Dân chịu đựng cảnh sống tạm bợ, lo lắng mười mấy năm qua vì bị thu hồi đất để làm tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Thế mà bây giờ họ lại bị cuốn vào một vụ kiện từ trên trời rơi xuống vì đất của mình bị tỉnh giao và cấp sổ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đem đi thế chấp vay ngân hàng và mất khả năng trả nợ.
Những mảnh đất có 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Cầm những tấm sổ đỏ nhàu nhĩ trên tay, các anh em của gia đình ông Quan Tứ Cao (60 tuổi) ngụ ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long không khỏi xót xa khi kể về đất đai do tổ tiên,cha ông để lại. Đại gia đình gần cả trăm thành viên ấy hiện phải sống trong cảnh tạm bợ, chờ được xử lý chính sách thu hồi đất và bồi thường, sau hơn 16 năm mới có quyết định. Từ một vùng quê trù phú nổi tiếng với nghề gốm, nay những hộ dân này lâm vào cảnh cuộc sống xáo trộn, sống mòn mỏi qua ngày.
Ông Quan Tứ Cao trình bày những bất cập về việc đất của gia đình bị thu hồi cấp cho doanh nghiệp - Ảnh: Thanh Nguyên
Nhìn lên trần nhà xập xệ,lủng nhiều lỗ, ánh sáng soi vào bên trong, ông Cao đau khổ cho biếtgia đình 10 người từ dâu con cháu nội ngoại của ông hằng ngày chui ra chui vào trong căn nhà này. Nhưng ông không dám sửa chữa vì không biết lúc nào đất sẽ bị cưỡng chế để giao cho doanh nghiệp. Ông cũng lo lắng không yên khi nghĩ về tấm sổ đỏ của gia đình ông hiện có giá trị hay không khi cùng trên mảnh đất này, chính quyền cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho doanh nghiệp để làm dự án.
Hồ sơ vụ việc thể hiện, ngày 16.10.2003, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định số3565/QĐUB về việc phê duyệt phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng xây dựng khu 4 - tuyến công nghiệp (TCN) Cổ Chiên. Sau đó, đến ngày 9.4.2004 Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ban hành quyết định 908/QĐ-UB để thu hồi hơn 300.000m2 đất tại xã Thanh Đức (H.Long Hồ) và xã Mỹ An (H.Mang Thít) cho Ban Quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) Vĩnh Long quản lý.
Trong diện tích thu hồi trên có hơn 5.000m2 là đất của ông Cao, cùng hàng ngàn mét vuông đất khác mà các anh em ruột thịt của ông đã được cha mẹ phân chia từ trước. Đến ngày 18.3.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục ban hành Quyết định số 437/QĐ-UB thống nhất bảng tổng hợp danh sách các trường hợp thu hồi đất theo các quyết định số 3142/QĐ-UB ngày 23.9.2003, quyết định 908 và 909/QĐ-UB ngày 9.4.2004. Kèm theo đó là bảng tổng hợp danh sách các trường hợp thu hồi đất do Sở TN-MT lập ngày 3.3.2008.
Biết được sự việc trên, ông Cao và nhiều hộ dân đã khiếu nại từ cấp địa phương cho đến Trung ương nhưng không có kết quả. Đến năm 2011, sau khi bị cưỡng chế thu hồi đất, ông cùng 8 hộ dân khác khởi kiện hành chính, yêu cầu hủy bỏ một phần quyết định số 3565/QĐ-UB vì nội dung bồi thường giá quá thấp. Cụ thể, đối với giá đất thổ cư chỉ hơn 40.000 đồng/m2, còn đất nông nghiệp giá chỉ hơn 30.000 đồng/m2.
Căn nhà xuống cấp trầm trọng của gia đình ông Cao hiện đang là nơi sinh sống của 10 thành viên - Ảnh: Thanh Nguyên
Phản hồi những ý kiến trên, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thời điểm ấy có công văn phúc đáp việc thu hồi đất của ông Cao là đúng trình tự thủ tục pháp luật theo Luật Đất đai năm 1993, được sửa đổi và bổ sung năm 2001. Do đó, việc ông Cao yêu cầu hủy phần đất của ông ra khỏi diện tích bị thu hồi là không đúng quy định pháp luật. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng căn cứ vào các nghị định thời điểm đó, với mức giá đó là đúng quy định pháp luật. Do đó, việc ông Cao khiếu kiện là không có cơ sở.
Sau 2 phiên tòa sơ thẩm bị thua kiện, ông Cao cùng các hộ khác tiếp tục kháng cáo lên TAND tối cao tại TP.HCM. Tháng 5.2014, bản án của TAND tối cao tuyên hủy bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long và trả hồ sơ giải quyết lại. Đến nay vụ việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do các hộ dân vẫn tiếp tục kháng cáo.
Ông Cao và nhiều hộ dân cho biết đến nay Ban QLCKCN vẫn chưa tiếp xúc bàn bạc thỏa thuận với một số người dân có đất ở đây. UBND H.Long Hồ cũng chưa có quyết định thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân theo quy định. Việc quy hoach khu 4 - TCN Cổ Chiên đến nay kéo dài đến nay gần 2 thập niên, trở thành quy hoạch treo gây thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân, trong đó nhiều hộ làm gốm.
