Hiện nay CDC Hải Dương và Công ty Việt Á đủ năng lực thực hiện việc triển khai xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng với công suất lên đến 30.000 mẫu gộp/ngày

Dập dịch tại Hải Dương: Quan trọng là thông tin chính xác, phối hợp tốt với địa phương

Út Nha | 17/02/2021, 11:43

Hiện nay CDC Hải Dương và Công ty Việt Á đủ năng lực thực hiện việc triển khai xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng với công suất lên đến 30.000 mẫu gộp/ngày

Hải Dương đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Trong bản tin 18 giờ ngày 16.2, Hải Dương ghi nhận thêm 38 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ ngày 27.1 lên 539 ca.

Để dập dịch, ngăn chặn lây lan, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải thực hiện các xét nghiệm thật rộng rãi và có kết quả nhanh chóng. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương hôm 14.2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để có thể dập ổ dịch ở Hải Dương một cách nhanh nhất?".

Bộ trưởng Long yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải đưa máy móc, nhân lực xuống thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 2; Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thiết lập labo xét nghiệm tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế Chí Linh); Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống khảo sát ngay tại huyện Cẩm Giàng để thiết lập labo tại đây.

“Làm sao để trả kết quả xét nghiệm trong ngày, tránh để qua ngày. Không dồn xét nghiệm về CDC Hải Dương như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặt vấn đề tại hội nghị.

Về tình hình chống dịch hiện nay tại Hải Dương, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Hiệp - Phó tổng giám đốc của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á - nơi cung cấp bộ kit xét nghiệm hàng đầu của Việt Nam hiện nay và đang có mặt tại Hải Dương hoạt động chống dịch. Tiếp nhận thông tin từ CDC Hải Dương, ông Hiệp thông báo cho đến chiều tối 16.2, việc trả kết quả xét nghiệm trong ngày của các đơn vị tăng cường từ Bộ Y tế vẫn chưa thực hiện được như kỳ vọng. Ông Hiệp cũng cho rằng tăng tốc xét nghiệm phải đảm bảo yếu tố chính xác nên việc đòi hỏi tốc độ mà không xét đến các yếu tố khác sẽ dễ dẫn đến sai sót.

hiep-3.jpg
Ông Vũ Đình Hiệp đang có mặt tại Hải Dương - Ảnh: A.T

Trước thông tin cho rằng Hải Dương hiện giờ đang căng thẳng vì năng lực xét nghiệm thấp nên Bộ Y tế phải đổ người và thiết bị vào để dập dịch, ông Hiệp đã trấn an rằng thực ra hiện nay CDC Hải Dương và Công ty Việt Á đủ năng lực thực hiện việc triển khai xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. Năng lực xét nghiệm của CDC Hải Dương với sự hỗ trợ của Việt Á đã tăng 20 lần, lên đến 30.000 mẫu gộp/ngày. Hơn nữa, nhóm xét nghiệm vừa được tăng cường ê kíp hỗ trợ từ Quảng Ninh sang Hải Dương và tăng công suất gấp đôi, lên tối đa 60.000 mẫu gộp/ngày. Lâu nay, ngày cao nhất thực hiện ở Hải Dương chỉ hơn 15.000 mẫu gộp/ngày, thậm chí những ngày gần đây là chưa tới 10.000 mẫu gộp/ngày. Nói cách khác, việc thực hiện xét nghiệm mới chỉ dùng chưa tới 30% công suất hiện hữu tại CDC Hải Dương.

Do vậy, việc một số thông tin cho rằng cường độ làm việc CDC Hải Dương quá căng thẳng dẫn đến trả mẫu kết quả chậm là không chính xác. Thông tin như vậy có thể gây hiểu lầm về năng lực của CDC Hải Dương, của các chuyên gia hỗ trợ từ Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cũng như các đơn vị hỗ trợ như Việt Á, thậm chí gây hiểu lầm đến năng lực của tỉnh, gây hoang mang không cần thiết...

Một người có trách nhiệm cùng đội phòng chống dịch lăn lộn ở Hải Dương xuyên Tết từ đầu dịch đến giờ cho biết anh em trong đội không hài lòng trước thông tin cho rằng đội chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở tâm dịch. Đúng là những ngày đầu dịch thì hoạt động xét nghiệm ở CDC Hải Dương có sự lúng túng do đợt dịch lần này khá phức tạp với số lượng mẫu rất lớn. Tuy nhiên sau đó nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và Công ty Việt Á, cùng với sự làm việc trách nhiệm của CDC Hải Dương, hoạt động xét nghiệm ở đây diễn ra thuận lợi và suôn sẻ, các kết quả được xử lý dứt điểm trong ngày.

Về vấn đề xét nghiệm, ông Hiệp cho biết thêm: Bình thường, có thể chấp nhận việc mỗi nơi một kiểu xét nghiệm, nhưng với việc bùng phát dịch lớn như Hải Dương đợt này và Đà Nẵng đợt 2 vừa rồi thì rất cần phải chuẩn hóa đầu vào xét nghiệm. Xét nghiệm tại các cơ sở khác nhau phải đồng nhất chứ mỗi nơi một kiểu thì rất khó chống dịch. Nếu mỗi nơi một kiểu, khi có sự sai lệch xảy ra sẽ rất khó đồng bộ kết quả, dẫn đến khó phân tích, nhận định vấn đề và sẽ khó chống dịch. Đây là kinh nghiệm thực tiễn khi chống dịch tại Đà Nẵng trong đợt dịch lần 2. Đồng bộ hóa xét nghiệm trên toàn hệ thống là một yếu tố lớn góp phần vào thành công nhanh chóng trong chống dịch tại Đà Nẵng.

hiep-1.jpg

Hiện nay, các ca dương tính tuy ghi nhận nhiều nhưng hầu hết là những người trong khu cách ly, không có nguy cơ lây ra cộng đồng. Đến ngày 16.2 mới xuất hiện 4 ca dương trong cộng đồng nhưng cùng trong một gia đình. Nói như ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Hải Dương, các ổ dịch lớn trong tỉnh đều đã được khống chế cơ bản. Bên cạnh đó, việc xác định thời điểm cũng như biện pháp phong tỏa phù hợp để vừa chống dịch hiệu quả, vừa có lợi nhất cho người dân và xã hội là rất quan trọng.

Ông Vũ Đình Hiệp tin rằng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam nói chung, ở Hải Dương nói riêng cần phải có sự chung sức của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự nỗ lực chung đó cần được phối hợp nhịp nhàng để tránh cảnh giẫm chân lên nhau khiến cho lãng phí nguồn lực. “Nếu hai chân phối hợp nhịp nhàng thì chúng ta sẽ nhanh tới đích, còn nếu giẫm chân lên nhau thì rất khó đi”, ông Hiệp ví von.

Quan trọng hơn, để tiết kiệm nguồn lực trong cuộc chiến chống COVID trường kỳ thì những người chịu trách nhiệm từ Bộ Y tế đến tỉnh cần nắm bắt, kiểm chứng nguồn tin chính xác từ thực tế, từ cơ sở để có sự thống nhất, xuyên suốt và ra quyết định hiệu quả. “Các nguồn tin từ một phía, dù người đó là ai đi nữa mà không có sự phân tích kỹ lưỡng và có sự xác thực từ thực tế có thể sẽ dẫn đến quyết định thiếu chính xác, ảnh hưởng đến tổng thể cuộc chiến chống dịch”, ông Hiệp khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dập dịch tại Hải Dương: Quan trọng là thông tin chính xác, phối hợp tốt với địa phương