Sự gia tăng thái độ cứng rắn của tân thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đang được xem là một mồi lửa thổi bùng lên một sự bất ổn có quy mô lớn chưa từng thấy ở khu vực Trung Đông, có thể lôi kéo cả các cường quốc như Mỹ và Nga cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Đằng sau việc Ả-Rập Saudi thay thái tử là bạn của Tổng thống Trump

23/06/2017, 06:18

Sự gia tăng thái độ cứng rắn của tân thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đang được xem là một mồi lửa thổi bùng lên một sự bất ổn có quy mô lớn chưa từng thấy ở khu vực Trung Đông, có thể lôi kéo cả các cường quốc như Mỹ và Nga cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Hoàng tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 14.3.2017 - Ảnh: Reuters

Sự thay đổi đột ngột trong thứ tự kế vị của hoàng gia Ả Rập Saudi mới đây, khi hoàng tử Mohammed bin Salman được chọn làm người kế vị vua Salman bin Abdulaziz Al Saud sau khi thái tử và người cháu họ Mohammed bin Nayef bị phế truất, tưởng chừng như chỉ mang ý nghĩa đem lại sự ổn định cho nhà Saud – gia tộc cai trị Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nó lại được xem là mồi lửa có thể thổi bùng lên một sự bất ổn có quy mô lớn chưa từng thấy ở khu vực Trung Đông, có thể lôi kéo cả các cường quốc như Mỹ và Nga cũng như các quốc gia láng giềng trong khu vực.

Việc Mohammed bin Salman trở thành tân thái tử của Ả Rập Saudi là điều đã được dự đoán từ trước, khi chỉ cách đây mới 2 năm vị hoàng tử trẻ tuổi này (hiện mới 31 tuổi) đã được giao quyền lãnh đạo hai lĩnh vực quan trọng nhất của đất nước giàu tài nguyên này, đó là quốc phòng và năng lượng, chủ yếu là lĩnh vực dầu lửa.

Trong hai năm giữ chức vụ quan trọng này, bin Salman thậm chí được đánh giá là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn hơn chính vua cha, khi vị hoàng tử này đảm trách hầu hết các công việc quan trọng của vương quốc, như đến thăm Tổng thống Donald Trump tại Washington và Tổng thống Vladimir Putin ở Moscow.

Vua Salman bin Abdulaziz, hiện đã 81 tuổi, với việc thay thế người kế vị được đánh giá là đang tìm kiếm một sự thay đổi về thế hệ cũng như về cách thức lãnh đạo trong đó vai trò của tôn giáo sẽ dần được giảm xuống. Thái tử bin Salman, một người tốt nghiệp Đại học Luật Riyadh, tỏ ra là người phù hợp với mục đích đó. Điển hình là việc bin Salman đã chính thức bãi bỏ quyền bắt giữ người dân của các cảnh sát tôn giáo ở Saudi, nới rộng quyền hạn cho phụ nữ trong sinh hoạt xã hội vốn lâu nay khá khắt khe ở quốc gia này.

Bản thân vị tân thái tử cũng đang được xem là kiến trúc sư trưởng cho bản kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Ả Rập Saudi, thường được biết đến với cái tên Tầm nhìn 2030, trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể về tỷ lệ dân số Saudi sẽ tham gia vào thị trường lao động, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế Saudi từ tình trạng phụ thuộc nặng nề vào dầu lửa hiện nay. Ở thời điểm hiện tại, 2/3 lao động làm việc trong nền kinh tế Saudi là được tuyển dụng phần lớn từ nước ngoài, một phần do chế độ phúc lợi cao ở Saudi và quy định khắt khe cấm phần lớn phụ nữ làm việc trong nền kinh tế.

Nếu những thành tựu về cải cách kinh tế của bin Salman vẫn chưa thực sự rõ rệt, thì ảnh hưởng của vị tân thái tử Saudi trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng lại nổi bật hơn nhiều kể từ khi nắm giữ cương vị cách đây 2 năm. Mohammed bin Salman được xem là người giữ vai trò chủ chốt cho một lập trường cứng rắn và quyết đoán hơn của Ả Rập Saudi trong các vấn đề khu vực, đi ngược lại với chính sách thiên về ôn hòa bấy lâu nay để duy trì sự ổn định trong lĩnh vực dầu lửa.

