Hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê… còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hoá cao nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

‘Đất vàng’ dọc sông Sài Gòn đang bị biến thành của riêng

11/09/2019, 10:57

Hiện nay, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê… còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hoá cao nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Bờ sông Sài Gòn đang bị lấn chiếm nhiều cho mục đích cá nhân - Ảnh: TL

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành; các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025” do UBND TP.HCM vừa tổ chức chiều qua 10.9.

Tràn lan tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã, hiện thành phố đã phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó đã cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30 - 60m. Theo quy hoạch được duyệt, không gian dọc sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành có chức năng là cây xanh, công viên và các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng kết cấu hạ tầng giao thông thủy của TP.HCM chưa phát huy được tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trải qua nhiều giai đoạn nhưng lại thiếu đồng bộ do căn cứ vào các cơ sở pháp lý khác nhau.

Đáng chú ý, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân như xây dựng các bến neo đậu tàu thuyền, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê… còn phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hoá cao nhưng chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.

Báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho thấy, cuối năm 2018, cả tuyến sông Sài Gòn có 84 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở; khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại - dịch vụ; khu công viên kết hợp vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ hơn 454ha.

Tuy nhiên trong số này, chỉ có 13 chủ đầu tư với 116 lô đất có ảnh hưởng tới hành lang bảo vệ sông. Còn gần một nửa trong số đó đã có quyết định cưỡng chế, yêu cầu phải tháo dỡ, nhưng đến tháng 4.2019, nhiều chủ đầu tư vẫn không thực hiện với lý do các căn biệt thự đã được sang tay nhiều đời chủ.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng nói trước năm 2004 chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên một số dự án nhà ở, khu du lịch... đã được giao đất và xây dựng sát cạnh mép bờ cao sông Sài Gòn. Hiện tại, thành phố chưa có quy hoạch bờ kè theo từng đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (đoạn từ huyện Nhà Bè đến quận 9) và sông, kênh rạch nội thành để làm căn cứ lập kế hoạch thực hiện kè bờ theo từng giai đoạn.

Cần rà soát lại quỹ đất dọc bờ sông

Trước việc bờ sông Sài Gòn đang bị lấn chiếm làm của riêng, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề nghị TP.HCM chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành. Không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn, hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.

Còn TS.Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, TP.HCM không nên quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế trước mắt mà nên quan tâm hơn đến môi trường đô thị và cảnh quan sông nước. Nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hành lang sông kênh rạch, thành phố cần bám sát quy hoạch thủy lợi chống ngập úng phân khu vực theo các phương án chống ngập và giao thông thủy để có kế hoạch và phương án thiết kế kè hiệu quả nhất.

Đồng quan điểm, TS. Lê Văn Năm - Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói rằng, thành phố cần chú trọng thiết kế cho không gian sông nước hài hoà với thiết kế chung của từng khu vực đô thị. Đồng thời, do các trục sông rạch là những không gian công cộng lý tưởng nên các phương án thiết kế cần tăng cường kết nối, nâng cao khả năng tiếp cận của cư dân, tạo không gian đô thị sinh động và an toàn. Các trục đường dọc theo các tuyến sông, rạch cần bảo đảm kết nối liên tục.

Kiên quyết giữ bờ sông cho người dân

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, sông nước đối với TP.HCM là một tài nguyên thiên nhiên đặc biệt, nó là điều kiện để TP.HCM phát triển trong quá khứ và phải sử dụng để phát triển trong tương lai. Do đó, phải có quy hoạch sử dụng sông nước gắn với quy hoạch khai thác kè bờ sông và sử dụng đất ven sông phải là định hướng chiến lược.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, sắp tới, TP.HCM tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh trở thành đề án quy hoạch phát triển bờ kè sông, kênh rạch nội thành. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý phát triển và quy chế quản lý thống nhất, đồng bộ, rõ trách nhiệm từng cơ quan Nhà nước, rõ vai trò tham gia của người dân và doanh nghiệp, có biện pháp chế tài đủ mạnh để triển khai thực hiện quy chế này.

“TP.HCM có quá trình đô thị hóa nhanh nhưng phải hướng tới đô thị sông nước. Vì vậy, mọi hoạt động đầu tư, xây dựng của doanh nghiệp, nhà dân hoặc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đều phải hướng đến đô thị sông nước. Nếu không hướng đến đô thị sông nước mà chỉ xây nhà cao tầng khai thác từ mép bờ sông cho đến bên trong thì không thành công.

Có thể nói, bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung của người dân TP.HCM, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng không gian này trở thành một đô thị sông nước hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố”, ông Hoan nói.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
17 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Đất vàng’ dọc sông Sài Gòn đang bị biến thành của riêng