Sau những cảm xúc ban đầu về việc Tổng thống Mỹ phê chuẩn Đạo luật về Hồng Kông thì CNN nhận định "không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump dự định sớm ban hành bất kỳ quyết định nào dựa trên Đạo luật về Hồng Kông".

Đạo luật về Hồng Kông có đủ là phát pháo khơi mào căng thẳng Mỹ - Trung?

28/11/2019, 18:22

Sau những cảm xúc ban đầu về việc Tổng thống Mỹ phê chuẩn Đạo luật về Hồng Kông thì CNN nhận định "không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump dự định sớm ban hành bất kỳ quyết định nào dựa trên Đạo luật về Hồng Kông".

Sau khi gọi ông Tập Cận Bình là người bạn thì Tổng thống Mỹ phê chuẩn Đạo luật về HK

Món quà kịp thời hay chỉ là chiến thắng mang tính biểu tượng

Người biểu tình ở Hồng Kông sẽ tổ chức một cuộc diễu hành ăn mừng vào thứ năm hôm nay sau khi Tổng thống Donald Trump trao cho họ thứ được mô tả là "món quà Lễ Tạ ơn kịp thời".

Phe ủng hộ dân chủ vui mừng vì Tổng thống Trump đã ký phê chuẩn Dự luật ủng hộ phong trào phản kháng ở Hồng Kông bất chấp việc phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh và điều đó có thể huỷ hoại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đầy nhạy cảm. Nhưng ông Trump cũng không có nhiều sự lựa chọn sau khi Dự luật được cả hai viện của Quốc hội thông qua với tỷ lệ áp đảo (100% ở thượng viện và chỉ có 1 phiếu chống trong hơn 400 phiếu ở hạ viện).

Những người biểu tình chống chính quyền đặc khu từ lâu đã vận động Mỹ dùng đến dự luật về Hồng Kông để mở đường cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc thậm chí đình chỉ tình trạng giao dịch đặc biệt của Hồng Kông. Do vậy đối với họ, quyết định ký kết phê chuẩn dự luật thành đạo luật của ông Trump đã mang lại cho phong trào phản kháng ở Hồng Kông một chiến thắng lớn thứ hai chỉ trong vài ngày.

Vào Chủ nhật, các ứng cử viên phe ủng hộ dân chủ đã giành chiến thắng như núi lở trong cuộc bầu cử hội đồng quận. Điều đó đã thể hiện nguyện vọng của cử tri ở Hồng Kông khi tỷ lệ người đi bỏ phiếu vượt mốc 70%, cao hơn rất nhiều so với những cuộc bầu cử trước đây ở Hồng Kông.

Các nhà hoạt động và các chính trị gia phe dân chủ ở Hồng Kông đã ăn mừng trên mạng sau khi ông Trump ký thông qua dự luật mà nhà cựu lập pháp Nathan Law gọi đây là "món quà Lễ Tạ ơn kịp thời". Tuy nhiên, cả hai chiến thắng kể trên chỉ mang tính chất biểu tượng. Chiến thắng trong cuộc bầu cử ở cấp quận chưa thể tạo ra nhiều thay đổi trên thượng tầng chính trị ở đặc khu vì luật chưa dành nhiều sân chơi và khoảng trống cho các đại diện cấp quận. Còn Đạo luật về Hồng Kông thì sao?

Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Mặc dù Dự luật Hồng Kông đã được thông qua trở thành Đạo luật với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Washington, nhưng nó không thể ngay lập tức tạo ra bất kỳ hiệu ứng rõ ràng.

Dự luật chính mà Tổng thống Trump ký thành luật, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, yêu cầu Bộ Ngoại giao hàng năm xem xét liệu đặc khu này có "đủ tự chủ" để được hưởng tình trạng giao dịch đặc biệt của mình với Mỹ hay không.

Nếu không thể chứng minh việc “đủ tự chủ”, Đạo luật về Hồng Kông có thể khiến Washington rút lại tình trạng đó, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của đặc khu này.