Vào năm 2015, bin Salman lãnh đạo các cuộc tấn công của quân đội Saudi vào Yemen để đánh bại lực lượng nổi dậy Houthi bị Saudi coi là được sự hậu thuẫn từ phía Iran. Các chiến dịch quân sự ở Yemen của bin Salman diễn ra khi Ả Rập Saudi đang đồng thời cố gắng bóp nghẹt ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ bằng cách tăng sản lượng khai thác và giảm giá bán cho khách hàng. Chính phủ Saudi công khai tuyên bố họ phản đối các quyết định của Tổng thống Barack Obama giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Iran để đổi lấy sự chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự ở Yemen đã không thực sự thành công. Lực lượng nổi dậy Houthi vẫn kiểm soát được thủ đô dù nạn đói và thiếu thốn các phương tiện y tế đang đẩy Yemen vào bất ổn. Kết quả không như ý muốn của Saudi ở Yemen được xem là một dẫn chứng điển hình cho tầm quan trọng của việc Riyadh nếu muốn thành công phải có sự hậu thuẫn của Washington. Và Mohammed bin Salman nhanh chóng đảo ngược chính sách của mình để nối lại quan hệ với Mỹ.

Trước hết, Saudi đảo ngược chính sách về dầu lửa, bằng việc cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu, bin Salman đã giúp các công ty khai thác dầu phiến Mỹ hoạt động trở lại. Kết hợp với một loạt các động thái khác gần đây, như thỏa thuận trị giá 100 tỉ USD để mua vũ khí Mỹ, đã kéo Washington và Riyadh lại gần nhau. Sự ủng hộ của Mỹ, cụ thể hơn là của Tổng thống Donald Trump (thể hiện qua các dòng tweet), được xem là nguyên nhân hàng đầu giúp chiến dịch cô lập Qatar mới đây của Saudi được diễn ra một cách khá suôn sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, tân thái tử bin Salman đang cố gắng sử dụng sự hậu thuẫn của Tổng thống Donald Trump để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực các nước Ả Rập. Chính sách này, trong kịch bản tồi tệ nhất, có thể tạo ra một cuộc xung đột quân sự, ngoài ra cũng buộc Nga phải xem xét gia tăng sự ủng hộ với Iran. Vladimir Putin luôn cố gắng duy trì quan hệ hữu hảo với tất cả các quốc gia ở khu vực Trung Đông, cố gắng thúc đẩy đầu tư của các nước Trung Đông để đa dạng hóa nền kinh tế vẫn có mức độ phụ thuộc vào dầu khá cao của Nga. Tuy nhiên, Putin cũng cần sự hỗ trợ của Iran trong việc giải quyết các vấn đề ở Syria.

Mối quan hệ có vẻ như đang ngày càng xích lại gần hơn giữa Nga và Ả Rập Saudi được đánh giá là mang tính hình thức nhiều hơn khi so với mối quan hệ thiên về thực chất giữa Nga và Iran. Dù Nga là đồng minh của Saudi trong kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu lửa nhưng thực chất sự cắt giảm của Nga khá khiêm tốn. Nga cũng đang tìm cách trở thành trung gian hòa giải vấn đề ở Yemen nhưng phần lớn là vì lợi ích của Nga: Yemen được xem là một khách hàng tiềm năng với các loại khí tài quân sự của Nga.

Để tránh khỏi nguy cơ bất ổn bùng phát ở khu vực, Ả Rập Saudi cần một nhà lãnh đạo có thể giữ cân bằng với cả Mỹ và Nga. Vua Salman và cựu thái tử bin Nayef hiểu được điều này, nhưng tân thái tử Mohammed bin Salman đang có dấu hiệu ngả về phía Donald Trump như một biện pháp cần thiết tìm chỗ dựa cho những nỗ lực chống Iran của mình.

Tuy nhiên, việc không đạt được thành công trong các chiến dịch quân sự ở Yemen cũng như của kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu đang chỉ ra một thực tế, đó là tân thái tử bin Salman vẫn còn đang thiếu kinh nghiệm ở một mức độ nhất định, và nếu như cố gắng đẩy cuộc xung đột với Iran ở khu vực lên một mức cao hơn thì tân thái tử của Saudi sẽ khó có thể tiếp tục kiểm soát tình hình.

Do vậy, trong thời gian tới, tân thái tử Mohammed bin Salman cần hành động thật thận trọng và phải gắng tìm ra những giải pháp để giảm căng thẳng ở khu vực.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau việc Ả-Rập Saudi thay thái tử là bạn của Tổng thống Trump