Lộc cộc, lộc cộc… tiếng vó ngựa kéo xe gõ nhịp đều trên những con đường quê khiến ta nhớ tới cái thời “ngựa xe như nước” của vùng Bảy Núi.

Dấu xưa xe ngựa vùng Bảy Núi

Tô Văn | 11/03/2023, 10:00

Lộc cộc, lộc cộc… tiếng vó ngựa kéo xe gõ nhịp đều trên những con đường quê khiến ta nhớ tới cái thời “ngựa xe như nước” của vùng Bảy Núi.

Tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), nghề đánh xe ngựa xuất phát từ người Khmer vào thế kỷ trước. Xe ngựa là phương tiện chính giúp người dân di chuyển, thồ hàng nhất, là những đoạn đường núi, khó đi lại.

Cùng với sự phát triển, đường sá thông thương, xe cá nhân ngày một nhiều, nghề đánh xe ngựa dần mai một. Tưởng nghề “lộc cộc” rồi sẽ mất hẳn, song khoảng vài năm trước, các khu du lịch muốn tái hiện phương tiện độc đáo này, tìm đến vùng đất Bảy Núi tuyển người thuần ngựa.

1-ngua1.jpg
Con ngựa của ông Chau Giac gặm cỏ trong lúc chờ chở hàng - Ảnh: N.T

Ở Bảy Núi có nhiều người từng nức tiếng về thuần hóa ngựa, sau đó cung cấp ngựa cho những người đánh xe trong và ngoài tỉnh.

Về Bảy Núi hỏi chuyện ngựa, người dân bản địa đều chỉ tới ông Chau Giac thường được gọi là lão Giac (SN 1963, ngụ huyện Tịnh Biên), người được mệnh danh là “thầy ngựa” ở đất này.

Lão Giac cho biết: “Gia đình tôi hồi đó nuôi ngựa rất nhiều, từ nhỏ đã thấy ngựa mỗi ngày nên cách thuần ngựa tôi thành thục từ khi 13 tuổi. Hồi trước, ngựa là phương tiện đi lại của quan viên, cũng là phương tiện thồ hàng chủ yếu.

Lúc đó, người dân khắp vùng thuê gia đình tôi thuần những con ngựa hoang được mua từ các tỉnh khác. Tiền công thuần một con ngựa, tôi có thể mua được 4 - 5 con ngựa khác”.

3-ngua3.jpg
Bây giờ, thỉnh thoảng mới bắt gặp chiếc xe ngựa trên đường - Ảnh: N.T

Tương tự, ở Bảy Núi người ta cũng hay nhắc ông Chau Boul (60 tuổi), người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề chạy xe ngựa. Nói đến ngựa, ông Boul còn giữ nhiều ký ức về nghề xưa.

Theo kinh nghiệm của ông Boul, chọn ngựa tốt phải dựa vào xoáy lưng, xoáy chân… Con ngựa tốt phải có xoáy đẹp, chuẩn, chân sau thẳng, mắt to, lông mượt.

“Muốn thuần được một con ngựa phải mất cả tháng trời. Lúc đầu, phải cho ngựa lội đi lội lại nhiều lần trên những đoạn đường dốc quanh co, đến khi nó mỏi nhừ mình mới dạy chúng được. Khi thuần, phải cần đến 5 - 6 người cùng ghìm cương ngựa, tròng nó vào xe, tập đi tập lại cả tháng nó mới chịu kéo xe”, ông Buol kể.

Bây giờ, ô tô, xe máy, xe buýt… ngập tràn đã đẩy xe ngựa vào dĩ vãng. Cái bến xe ngựa nức tiếng một thời đặt tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên cũng mất theo. Cả huyện Tịnh Biên hiện chỉ còn vỏn vẹn 10 con ngựa gõ vó mỗi ngày kéo những chiếc xe chở hàng.

Chuyện chở hàng bằng xe ngựa giữa thời dập dìu xe tải lớn xe tải nhỏ này xem ra chẳng khấm khá gì, nhưng muốn níu giữ chút gì hình ảnh đặc trưng của đất xưa nên hiện ở xã Vĩnh Trung còn có 3 ông nài vẫn đang giữ lấy nghề chạy xe ngựa.

Một trong 3 người đó là ông “Can xe ngựa”, cái tên người bản xứ đặt cho ông Chau Can (46 tuổi, ngụ huyện Tịnh Biên).

Qua ký ức của ông Can, vào đầu thập niên 80-90, thời điểm đó, riêng xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) có đến 100 chiếc xe ngựa, huyện Tri Tôn cũng có gần 30 chiếc nữa. Bến xe ngựa tại xã khi ấy đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng, nông sản đi khắp các chợ. Đó là thời ăn nên làm ra của những chiếc xe ngựa.

“Còn bây giờ xe ngựa hết thời, giờ ai kêu chở gì cũng chở, gần xa gì cũng nhận tuốt hết. Ngày được vài trăm nghìn, nhưng có ngày không đồng nào.

Giữ nghề xe ngựa là vì tôi còn yêu ngựa, chứ sống bằng nghề xe ngựa bây giờ khó lắm. Gần đây thường có khách du lịch từ xa đến, thuê xe ngựa đi tham quan các làng nghề, di tích nên sắp tới tôi sẽ làm một chiếc xe ngựa đặc biệt, giữ nguyên vẻ đẹp của những chiếc xe ngựa cổ chuyên phục vụ du lịch”, ông Can tâm sự.

2-ngua2.jpg
Xe ngựa vùng Bảy Núi (An Giang) chở hàng, giá 100 - 150 nghìn đồng tùy chặng - Ảnh: N.T

Được biết, ở vùng Bảy Núi, ngựa 3 tuổi đã có thể tập kéo, nhưng tốt nhất là 5 tuổi. Với đặc điểm khỏe, dẻo dai, một con ngựa có thể kéo chở khoảng 5 người hoặc 800kg hàng hóa.

Đặc biệt chúng khá linh hoạt khi đi những đường gồ ghề, đường sình lầy, nơi những chiếc xe máy chào thua. Chúng thường ăn hai bao cỏ mỗi ngày, cùng 5 - 6kg lúa. Chủ nào thương ngựa sẽ có thêm bữa ăn khuya là chuối cây xắt.

Bảy Núi là vùng bán sơn địa, đất núi đồi xen lẫn đồng bằng, thuộc 4 huyện, thành phố của An Giang: TP.Châu Đốc, các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, vùng Thất Sơn có 37 ngọn núi đồi lớn nhỏ rải rác, với độ cao trung bình từ 50 - 710m.

Bảy ngọn núi đại diện cho cả vùng, gồm núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng hay còn gọi là núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu xưa xe ngựa vùng Bảy Núi