Nhà bình luận Sebastien Roblin (Mỹ) nhận định lần tước đoạt quyền lực mà quân đội Myanmar đang thực hiện sẽ không thành công.

Đảo chính tại Myanmar liệu có thành công?

Cẩm Bình | 03/02/2021, 08:23

Nhà bình luận Sebastien Roblin (Mỹ) nhận định lần tước đoạt quyền lực mà quân đội Myanmar đang thực hiện sẽ không thành công.

Ngày 1.2, quân đội Myanmar thông báo bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của chính quyền đương nhiệm trong đó có cả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi với cáo buộc gian lận bầu cử. Quyền điều hành đất nước trong 1 năm tới do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing nắm giữ.

Binh sĩ xuất hiện trên đường phố thủ đô, phương tiện truyền thông trong lẫn ngoài nước bị cắt sóng, hoạt động thông tin liên lạc gián đoạn. Cuộc đảo chính nhận phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Theo nhà bình luận Roblin, mặc dù cuộc bầu cử năm ngoái có chút sai sót – chẳng hạn như tước bỏ quyền bỏ phiếu của cử tri ở khu vực xung đột, nhưng những gì quân đội Myanmar thực hiện không phải nhằm bảo vệ quyền bỏ phiếu mà là nỗ lực tái khẳng định sự thống trị gần 5 thập kỷ với chính trường nước này.

960x0.jpg
Binh sĩ chặn con đường đi đến Quốc hội Myanmar hôm 1.2 - Ảnh: Getty Images

Lịch sử cai trị của quân đội

Myanmar từ khi giành được độc lập năm 1948 luôn chìm trong xung đột giữa nhiều lực lượng, phe phái cùng nhóm lợi ích khác nhau.

Đến năm 1962, lực lượng vũ trang Myanmar dưới sự lãnh đạo của tướng Ne Win lật đổ chính quyền dân sự và lập nên chế độ quân quản. Cuộc đảo chính một phần xuất phát từ lo ngại chính quyền dân sự không thể xử lý những phong trào dân tộc thiểu số với nhóm vũ trang liên quan.

Năm 1988, hàng loạt cuộc biểu tình kêu gọi dân chủ khiến tướng Ne Win bị phế truất. Nhưng sau đó lại là một chính quyền quân sự mới áp đặt thiết quân luật, tiến hành đàn áp đẫm máu trên khắp cả nước.

Thế rồi chính quyền quân sự cuối cùng cũng tổ chức bầu cử dân chủ, đa đảng vào năm 1990. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi thắng áp đảo.

Chính quyền quân sự từ chối công nhận kết quả, bắt giữ nhiều đảng viên NLD và quản thúc bà Suu Kyi tại gia.

960x0-1-.jpg
Bầu cử năm 1990 - Ảnh: Getty Images

Khi đối mặt làn sóng biểu tình mới từ quần chúng vào năm 2007, quân đội Myanmar một lần nữa thực hiện chuyển giao dân chủ từng bước. Lần này họ đưa ra một số biện pháp nhằm đảm bảo không bị mất vai trò trên chính trường: được nắm giữ 25% số ghế Quốc hội; được bổ nhiệm quan chức đứng đầu Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Vấn đề biên giới; xây dựng điều khoản trong hiến pháp không cho bà Suu Kyi làm Tổng thống.

Nhưng NLD chiến thắng hai cuộc bầu cử 2015 và 2020, bà Suu Kyi nắm quyền trên thực tế bằng chức danh cố vấn nhà nước. Trong khi đó quân đội tiếp tục mở nhiều chiến dịch tấn công các nhóm vũ trang.

Lịch sử khó lặp lại

Thể chế bầu cử dân chủ cùng chính quyền dân sự giúp Myanmar đón nhận làn sóng hợp tác ngoại giao, đầu tư, du lịch từ phương Tây. Mối quan hệ với Trung Quốc vì vậy cũng trở nên phức tạp hơn.

Nhưng cuộc đàn áp quân sự năm 2017 nhắm vào người dân tộc thiểu số Rohingya khiến quan hệ với phương Tây bị đình trệ. Trung Quốc tận dụng cơ hội cải thiện quan hệ với NLD.

Cuộc đảo chính vừa xảy ra hôm 1.2 chắc chắn làm xấu đi quan hệ Myanmar - phương Tây. Trung Quốc sẽ tìm cách lấp khoảng trống bằng cách thân thiết với quân đội Myanmar hơn.

Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn cố tăng cường quan hệ với bà Suu Kyi và chưa vội lên tiếng ủng hộ cuộc đảo chính cho đến lúc mọi chuyện ngã ngũ – đề phòng nguy cơ đảo chính thất bại hoặc dẫn đến bất ổn. Lâu nay giới chức Trung Quốc vẫn thường phản đối những cuộc giao tranh chết người ở biên giới giáp Myanmar.

Vậy liệu cuộc đảo chính có thành công hay không?

Sức mạnh quân sự không đảm bảo quân đội Myanmar có được tính hợp pháp về chính trị. Các cuộc bầu cử trước đó đều cho thấy sự ủng hộ lớn dành cho bà Suu Kyi cũng như nền tảng chính trị còn hạn chế của quân đội. Quyết định tiến hành đảo chính chắc chắn xuất phát từ lo ngại xác nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020 (NLD lại thắng áp đảo) sẽ làm xói món quyền lực mà quân đội nắm giữ lâu nay.

Nhưng sau một thập kỷ bầu cử dân chủ và cai trị dân sự một phần, đảo chính có nguy cơ làm bùng nổ phong trào biểu tình làm rung chuyển chính trường Myanmar như trong quá khứ. Chặn phương tiện truyền thông mặc dù có thể làm chậm phản ứng tức thời từ người dân, tuy nhiên những gì xảy ra năm 1988 và 2007 chứng tỏ thiếu truy cập mạng di động hay internet không thể ngăn biểu tình xảy ra. Quân đội Myanmar chưa chắc hứng chịu nổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảo chính tại Myanmar liệu có thành công?