Chính quyền Đài Loan tích cực mở rộng quan hệ an ninh với nhiều cường quốc trong khu vực, giữa lúc Bắc Kinh gia tăng nỗ lực cô lập hòn đảo tự trị này về ngoại giao.

Đài Loan âm thầm mở rộng quan hệ an ninh với các cường quốc khu vực

Cẩm Bình | 14/09/2018, 14:45

Chính quyền Đài Loan tích cực mở rộng quan hệ an ninh với nhiều cường quốc trong khu vực, giữa lúc Bắc Kinh gia tăng nỗ lực cô lập hòn đảo tự trị này về ngoại giao.

Trang tin Reuters dẫn nhiều nguồn tin cho biết Đài Loan thực hiện hoạt động “kết thân” một cách kín đáo để tránh khiêu khích Trung Quốc đại lục.

Một số học giả Đài Loan tiết lộ có kỹsư Nhật Bản về hưu hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và phát triển tàu ngầm nội địa của đảo tự trị này. Bộ Ngoại giao Nhật phát biểu về chuyện này: “Lập trường với Đài Loan của chúng tôi dựa trên bản tuyên bố chung Nhật- Trung 1972, có nghĩa là sẽ không có quan hệ chính thức giữa hai chính phủ, nhưng sẽ có ở cấp độ thấp hơn”.

Nỗ lực hợp tác “bán chính thức” này có đóng góp quan trọng của Quỹ Prospect, được tài trợ bởi cơ quan ngoại giao Đài Loan và quan hệ rộng rãi với không ít học giả, quan chức còn tại chức hay đã nghỉ hưu.

Bên cạnh quan hệ an ninh đã phát triển qua thời gian dài với Nhật, Đài Loan còn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ. Nhiều sĩ quan cấp cao của cường quốc Nam Á đến Đài Loan bằng hộ chiếu thông thường thay vì hộ chiếu công vụ.

Theo một nguồn tin Ấn Độ, hiểu biết của Đài Loan về công tác triển khai quân sự của Bắc Kinh là thông tin mà New Delhi đặc biệt muốn biết. Nguồn tin cho hay: “Chúng tôi phụ thuộc vào Đài Loan vì họ giám sát Trung Quốc. Công chức Ấn thường xuyên sang Đài Loan dưới danh nghĩa học tập”.

Một nguồn tin khác từ chối bình luận về mối quan hệ an ninh, nhưng khẳng định Ấn Độ có hợp tác một cách hạn chế với Đài Loan trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Úc cũng là đối tượng chính quyền Đài Bắc muốn “kết thân”. Thảo luận giữa hai bên chủ yếu vẫn trong giai đoạn thăm dò, bàn về chuyện chú ý động tĩnh của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Quan hệ an ninh giữa Đài Loan với Úc có thể giống như với Ấn Độ, phát triển theo hướng chia sẻ thông tin về hoạt động hay ý định của Trung Quốc. Nhà phân tích an ninh Euan Graham thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy cho rằng, Canberra có thể sẽ giữ thái độ thận trọng trong chuyện này.

Một số nguồn thạo tin khác còn tiết lộ Singapore nhiều lần tỏ ý với quan chức Đài Loan về ý định duy trì hiện diện quân sự (một cách âm thầm) đã kéo dài nhiều thập kỷ tại đây bất chấp sức ép từ Bắc Kinh.

Lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) cho biết, việc Trung Quốc ngày càng mạnh và hung hăng hơn đem lại áp lực cho các cường quốc khu vực, và họ muốn hiểu biết nhiều hơn về Đài Loan vì lợi ích của chính mình.

Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời và sẽ có ngày thống nhất. Cường quốc châu Á những năm gần đây đã đẩy mạnh hoạt động quân sự quanh hòn đảo tự trị này.

Trung Quốc còn nỗ lực cô lập Đài Loan trên lĩnh vực ngoại giao. Hiện Đài Loan chỉ còn quan hệ chính thức với 17 quốc gia, sau khi El Salvador cắt quan hệ vào tháng trước.

Trong khi đó, mặc dù không lập quan hệ chính thức với Đài Bắc nhưng Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính đồng thời cũng là nước hậu thuẫn mạnh mẽ cho hòn đảo tự trị. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Washington rất chú trọng bán thêm nhiều vũ khí và khuyến khích các cuộc trao đổi. Theo ước tính mỗi tuần có trung bình 100 quan chức Mỹ (có cả quan chức quân đội) thăm Đài Loan, trang Reuters cho biết.

Chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Sẽ không có cường quốc khu vực nào đạt được mối quan hệ như Đài Loan có với Mỹ. Nhưng rõ ràng là các bên có lợi ích giao nhau, và chúng đang được khám phá một cách tích cực”.

Cẩm Bình (theo Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan âm thầm mở rộng quan hệ an ninh với các cường quốc khu vực