Nhãn hiệu mà Huawei nộp lên Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) xin đăng ký cho phần cứng máy tính bị hãng thời trang Pháp Chanel phản đối.
Huawei đăng ký nhãn hiệu 2 hình bán nguyệt lồng vào nhau theo chiều dọc, còn biểu tượng lâu nay của Chanel là hai chữ C lồng vào nhau theo chiều ngang.
Sau khi xem xét các khía cạnh về hình ảnh, ngữ âm và ý tưởng thiết kế, Tòa Sơ thẩm châu Âu ra phán quyết dù cả hai có vài nét tương đồng nhưng khác biệt về hình ảnh vẫn rất đáng kể.
“Cụ thể thì nhãn biểu tượng Chanel có đường cong tròn hơn, đường kẻ dày hơn và nằm ngang, trong khi biểu tượng Huawei đăng ký hướng theo chiều dọc”, theo Tòa Sơ thẩm châu Âu.
Huawei xin đăng ký vào tháng 9.2017, tháng 12 năm đó Chanel đệ đơn phản đối vì nhãn hiệu của Huawei có nhiều điểm tương đồng với biểu tượng hãng thời trang Pháp sử dụng cho mỹ phẩm, nước hoa, đồ trang sức, đồ da, quần áo từ những năm 1980 đến nay.
Năm 2019, EUIPO bác phản đối vì đánh giá hai nhãn hiệu không giống, biểu tượng của Chanel sở hữu danh tiếng không thể bị nhầm lẫn.
Nhưng Chanel tiếp tục kiện lên Tòa Sơ thẩm châu Âu, cuối cùng vẫn nhận về phán quyết bất lợi như trên. Hãng có thể lựa chọn đưa vụ việc sang Tòa án Công ty châu Âu, hiện họ chưa lên tiếng bình luận.
Cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích Chanel cố ý “đóng vai nạn nhân” hòng nhận được sự thông cảm, làm tổn hại danh tiếng Huawei.
“Biểu tượng Chanel nằm ngang, nhãn hiệu của Huawei nằm dọc. Khác biệt rõ đến mức cháu gái 3 tuổi của tôi cũng biết. Cứ nói thẳng là muốn gây sự với Huawei đi!”, một người dùng Weibo viết.
Một người khác dọa: “Chanel không cần thị trường Trung Quốc nữa phải không? Đá Chanel ra khỏi Trung Quốc đối với chúng tôi rất dễ dàng”.
Tại Trung Quốc, Huawei nổi tiếng với tư cách doanh nghiệp “cây nhà lá vườn” có tầm hoạt động toàn cầu. Tâm lý ủng hộ dành cho tập đoàn truyền thông ngày càng lớn sau khi họ hứng chịu một loạt động thái hạn chế hoạt động từ phương Tây và Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt. Trung Quốc xem đây là sự đối xử bất công.