Tập đoàn Adani của Ấn Độ cam kết sẽ hỗ trợ và đầu tư 2 tỉ USD phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng.
Tại diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022, ông Sandeep Mehta - Chủ tịch Tổng công ty phát triển cảng của Tập đoàn Adani cho biết sẽ hỗ trợ và đầu tư 2 tỉ USD phát triển cảng Liên Chiểu cùng với toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng, đưa khu vực này trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung Việt Nam.
Vì vậy, Tập đoàn Adani mong muốn sự hỗ trợ từ Chính phủ để tạo cơ sở hạ tầng chung như nạo vét luồng lạch, đê chắn sóng, kết nối đường bộ và đường sắt đến cảng và khu công nghiệp song song với việc xây dựng cảng. Đồng thời, Tập đoàn cũng sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi công năng khu cảng cũ để phục vụ du lịch trước khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.
"Tập đoàn Adani cam kết phát triển Cảng Liên Chiểu trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới và biến Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế thương mại của toàn khu vực miền Trung Việt Nam", ông Sandeep Mehta nhấn mạnh.
Adani là tập đoàn cơ sở hạ tầng lớn nhất của Ấn Độ với sự hiện diện trải khắp Ấn Độ cũng như toàn cầu. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này là hơn 206 tỉ USD. Tập đoàn còn có mạng lưới gồm 13 cảng trải khắp cả bờ Tây và Đông Ấn Độ với công suất xếp dỡ hàng hóa tổng hợp khoảng 560 triệu tấn.
Tại Diễn đàn, UBND TP.Đà Nẵng cũng trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Chủ trương nghiên cứu đầu tư; Thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch phân khu; Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỉ USD.
Cụ thể, có 15 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.505 tỉ đồng (tương đương 369,8 triệu USD).
Trong đó, tại Khu Công nghệ cao, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung có 9 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 4.033 tỉ đồng, tương đương 175,3 triệu USD như: Dự án Nhà máy sản xuất INTEX INDUSTRIES Đà Nẵng; Dự án Nhà xưởng cho thuê Dana Logistics; Dự án Nhà máy nhựa Long Thành TP.Đà Nẵng; Nhà máy gia công sản xuất LED bằng công nghệ SMT; Dự án Nhà máy nghiên cứu – Phát triển gia công sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao, Dự án sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu bán dẫn Vector Fabrication…
Ngoài khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung có 6 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 4.472 tỉ đồng (tương đương 194,4 triệu USD) như: Dự án Chung cư Summit Hoài Thanh; Dự án Xây dựng nhà ga hàng hoá - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Trung tâm cao ốc phức hợp Nguyễn Kim…
Ngoài ra, có 12 dự án được trao chủ trương nghiên cứu đầu tư đối với dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao, thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng quy hoạch, bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư đối với dự án ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư khoảng 5,2 tỉ USD.
Trong đó, ngoài khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung có 8 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5 tỉ USD: Bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu đầu tư Trung tâm thương mại Aeon Mall tại TP.Đà Nẵng; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong việc xúc tiến phát triển du lịch, hàng không giai đoạn 2022 - 2026 giữa UBND TP và Công ty cổ phần Hàng không Vietjet; Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư cho các dự án phát triển đô thị tại huyện Hòa Vang…
Trong khu công nghệ cao, khu công nghiệp và khu công nghệ thông tin tập trung có 4 dự án với tổng vốn đầu tư 233,7 triệu USD: Thông báo cho phép nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, đóng góp ý tưởng vào đồ án quy hoạch phân khu liên quan đến dự án Khu đô thị Hòa Phong; Tham gia đề xuất ý tưởng quy hoạch khu vực Hòa Liên, Hòa Ninh thuộc phân khu công nghệ cao, huyện Hòa Vang; Thông báo nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án về Cảng biển, Khu công nghiệp - đô thị cảng và logistics sau cảng…