ĐB Nguyễn Thị Xuân cho rằng cần cân nhắc loại bỏ các thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch. Việc xây thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là lợi bất cập hại.

Đại biểu tỉnh Đắk Lắk: Thủy điện nhỏ lợi bất cập hại

Lam Thanh | 03/11/2020, 11:16

ĐB Nguyễn Thị Xuân cho rằng cần cân nhắc loại bỏ các thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch. Việc xây thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là lợi bất cập hại.

Lợi bất cập hại

ĐB Nguyễn Thị Xuân, Đắc Lăk cho rằng vấn đề an ninh nguồn nước là rất quan trọng. Qua thực tiễn thiên tai ở miền Trung vừa qua, an ninh nguồn nước phải gắn liền với phòng chống thiên tai, lụt bão, an ninh năng lượng, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, xây dựng thủy điện, hạ tầng.

thuy-dien.jpg
ĐB Nguyễn Thị Xuân cho rằng thủy điện nhỏ lợi bất cập hại

ĐB Xuân kiến nghị tiếp tục cho trồng rừng như chương trình 327 trước đây, bởi rừng nguyên sinh nước ta đã suy giảm khá nhiều, vì vậy vấn đề trồng rừng tái sinh là hết sức cấp bách. Có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm lũ lụt, nguy cơ sạt lở.

Ngoài ra, bà Xuân cho rằng cần nhanh chóng đánh giá lại việc xây dựng các thủy điện nhỏ ở các địa phương và cần cân nhắc loại bỏ các thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch.

Đại biểu này đánh giá việc xây thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là lợi bất cập hại, sông suối cạn kiệt khi thủy điện tích nước và ngập nước khi thủy điện xả lũ. Rừng và cây rừng tự nhiên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để.

“Cử tri cho rằng việc xây dựng thủy điên là để khai thác tài nguyên một cách hợp pháp. Nhiều dự án khi được cấp phép họ bán cho chủ đầu tư khác khi đã khai thác cơ bản tài nguyên. Tôi cho rằng cần phải đánh giá lại hiệu quả của các thủy điện, kiểm tra xem có bao nhiêu dự án đã sang tên như cử tri phản ánh. Quốc hội cần có chuyên đề đánh giá lại việc trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện thời gian qua”, bà Xuân nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin, nếu năm 1990 cả nước có khoảng 9 triệu ha rừng thì sau 30 năm đã có 14,6 triệu ha, trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, trong khi thế giới là 29%, đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân.

“Chúng ta quyết tâm phát triển rừng để bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ người dân bảo vệ rừng tự nhiên tăng dần qua các năm và đến nay đạt mức 250.000 đồng/ha và Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu nâng lên mức 1 triệu đồng/ha”, ông Cường nói.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng nông nghiệp, nguồn thu từ bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tăng như phí môi trường rừng một năm thu hơn 3.000 tỉ đồng. Mới đây Việt Nam đã ký thỏa thuận bán 10 triệu tấn CO2, tương đương khoảng 50 triệu USD dành cho trồng rừng và bảo vệ rừng. Việt Nam đã được thế giới công nhận tham gia phát triển bền vững.

Ngoài ra 4,3 triệu ha rừng nguyên liệu đã cung cấp khoảng 30 mét khối nguyên liệu, đáp ứng phần lớn nhu cầu của 4.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, kim ngạch xuất khẩu khoảng 13 tỉ USD trong năm 2020.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho biết rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại. Bão lụt ngày càng nặng nề hơn.

"Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép dự án khởi công ở lõi rừng. Nếu thủy điện cóc vẫn được duy trì, thậm chí là cấp phép mới, sẽ còn xảy ra những trận lụt lịch sử tang thương nữa", ông Hiếu nêu. 

Vì vậy, ông Hiếu đề nghị phải thay đổi cách làm và nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo, nghị quyết đã làm rồi, nhưng thay đổi tư duy thì không dễ. Đơn cử nhiều người vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp; cầu thang trong nhà làm bằng gỗ lim, hay sến, táu... rồi tự huyễn hoặc là gỗ này nhập từ Lào, Campuchia, chứ không phải phá rừng ở Việt Nam.

Thủy điện có làm ngập lụt?

Tại phiên thảo luận ở tổ, đề cập tới việc phát triển thủy điện và tình hình hồ thủy điện xả lũ thời gian qua, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho hay: Qua thực tế kiểm tra, tất cả hồ đập thủy điện ở tại các khu vực đều đảm bảo an toàn cũng như vận hành của hồ đập. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định của pháp luật.

“Có một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương là chưa chính xác”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thực tế qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28.10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28.10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu.

Tuy nhiên, chúng ta duy trì kéo dài xả lũ sang ngày 29-30.10, xả nước ở mức thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ lưu dù những vùng có ngập lụt ở miền Trung.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương cho thấy, tại vùng miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm. Với thời gian lưu bão lâu và liều lượng mưa lớn, liên tục và cơn bão liên tục trong khu vực thì hầu như tất cả khu vực miền Trung, khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng, đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng....

ĐB Thào Xuân Sùng (Hà Giang) nêu quan điểm cần rà soát báo cáo với Quốc hội, ít nhất là với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự an toàn của hệ thống thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước.

“Quan điểm của tôi những thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm nếu như không an toàn cho hạ lưu, không đảm bảo môi trường rừng cứ xâm lần rừng, thì cho dừng xây dựng, có cơ chế đền bù. Vì người chứ, không vì tiền” - ông Sùng nói và cho biết từ Tây Bắc lưu vực sông Đà, lưu vực các con sông, đầu nguồn các con suối đề nghị không trông rừng kinh tế, thay vào đó là trông rừng môi trường (rừng nguyên sinh) để trả lại lớp thực bì cho rừng. Nó sẽ cản mưa to rất là tốt.

Mấy huyện của Hà Tĩnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng khi mưa to cũng với xã lũ từ hồ Kẻ Gỗ về. Nông thôn mới còn 2 bàn tay trắng” - ông Sùng nhấn mạnh.

ĐB Đinh Duy Vượt - (Gia Lai) đề nghị dừng các thủy điện “cóc” ở Tây Nguyên. “Lợi ích của thủy điện “cóc” được các nhà đầu tư đánh giá nhưng hại thì nhà nước phải bỏ tiền ra khắc phục hậu quả, thậm chí thiệt hại về người. Phải chấm dứt xây dựng các thủy điện nhỏ”, ông Vượt nói.

Bài liên quan
Quảng Ngãi lại tính xin bổ sung 2 thủy điện nhỏ
Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi vừa đồng ý 2 dự án thủy điện nhỏ và đang chuẩn bị có động thái để xin Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu tỉnh Đắk Lắk: Thủy điện nhỏ lợi bất cập hại