Theo ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương), một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp Việt có ý muốn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc là người dân Hàn Quốc đang có định kiến về hàng của Việt Nam và họ luôn giữ niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm của đất nước mình.

Dân Hàn Quốc có định kiến về hàng hóa Việt Nam

Một Thế Giới | 21/05/2015, 10:44

Theo ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương), một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp Việt có ý muốn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc là người dân Hàn Quốc đang có định kiến về hàng của Việt Nam và họ luôn giữ niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm của đất nước mình.

Đây là thông tin được ông Tuyên đưa ra tại Hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Nội dung cam kết – Tác động tới doanh nghiệp do Trung tâm WTO – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 21.5.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) là hiệp định có kết nối đặc biệt, không chỉ là hiệp định đầu tiên được ký kết trong số 7 hiệp định FTA mà còn đóng vai trò là bước chuyển giao, chuyển tiếp giữa các Hiệp định trước đây Việt Nam đã ký kết với thế hệ các Hiệp định mới. 
"Nếu tận dụng được bước chuyển này thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để phát triển, có nhiều thuận lợi hơn về thuế quan, ưu đãi...", bà Trang nhấn mạnh.
Bàn luận sâu hơn về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi ký kết VKFTA, ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công thương) cho rằng, bên cạnh nhiều thuận lợi về thuế quan, các ưu đãi mở cửa thị trường... đã được chỉ ra, còn có nhiều khó khăn tiềm ẩn mà các doanh nghiệp Việt có định hướng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cần phải lưu ý.
Theo đó, để các doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc một cách thuận lợi, cần phải chú ý những điểm cốt lõi sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt phải có kế hoạch nghiên cứu và điều tra thị trường để nắm bắt được các cơ hội thị trường của sản phẩm cần bán, có được thông tin của các nhà nhập khẩu và phân phối và có thể lựa chọn được thị trường ngách cần để phát triển sản phẩm.
Vấn đề thứ hai là các doanh nghiệp Việt phải lựa chọn đối tác đáng tin cậy thông qua các tổ chức uy tín tại Việt Nam và Hàn Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt phải nắm bắt được những quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa, bao bì, nhãn mác và thiết kế mẫu mã, văn hóa tiêu dùng, quy trình nhập khẩu của Hàn Quốc, hàng rào kỹ thuật...
Bên cạnh đó, ông Tuyên cho rằng điểm thứ ba mà các doanh nghiệp Việt cần phải lưu tâm là phải nắm bắt được thông tin thị trường và phải hiểu biết tập quán kinh doanh của người Hàn Quốc. Tận dụng các kênh hỗ trợ của Việt Nam và Hàn Quốc, khai thác triệt để ưu đãi do các Hiệp định song phương, đa phương mang lại.
"Đặc biệt, người dân Hàn Quốc đang có định kiến tiêu dùng đối với hàng Việt Nam. Họ cho rằng hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không đảm bảo vệ sinh, còn hàng Hàn Quốc có chất lượng số 1. Người Hàn Quốc mang niềm tự hào về sản phẩm nông sản thực phẩm của đất nước mình", ông Tuyên cho biết.
Cũng theo ông Tuyên, Hàn Quốc có bảo hộ cao đối với các mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm, các sản phẩm sữa, hoa quả, cây công nghiệp... nên doanh nghiệp Việt sẽ gặp phải sự cạnh tranh lớn nếu xuất khẩu mặt hàng nông sản sang đất nước này.
"Cùng với đó, hàng trăm đại siêu thị, hàng nghìn siêu thị lớn nhỏ, hàng chục ngàn cửa hàng tiện ích và hàng trăm ngàn cửa hàng gia đình đã khiến sự cạnh tranh và hệ thóng hóa cao độ kênh phân phối... sẽ là những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải", ông Tuyên nhấn mạnh.
Mặc dù các quy định và tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm của Hàn Quốc được cho là chưa gắt gao như Mỹ, EU hay Nhật Bản, tuy nhiên ông Tuyên cho rằng, hơn hết doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm. Nếu doanh nghiệp có thể nắm bắt và thực hiện tốt những lưu ý, điều khoản đã được chỉ ra ở trên thì có thể kỳ vọng vào sự thành công khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân Hàn Quốc có định kiến về hàng hóa Việt Nam