Đạo luật cũng vạch đường để Tổng thống áp dụng các biện pháp trừng phạt và hạn chế đi lại đối với những người bị buộc tội cố ý giam giữ, tra tấn và ép cung với bất kỳ cá nhân nào ở Hồng Kông, hoặc các vi phạm khác về quyền con người được quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump dự định sớm ban hành bất kỳ quyết định nào dựa trên Đạo luật về Hồng Kông. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết họ sẽ chỉ thi hành các phần của luật vì "một số điều khoản của Đạo luật sẽ giẫm chân vào quyền lực được hiến định của Tổng thống trong việc thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ".

Ngay sau khi dự luật được ký thành luật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ "hành vi bắt nạt", "coi thường sự thật" và "công khai ủng hộ tội phạm bạo lực". "Chúng tôi kêu gọi Mỹ không ngoan cố bước xuống con đường này, hoặc Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả và nước Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả", tuyên bố viết.

Chính phủ Trung Quốc cũng triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad, để "phản đối mạnh mẽ" về quyết định của Mỹ. Đây là hành động không chỉ để Bắc Kinh giữ thể diện mà còn là cách nhắc nhở với Nhà Trắng rằng họ đang rất giận dữ và có thể hành động bất chấp sẽ khiến ông Trump ít nhiều gánh chịu hậu quả.

Có những lo ngại rằng sự bất đồng của Bắc Kinh và Washington về Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Hai bên trước đây dường như đã gần đến giai đoạn đầu của một thỏa thuận. Các chỉ số ở thị trường châu Á giảm nhẹ sau khi ông Trump ký thông dự luật, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng về việc Đạo luật về Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán như thế nào.

Cũng có lo ngại rằng bất kỳ thay đổi nào đối với mối quan hệ thương mại Mỹ-Hồng Kông có thể ảnh hưởng không mong muốn đến người dân bình thường ở Hồng Kông, thay vì Bắc Kinh hoặc các nhà lãnh đạo của đặc khu.

Mỹ là đối tác lớn thứ hai của Hồng Kông về tổng thương mại, theo số liệu từ chính quyền Hồng Kông. Washington đã xuất khẩu 50 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang đặc khu này vào năm 2018, số liệu của Mỹ thể hiện.

Susan Thornton, người từng là quan chức hàng đầu phụ trách khu vực châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ trong chính quyền Trump, tháng trước từng bày lo ngại Đạo luật về Hồng Kông có thể kết thúc luôn việc "trừng phạt chính xác những người sai trái" vốn đang được thực thi.

Một điều luật đồng hành được ông Trump thông qua là cấm xuất khẩu một số công cụ trấn áp đám đông được Mỹ xuất sang Hồng Kông, như hơi cay và đạn cao su nhưng đây là những thiết bị mà Hồng Kông cũng có thể mua từ Trung Quốc. Dù sao chất lượng hơi cay của Mỹ cũng có độ tin tưởng. Nếu cảnh sát thay đổi đạn hơi cay, không dùng hàng Mỹ thì người biểu tình có khi sẽ chịu cảm giác còn đáng sợ hơn.

Cảnh sát Hồng Kông đã bắn khoảng 10.000 viên đạn hơi cay và khoảng 4.800 viên đạn cao su trong những tháng bất ổn, Cảnh sát trưởng của đặc khu John Lee cho biết vào hôm qua 27.11. Ông nói thêm rằng hơn 5.800 người đã bị bắt giữ kể từ tháng 6 do liên quan đến các cuộc biểu tình.

Trong một tuyên bố sau khi Trump ký các dự luật thành luật, chính quyền Hồng Kông nói rằng quyết định đó "không hợp lý" và sẽ "gửi một tín hiệu sai lầm cho người biểu tình, điều này không có lợi cho việc làm dịu tình hình ở Hồng Kông".

Cả Bắc Kinh và Hồng Kông đều nhiều lần cáo buộc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu và Trung Quốc. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người khởi xướng Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông đã bác bỏ cáo buộc đó.

"Cách đối xử với Hồng Kông của chúng tôi là một vấn đề nội bộ. Đó là vấn đề trong chính sách công của chúng tôi", Rubio nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. "Chúng tôi có quyền thay đổi luật của chúng tôi".

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đạo luật về Hồng Kông có đủ là phát pháo khơi mào căng thẳng Mỹ - Trung?