Chính quyền Đài Loan đang xem xét phạt gã khổng lồ công nghệ Foxconn lên tới 25 triệu Tân đài tệ (835.600 USD) vì khoản đầu tư của họ vào Tsinghua Unigroup, tập đoàn chip Trung Quốc, mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Đài Loan phạt nặng nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng số 1 vì đầu tư vào hãng chip Trung Quốc

Sơn Vân | 15/07/2022, 14:16

Chính quyền Đài Loan đang xem xét phạt gã khổng lồ công nghệ Foxconn lên tới 25 triệu Tân đài tệ (835.600 USD) vì khoản đầu tư của họ vào Tsinghua Unigroup, tập đoàn chip Trung Quốc, mà không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Hai nguồn tin cho biết thông tin này hôm 15.7.

Foxconn, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, vừa cho biết đã trở thành cổ đông của Tsinghua Unigroup thông qua khoản đầu tư 5,38 tỉ nhân dân tệ (797 triệu USD) của một công ty con tại Trung Quốc là Foxconn Industrial Internet Co Ltd.

Khoản đầu tư này được thực hiện khi Đài Loan cảnh giác với tham vọng thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc và đề xuất các luật mới để ngăn chặn “Trung Quốc đánh cắp công nghệ chip của họ”.

Foxconn đã không tìm kiếm sự chấp thuận trước của chính quyền Đài Loan trước khi thực hiện khoản đầu tư và các nhà chức trách tin rằng công ty đã vi phạm luật điều chỉnh mối quan hệ của đảo này với Trung Quốc, một người quen thuộc với vấn đề nói với Reuters.

Người này cho biết thêm: “Các nhà quản lý đang cân nhắc xem liệu có phạt Foxconn khoản tiền phạt tối đa có thể, là 25 triệu Tân đài tệ, do quy mô đầu tư lớn vào Trung Quốc hay không”.

Foxconn đã nhắc tới một hồ sơ trước đó trên sàn chứng khoán, nói rằng họ sẽ chuyển các tài liệu cho Ủy ban Đầu tư của Cơ quan Kinh tế Đài Loan trong tương lai gần.

Một nguồn tin thứ hai cho biết Foxconn có thể bị phạt từ 50.000 đến 20 triệu Tân đài tệ nếu đầu tư mà không được chấp thuận của chính quyền Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng các cơ quan quản lý sẽ xem xét kỹ lưỡng khoản đầu tư và đưa ra quyết định sau khi nhận được đơn đăng ký của công ty.

"Có khả năng một sự phê duyệt sẽ được đưa ra. Nếu không, Foxconn sẽ phải rút khoản đầu tư", người này cho biết.

Luật Đài Loan quy định chính quyền có thể cấm đầu tư vào Trung Quốc "dựa trên việc xem xét vấn đề an ninh quốc gia và phát triển ngành". Những người vi phạm luật có thể bị phạt nhiều lần cho đến khi khắc phục xong.

Nổi tiếng là nhà lắp ráp iPhone chính cho Apple, Foxconn rất muốn sản xuất chip ô tô nói riêng khi mở rộng sang thị trường xe điện. Foxconn đang tìm cách mua lại các nhà máy sản xuất chip khi tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới đang làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất hàng hóa từ ô tô đến điện tử.

Đài Loan cấm các công ty xây dựng các xưởng đúc tiên tiến nhất ở Trung Quốc để đảm bảo không bị khai thác công nghệ tốt nhất của mình.

dai-loan-phat-foxconn-vi-dau-tu-vao-chip-trung-quoc.jpg
Foxconn có thể bị Đài Loan phạt tới 25 triệu Tân đài tệ vì đầu tư vào Tsinghua Unigroup

Hôm 15.7, Foxconn tiết lộ họ là cổ đông trong việc liên kết với Tsinghua Unigroup thông qua khoản đầu tư 5,38 tỉ nhân dân tệ của đơn vị niêm yết tại Trung Quốc là Foxconn Industrial Internet Co Ltd .

Foxconn cho biết trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Đài Bắc rằng Foxconn Industrial Internet Co Ltd kiểm soát 99% hãng Xingwei (Trung Quốc). Xingwei kiểm soát 48,9% cổ phần trong một tổ chức khác nắm giữ 20% cổ phần của chủ sở hữu toàn bộ Tsinghua Unigroup.

