là cấp úy, mai trắng là cấp tá.

Mai núi có 12 - 18 cánh. Mai chủy thân to. Mai động, mai sẻ sống vùng cát ven biển. Có loại mai sống dựa một phần vào các cây cổ thụ gọi là mai tầm gửi, mai tỳ bà, mai vương. Mai có hương thơm được gọi là mai ngự, mai thơm, mai hương. Theo hình dáng thì có mai trâu (bông to, chừng nửa tấc), mai liễu, mai nhọn. Có mai tứ quí nở quanh năm và mỗi hoa nở hai lần nên còn gọi là nhị độ mai. Mai giảo được cấy ghép độc đáo nhiều loài trên một thân, có loài hoa mai 120 cánh. Mai không chỉ là độc quyền của Việt Nam mà còn có mai Campuchia, Myanmar, Indonesia, Madagascar, Nam Phi, châu Phi…

4. Đà Lạt, thành phố ngàn hoa

Được xem là bộ sưu tập hoa của thế giới thu nhỏ. Việt Nam có nhiều cao nguyên nhưng hoa nhiều nhất là ở Đà Lạt. Có cảm giác hoa khắp nơi tụ hội về, đa phần trồng trong nhà kính. Đà Lạt là nơi duy nhất ở Việt Nam có festival hoa hàng năm. Hoa Đà Lạt không chỉ tỏa đi cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Hoa được chế biến cầu kỳ thành thực phẩm bồi bổ, cả ăn và uống. Chưa ai thông kê được Đà Lạt có bao nhiêu loại hoa. Chỉ riêng hoa lan, đã có trên 200 loài, có 5 loài mang tên Đà Lạt và Langbiang. Nhiều đường phố ở Đà Lạt mang tên các loài hoa và trồng toàn loài hoa đó. Có những loài hoa qúi phái từ châu Âu, châu Mỹ vẫn giữ nguyễn tên nước ngoài. Có những loài hoa đặc trưng của châu Á và những loài hoa bình dị cuả núi rừng Việt Nam như dã quì, trâm ổi, phù dung…Các làng hoa nổi tiếng ở Đà Lạt là Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên…

Hoa mai anh đào ở dốc Đa Quí, biểu tượng Đà Lạt - Ảnh Internet
Một góc vườn hoa Đà Lạt - Ảnh Internet

5. Làng hoa kiểng Cái Mơn
Chợ Lách, Bến Tre, quê hương của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, là thủ phủ giống cây trồng và là thủ đô cây ăn trái của Nam bộ. Cái Mơn không chỉ có hoa mà còn kiểng, thứ nào cũng trứ danh. Kiểng Cái Mơn từng xuất khẩu sang nhiều nước. Các nghệ nhân Năm Công, Năm Thoại… được xem là bậc thầy “phù thủy” về các loại kiểng thú, kiểng 12 con giáp. Các nghệ nhân kiên trì, tỉ mẫn dỗ dành cây uốn mình theo mong ước muôn hình muôn vẻ của các gia chủ, có khi phải gầy hàng tháng, thậm chí cả năm.

Một góc vườn kiểng 12 con giáp của nghệ nhân Năm Công - Ảnh Internet

6. Vườn hoa Tân Qui Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp
Là làng hoa có nhiều thứ nhất của Nam bộ. Đó là làng hoa lâu đời nhất, tuổi tính hàng trăm. Là làng hoa rộng nhất, hơn 320 ha. Là làng hoa phong phú nhất, hơn 2.000 loài. Khác với nhiều làng hoa ở Việt Nam khác, làng hoa Sa Đéc chủ yếu là hoa trồng ngoài trời của vùng nhiệt đới. Không chỉ trồng trên cạn mà cả trên nước, chăm sóc hoa phải bơi (chèo) xuồng. Giữa làng hoa có homestay, có quán cà phê và nhà hàng. Một số loài hoa được sử dụng như thực phẩm chức năng. Vài trăm năm trước, dân miền Tây đón Xuân bằng hoa ô môi với truyền thuyền về mối tình son sắt của đôi trai tài - gái sắc nhưng bị giàu nghèo ngăn cách, vẫn một lòng thủy chung chờ đợi, chết vẫn không thể chia lìa. Ô môi – Ô theo tiếng Khmer là cây – Môi, đọc trệch từ “muôi” là số 1, có nghĩa “Em mãi mãi là số 1, không ai thay thế được”. Đó cây mà hoa báo Xuân, trái báo Hè, gắn liền với tuổi thơ bao thế hệ, trái để ăn chơi và cây có tác dụng chữa bệnh. Nhiều nơi ở Đồng Tháp đang sưu tập lại loài hoa nhiều ý nghĩa này.

Vườn hoa Sa Đéc vào mùa thu hoạch - Ảnh Internet
Cây ô môi – hoa báo Xuân, trái báo Hè - Ảnh Internet

Việt Nam, đất nước bốn mùa hoa. Mỗi vùng đều có loài đặc thù riêng nhưng loài nào cũng cố sức làm đẹp cho người và làm đẹp cho đời. Nếu thiếu hoa, mùa Xuân sẽ không còn hương sắc.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu Xuân dạo quanh những 'vườn hoa Xuân' nổi tiếng khắp Việt Nam