Làn sóng #MeToo khởi nguồn sau chuỗi cáo buộc quấy rối tình dục chấn động nhắm vào Harvey Weinstein - một trong những nhà sản xuất phim quyền lực nhất Hollywood lúc bấy giờ, kéo theo sự ‘hạ bệ’ của không ít cái tên nổi tiếng khác. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhìn nhận, kinh đô giải trí hãy còn cả ‘chặng đường’ dài phía trước nếu muốn thay đổi tư duy văn hóa và triệt tiêu vấn nạn xâm hại.
Dẫu công chúng bắt đầu thảo luận công khai về scandal xâm hại của những ‘ông lớn’ ngành công nghiệp giải trí Hollywood, kiểu hành vi đồi bại ấy chưa thật sự có dấu hiệu chấm dứt – minh chứng qua hàng loạt vụ ‘che đậy’, bào chữa bằng mọi cách bởi một số người trong cuộc.
Chỉ 2 năm trước, trước khi #MeToo ‘bùng nổ’ như ‘hiện tượng’ toàn cầu, “không một ai dám hình dung việc đặt câu hỏi với minh tinh kỳ cựu Gwyneth Paltrow hay Rosanna Arquette, rằng liệu họ từng bị Harvey Weinstein quấy rối”, Kim Masters, phóng viên tờ The Hollywood Reporter, nhận xét.
Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại, “Tôi vẫn nghe nhiều câu chuyện đáng buồn mà cánh làm báo chúng tôi vẫn chưa đủ khả năng đăng tải”, Masters, người đã theo sát, tường thuật chi tiết chuỗi scandal về Weinstein, chia sẻ.
Những dự án phim đáng chú ý gần đây như ‘Bombshell’ và series vừa phát hành trên Apple TV+ ‘The Morning Show’ được khen ngợi khi thẳng thắn lột tả vấn nạn xâm hại trong môi trường truyền thông giải trí.
Vài studio phim và đơn vị quản lý nghệ sĩ,vẫn dùng biện pháp đe dọa khởi kiện để ngăn chặn những tố cáo bất lợi cho họ. Theo Masters, không ít công ty chỉ chọn cách lên tiếng chính thức khi họ chẳng may bị truyền thông ‘phanh phui’.
“Đến khi bạn đã đấu tranh hết sức mình, họ đột nhiên khẳng định, ‘Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề thật nghiêm túc’” nữ phóng viên bày tỏ.
Hai nhà báo Jodi Kantor (trái) và Megan Twohey đã viết nên một câu chuyện ‘lịch sử’ trong ngành báo chí Hoa Kỳ về chuỗi scandal quấy rối tình dục của Harvey Weinstein (Ảnh: Getty Images)
Rõ ràng, chúng ta vẫn chưa có quyền hy vọng đúng nghĩa vì trên thực tế, phải đợi đến khi 2 phóng viên New York Times tiến hành cuộc điều tra quy mô vào tháng 10.2017 - vạch trần hành vi quấy rối diễn ra từ lâu của Weinstein, để ‘kích hoạt’ làn sóng đấu tranh #MeToo và sau đó là #TimesUp.
Kể từ ‘cột mốc’ này, Weinstein đã hứng chịu, nhưng phủ nhận, nhiều cáo buộc bởi hàng chục phụ nữ, trong lẫn ngoài giới giải trí, về tội ác xâm hại.
Nhà sản xuất có thời nổi danh với dự án điện ảnh đình đám như ‘Pulp Fiction’ và ‘Shakespeare in Love’ đang đối diện một phiên xử kéo dài tại tòa án New York bắt đầu từ thứ hai, 6.1.2020. Vụ xét xử cáo buộc cưỡng bức, tuy nhiên, không làm ảnh hưởng đến mức án phạt 25 triệu USD Weinstein cam kết trả hồi tháng trước, bồi thường cho những nạn nhân nữ.
“Không có gì bất ngờ khi xu hướng ‘im lặng’ trước hành động xâm hại, quấy rối nay đã không còn”, Megan Twohey, một trong hai nhà báo New York Times đã viết nên câu chuyện chấn động, cho biết.
