Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến gia súc. Gia súc phải vật lộn với sự gia tăng của nhiệt độ và độ ẩm, trong khi biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, thay đổi đồng cỏ và tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Trâu bò dễ bị bệnh hơn
Vào một ngày cuối tháng 7 oi bức, Chandan Singh, một nông dân sống ở làng Punawali Kalan, miền bắc Ấn Độ đi vắt sữa trâu và phát hiện ra rằng năm con trâu đang chảy nước dãi lẫn bọt. Bác sĩ thú y trong làng chẩn đoán chúng bị nhiễm bệnh tụ huyết trùng, một căn bệnh do vi khuẩn còn được gọi là gala ghotu rog. Chi phí điều trị khoảng 15.000 INR (179 USD) là cái giá rất đắt đỏ, tương đương với thu nhập của người nông dân trong 6 tuần.
Dù đã chịu bỏ tiền điều trị, hai con trâu của Singh vẫn chết sau vài ngày. Singh nói trong thất vọng: “Chúng bị sưng ở cổ, mắt đỏ lên. Chúng không thể thở được”.
Singh không phải là trường hợp duy nhất chịu mất mát như vậy. Trong phạm vi 5 km quanh làng của anh, khoảng 75 con gia súc đã chết trong mùa mưa này. Bệnh tụ huyết trùng phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt và ẩm ướt, điều này trở thành thách thức liên tục đối với nông dân, đặc biệt khi biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ và các đợt mưa lớn trong khu vực.
Năm nay, những người nông dân nuôi trâu bò ở Punawali Kalan còn chứng kiến sản lượng sữa giảm mạnh do các đợt nắng nóng cực đoan. Rajkumar Rajput, một nông dân địa phương khác, cho biết sản lượng hằng ngày của anh giảm từ 45 xuống còn 30 lít khi mùa đông chuyển sang mùa hè. Rajput cung cấp sữa hằng ngày cho 40 hộ gia đình và anh cho biết “đã phải mua thêm sữa để bù đắp sự thiếu hụt”.
Năm 2017, Viện Nghiên cứu Trâu bò Trung ương Ấn Độ đã tiến hành một nghiên cứu về biến đổi khí hậu và chăn nuôi trâu. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến sản lượng sữa giảm 10-30% trong chu kỳ tiết sữa đầu tiên và giảm 5-20% trong chu kỳ thứ hai và thứ ba. Những tác động này kéo dài từ 2-5 ngày.
Thách thức này ngày càng có xu hướng gia tăng. Một nghiên cứu năm 2022 của Viện Nghiên cứu Cỏ và Thức ăn gia súc Ấn Độ ước tính rằng, khi nhiệt độ tăng lên, sự sụt giảm sản lượng sữa hàng năm ở các đồng bằng phía bắc - nơi chiếm 30% sản lượng sữa của Ấn Độ - có thể lên tới 361.000 tấn vào năm 2039. Mức sụt giảm này sẽ gây ra thiệt hại khoảng 142 triệu USD.
Một nghiên cứu của tạp chí Lancet năm 2022 cảnh báo rằng nếu lượng khí thải nhà kính toàn cầu vẫn ở mức cao, dẫn đến nhiệt độ tăng có thể làm sụt giảm 25% sản lượng sữa ở các vùng khô cằn vào năm 2085.
Abhinav Gaurav, cố vấn quản lý chăn nuôi cho tổ chức phi chính phủ hành động vì khí hậu Environmental Defense Fund, cho biết biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến gia súc. Gia súc phải vật lộn với sự gia tăng của nhiệt độ và độ ẩm, trong khi biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, thay đổi đồng cỏ và tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Một nghiên cứu năm 2016 do Viện Dinh dưỡng và Sinh lý Động vật Quốc gia Bengaluru dẫn đầu cho thấy hầu hết thiệt hại trong sản xuất sữa là do tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu, chủ yếu là do nguồn thức ăn và nước ngày càng khan hiếm.
Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến chất lượng lẫn số lượng thức ăn chăn nuôi bằng cách thay đổi mô hình mưa, tăng nhiệt độ và thay đổi thảm thực vật. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước. Đáng lo là thiếu nước lại đặc biệt gây hại cho trâu vì da đen dày của chúng dễ hấp thụ nhiệt khiến chúng dễ bị tổn thương trong nắng nóng. Gaurav nói thêm: “Sự biến mất của các ao tắm quen thuộc của trâu bò càng làm tăng tính dễ bị tổn thương này,”.
Yunus, một nông dân chăn nuôi khác ở miền bắc Ấn Độ, đã chứng kiến giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khi các vụ mùa thất bát do mưa lớn. Yunus kể: “Tôi phải mua thức ăn với giá 1.700 INR mỗi tạ, tăng hơn gấp đôi so với mức 700-800 INR thông thường”. Mùa hè này, sản lượng sữa từ 30 con trâu của Yunus giảm từ 200 xuống còn 150 lít.
Trong ngành sữa, giá sữa phụ thuộc vào hàm lượng chất béo và chất không béo. Hàm lượng này giảm trong thời kỳ khô hạn (từ tháng 4 đến tháng 9) khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Biến đổi khí hậu gây nhiệt độ nắng nóng và mưa thất thường trở nên thường xuyên hơn làm trầm trọng thêm tình trạng này. Hậu quả dẫn đến thu nhập của các hộ sản xuất sữa giảm đi.
Được khởi động cách đây một thập niên, Sứ mệnh Chăn nuôi Quốc gia của chính phủ Ấn Độ nhằm tăng năng suất và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong ngành, nhưng nó chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu.
Namrata Ginoya, quản lý cấp cao của chương trình Phục hồi và Năng lượng tại Viện Tài nguyên Thế giới Ấn Độ, đã nghiên cứu các phương pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành chăn nuôi sữa. Ginoya cho biết người nông dân bắt đầu hiểu cách biến đổi khí hậu và tác động của nó lên lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến hệ thống canh tác của họ. Tuy nhiên, vẫn thiếu thông tin đầy đủ cho nông dân về cách nhiệt độ ngày càng tăng có thể ảnh hưởng đến gia súc của họ.