Hồi tháng 3.2022, Foxconn Industrial Internet Co Ltd cho biết đã đầu tư 9,8 tỉ nhân dân tệ vào Xingwei.

Khởi nguồn là một chi nhánh Đại học Thanh Hoa danh tiếng, Tsinghua Unigroup nổi lên trong thập kỷ trước với tư cách là công ty dẫn đầu ngành công nghiệp chip tụt hậu của Trung Quốc.

Thế nhưng, Tsinghua Unigroup rơi vào cảnh nợ nần dưới thời cựu Chủ tịch Zhao Weiguo, khiến công ty vỡ nợ với một số khoản thanh toán trái phiếu vào cuối năm 2020, cuối cùng phải đối mặt với phá sản.

Li Bin, Chủ tịch mới của Tsinghua Unigroup, đã hứa về "khởi đầu mới" cho công ty trong bức thư ngỏ gửi nhân viên được công bố hôm 13.7.

Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi chính thức tiếp quản Tsinghua Unigroup hôm 11.7, Li Bin viết rằng công ty sẽ bắt đầu kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của ông bằng cách trả nợ cho các chủ nợ và giảm tỷ lệ nợ.

Sau đó, Li Bin viết rằng công ty sẽ “vào trận” bằng cách nghiên cứu sự cạnh tranh trong và ngoài nước.

Li Bin đã chỉ trích sự quản lý của chủ sở hữu trước đây, Zhao Weiguo, người khiến Tsinghua Unigroup rơi vào cảnh nợ nần trong khi xây dựng tập đoàn.

Li Bin viết: “Các công ty trong nhóm đang chiến đấu với nhau và không có sự chia sẻ tài nguyên, quản lý hợp tác hoặc hiệp lực. Dù quy mô của chúng tôi đã lớn, nhưng thành tựu kinh doanh và mức độ chất lượng của chúng tôi không đồng đều".

Tsinghua Unigroup cho biết trong hồ sơ thị trường cuối ngày 11.7 rằng họ đã hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc chính thức đặt nó dưới quyền sở hữu của Wise Road Capital, Jianguang Asset Management và một số quỹ trực thuộc nhà nước Trung Quốc.

Li Bin kiểm soát cả Jianguang Asset và Wise Road Capital.

Wise Road Capital đứng sau thương vụ 1,4 tỉ USD mua lại không thành công của nhà sản xuất chip Magnachip (trụ sở ở Hàn Quốc và được niêm yết tại Mỹ). Thương vụ này sụp đổ do sự giám sát của pháp luật.

Wise Road Capital cũng đàm phán bán Newport Wafer Fab (Anh) cho Nexperia, công ty bán dẫn Hà Lan do hãng công nghệ Wingtech Technology (Trung Quốc) sở hữu 100%, vào năm 2021. Hồi tháng 5.2022, chính phủ Anh đã ra lệnh xem xét an ninh quốc gia với thương vụ này.

Newport Wafer Fab là nhà máy chip lớn nhất của Anh tính theo sản lượng, chuyên sản xuất linh kiện cho thiết bị điện tử dùng trong các lĩnh vực như xe điện. Newport Wafer Fab cũng đóng vai trò quan trọng trong một nhóm doanh nghiệp đầu tư vào bán dẫn công nghệ cao của khu vực.

Tsinghua Unigroup vẫn chưa tạo ra bất kỳ thành tựu lớn toàn cầu nào trong lĩnh vực bán dẫn. Song trong những năm gần đây, hai đơn vị của Tsinghua Unigroup là Unisoc và Yangtze Memory Technologies Co Ltd đã có những bước tiến đầy hứa hẹn.

Unisoc, nhà sản xuất bộ vi xử lý cho smartphone, đã giành được thị phần sau khi bộ phận chip Hisilicon của Huawei sụp đổ do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Hãng sản xuất chip nhớ Yangtze Memory Technologies Co Ltd cũng có thể cung cấp NAND flash cho Apple, trang Bloomberg đưa tin.

Cả hai công ty không xác nhận các báo cáo trên.

Bài liên quan
Bị Mỹ dọa trừng phạt, hãng chip số 1 Trung Quốc nói 'chưa có khách hàng nào từ Nga'
Bài đăng mới nhất của Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) cho các nhà đầu tư phản ánh việc các công ty công nghệ Trung Quốc đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh ở Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan phạt nặng nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng số 1 vì đầu tư vào hãng chip Trung Quốc