Suốt một thời gian dài, nhiều phóng viên “bị buộc đứng ngoài cuộc” và thực tế rằng giờ đây “đang có vô số câu chuyện cùng nạn nhân bước ra ‘ánh sáng’, tìm đến chúng tôi, là một đổi thay quan trọng”, cô bày tỏ trên bài phỏng vấn cùng Vanity Fair.
“Cùng lúc đó, tuy nhiên, chưa có sự cải tạo tư duy nào trong môi trường giải trí” như cách mọi người đã và đang chờ đợi, Twohey nhấn mạnh. Cô dẫn chứng từ rất nhiều cuộc hòa giải bằng tiền, cùng những điều khoản ‘ngầm’ để giúp “bảo vệ ‘mặt nạ’ đạo đức của Harvey Weinstein qua hàng năm liền”.
Diễn viên, biên kịch người Mỹ Patton Oswalt “vẫn lo ngại về những gì đang âm thầm diễn ra sau lưng công chúng” từ khi scandal Weinstein bùng nổ. (Ảnh: Getty Images)
Trong khi nhiều diễn viên Hollywood tỏ ra miễn cưỡng khi phải công khai đề cập đến scandal Weinstein, số khác lại thể hiện sự e ngại, thậm chí băn khoăn, lo sợ hành vi xâm hại chưa thật sự được ngăn chặn.
“Weinstein không cần phải thừa nhận việc làm sai trái hay tự bồi thường bằng khoản tiền cá nhân nào”, nữ diễn viên – người mẫu Emily Ratajkowski tỏ rõ sự phẫn nộ về mức án phạt được dàn xếp vào tháng trước dành cho Weinstein, thông qua một bài đăng trên trang Twitter cá nhân.
Ngôi sao phim ‘Ratatouille’ – Patton Oswalt chia sẻ với AFP rằng ngành công nghiệp giải trí “dù hiện cho thấy nhiều dấu hiệu cải thiện, nhưng tôi vẫn lo ngại về những gì đang âm thầm diễn ra sau lưng công chúng”.
Oswalt nói thêm, “Bạn có thể đọc hết những bài báo rồi tự nhủ, ‘Chúa tôi!’… Điều đáng buồn là bạn biết nó vẫn có thể đang xảy ra ở đâu đó, bạn biết điều đó”.
Jodi Kantor, phóng viên New York Times đã đồng hành cùng Twohey trong nỗ lực vạch trần Weinstein, bày tỏ, cô tin Hollywood cuối cùng đang dần nhận ra: cố tình che giấu sự việc chỉ gây thêm nhiều tổn hại, hơn là đối diện nó.
Tuy nhiên, theo Masters, “đối diện vấn đề” không hề dễ dàng với nhiều nạn nhân. Cô nói, “Những phụ nữ đủ dũng cảm để lên tiếng thường lại là người phải hứng chịu rủi ro, chứ không phải ngôi sao nổi tiếng bị tố giác”.
Đây cũng là nhìn nhận của hội đoàn ‘Think Tank for Inclusion and Equity’ (TTIE - Tư duy hợp nhất vì Chỗ đứng và Công bằng) gồm những nhà biên kịch (yêu cầu được ẩn danh) hoạt động trong lĩnh vực truyền hình.
“Mọi người vẫn đang rất sợ mất việc, sợ sẽ bị ‘gạch tên’ khỏi thị trường giải trí”, đại diện TTIE cho biết.
Nữ diễn viên Rose McGowan (Ảnh: AFP)
Nữ diễn viên Rose McGowan, người đã tố cáo Weinstein tội danh cưỡng bức, và thường xuyên kêu gọi chống nạn kỳ thị giới tính ở môi trường nghệ thuật, tiết lộ gần đây thông qua Twiiter: “Tôi đã thất nghiệp gần 5 năm kể từ khi tôi đứng lên kể rõ sự thật và đấu tranh trước những dối trá”.
“Hollywood đang cần đứng lên chịu trách nhiệm, nếu không phải vì tôi, hãy vì những phụ nữ đã lên tiếng đấu tranh chống lại hành vi xâm hại như tôi”, McGowan viết trên trang cá nhân. “Chúng tôi cần mọi người đứng lên vì chúng tôi, như chúng tôi đứng lên vì họ”.
Như Ý (theo AFP)