Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1.2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng với số lượng khách ước đạt 805.072 lượt, tăng 5,8% so với tháng trước, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết tổng lượng khách châu Á đến Việt Nam ước đạt 525.682 lượt, giảm 2,6% so với tháng 12.2015, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 12,8%. Đối với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông thì mức tăng vẫn duy trì, đặc biệt là Hàn Quốc (với mức tăng 30,1%), Hồng Kông (24,1%). Trong khi đó, lượng khách Trung Quốc có sự sụt giảm đáng kể so với tháng trước (giảm 12,8%). Lượng khách từ các quốc gia ASEAN cũng giảm đáng kể so với tháng trước, với mức giảm trung bình 21,1%.
Lượng khách châu Âu đến Việt Nam trong tháng này đã có mức tăng mạnh so với thị trường khách châu Á. Tổng lượng khách châu Âu ước đạt 154.038 lượt khách, tăng 19,3% so với tháng 12.2015 và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết khách từ các thị trường đều tăng với mức tăng trung bình của toàn khu vực là 31,9%. Thị trường khách Tây Âu có mức tăng mạnh nhất trong nhóm thị trường khách châu Âu, như Ý (với mức tăng 71,4%), Thụy Điển (67,1%) Phần Lan (61,2%), Đan Mạch (57,2%), Na uy (39,1%).
Số lượng khách du lịch từ thị trường châu Úc và châu Mỹ có mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường khu vực so với tháng trước với mức tăng lần lượt là 49,2% và 30,9%.
Về tình hình khách du lịch trong nước ở tháng đầu tiên của năm 2016, vào dịp lễ Giáng sinh và năm mới, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh không chỉ thu hút khách quốc tế mà còn lượng lớn khách trong nước. Những địa điểm du lịch vùng cao như Đà Lạt, Sa Pa hay các điểm du lịch biển phía nam vẫn được khách trong nước lựa chọn. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết mục tiêu chiến lược là đến năm 2020, ngành du lịch của Việt Nam cơ bản sẽ trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới”.
Hơn nữa, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Các chỉ tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 11,5-12%/năm, Bộ trưởng cho biết.
Tuyết Nhung