Đến nay, còn 9 hộ vẫn chưa nhận tiền bồi thường của khu 4 - TCN Cổ Chiên, gồm hộ: Tào Thị Xíu Bông, Nguyễn Thị Tuyết Tâm, Quan Thị Ba, Quan Phát Cao, Quan Tước Anh, Nguyễn Hồng Cúc, Quan Tứ Cao, Quan Thị Nhỏ, Quan Bỉnh đều ngụ ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, H.Long Hồ.
Nộp tiền thuê đất 10 tỉ, đem thế chấp vay gấp đôi
Trong khi những hộ dân vẫn chưa đồng ý giá bồi thường và giao đất, thì những mảnh đất này đã được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Biofeed 2 (do ông Trương Thanh Phương làm Giám đốc) triển khai dự án sản xuất thức ăn cho cá. Công ty này sau đó đã được cấp giấy CNQSDĐ vào năm 2011. Để rồi sau đó, ông Phương thế chấp cho một ngân hàng có trụ sở ở TP.Hà Nội để vay vốn.
Cảnh hoang tàn tiêu điều trên những mảnh đất mà gần 20 năm trước là nơi sản xuất gốm trù phú - Ảnh: Thanh Nguyên
Đến nay, do Boifeed 2 không có khả năng chi trả, đã bị ngân hàng này kiện và những người dân do còn giữ sổ đỏ cũ nên phải bị tòa triệu tập tham giam vì có nghĩa vụ liên quan. Được biết, Công ty Biofeed 2 hiện đang nợ ngân hàng số tiền gốc và lãi gần 40 tỉ đồng (trong đó tiền gốc là hơn 22 tỉ đồng) thông qua việc vay vốn bằng hình thức thế chấp.
Ông Phạm Thành Khôn - Trưởng ban QLCKCN tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc thu hồi đất và thực hiện cấp quyền sử dụng đất đều do Sở TN-MT. Đơn vị chỉ là đơn vị thụ hưởng, giao đất sạch thì triển khai dự án. Việc thu hồi đất đã giao về cho UBND H.Long Hồ và UBND H.Mang Thít. Hiện nay các huyện tiếp tục vận động người dân giao đất.
Về mối quan hệ giữa ngân hàng, doanh nghiệp và người dân về vụ kiện trên, ông Khôn cho biết: “Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là quan hệ hợp đồng với nhau. Trước đây, quyết định giao đất vẫn có nhưng chưa bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư, cho nên đến nay mười mấy năm rồi vẫn còn một số hộ… Việc không triển khai dự án được nên lãi mẹ đẻ lãi con nên ngân hàng phải đưa tài sản ra phát mãi…”. Ông Khôn cũng thông tin rằngsố tiền mà Công ty Biofeed 2 phải nộp để thuê đất thời điểm đó là khoảng 10 tỉ đồng.
Ông Trương Văn Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng và môi trường (Ban QLCKCN Vĩnh Long), thông tin về TCN Cổ Chiên có 2 khu vực là 4 và 5. Khu vực 4 gồm H.Long Hồ và một phần H.Mang Thít) với 150 hộ dân bị ảnh hưởng, với diện tích khoảng 30.000m2. Đến nay, H.Long Hồ còn 20 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Ông thừa nhận: “Ngay từ đầu tiên triển khai áp giá bồi hoàn người dân cho rằng quá rẻ nên không nhận tiền. Khu vực này giải tỏa chậm nên doanh nghiệp không thực hiện dự án, cũng như xây nhà xưởng. Vấn đề tồn tại là doanh nghiệp chờ đất, còn dân khiếu nại chờ bồi thường”.
“Tôi thấy vụ việc của mấy anh em tôi bế tắc lắm. Công ty thuê đất chỉ có 10 tỉ đồng rồi sau đó thế chấp vay hơn gấp đôi. Như vậy họ đã lời hơn 10 tỉ rồi. Giờ thì công ty họ đã gần như ngưng hoạt động, ngân hàng có phát mãi tài sản thì họ cũng không việc gì. Chỉ có dân như chúng tôi là phải lãnh đủ”, một hộ dân nói.
Người dân ở Mỹ Hòa khiếu kiện, không chịu giao đất vì giá đền bù rẻ (hơn 30.000 đồng/m2, thì chính quyền cưỡng chế, giao cho doanh nghiệp- Ảnh: Thanh Chí
Như vậy, chủ trương quy hoạch xây dựng khu, cụm, tuyến công nghiệp theo chủ trương chung là không sai. Nhưng ở Vĩnh Long, việc triển khai thực hiện cho thấy có rất nhiều vấn đề, mà người dân là nạn nhân trước tiên. Bởi không riêng ở dự án này, mà ở khu công nghiệp Mỹ Hòa (TX.Bình Minh), vẫn còn hàng chục hộ dân đáu đáu khiếu kiện…
Thanh Nguyên