Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia nhận định đặc khu kinh tế Rason dường như là trọng điểm trong hợp tác ngày càng tăng giữa CHDCND Triều Tiên với Nga.
Chuyển động

Đặc khu kinh tế Triều Tiên hồi sinh nhờ giao thương với Nga

Cẩm Bình 15:14 29/11/2023

Hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia nhận định đặc khu kinh tế Rason dường như là trọng điểm trong hợp tác ngày càng tăng giữa CHDCND Triều Tiên với Nga.

Rason được lập nên vào thập niên 1990 tại biên giới giáp Nga cùng Trung Quốc. Với việc các tòa chung cư và chợ ngập tràn hàng nhập khẩu, Rason là điểm đến mơ ước của nhiều người dân Triều Tiên trước lúc trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt hơn, cùng biện pháp đóng cửa biên giới chống dịch COVID-19 bóp nghẹt gần như mọi hoạt động du lịch lẫn giao thương tại đây.

Thế nhưng, vài tháng qua đã xuất hiện một số dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc khu sắp hồi sinh: có tàu cập cảng lần đầu tiên kể từ năm 2018 và ảnh vệ tinh ghi lại được cảnh giao thương bằng đường thủy cùng đường sắt với Nga tăng đột biến.

dac.jpg
Ảnh chụp cảng biển tại Rason vào cuối tháng 10 - Ảnh: Planet

Theo giới chuyên gia, dù Trung Quốc - nền kinh tế lớn hơn và có mối quan hệ lịch sử với Triều Tiên sâu sắc hơn - là động lực cho sự phục hồi ở Rason, nhưng việc hợp tác ngày càng tăng với Nga có thể đem lại tác động ngay lập tức hơn.

Chuyên gia kinh tế Jeong Eunlee (Viện Thống nhất quốc gia nhận tài trợ của chính phủ Hàn Quốc) cho biết trong bối cảnh Nga - Triều trở nên thân thiết hơn thì lượng du khách Nga đến Triều Tiên sẽ tăng, qua đó góp phần phục hồi du lịch Rason.

Moscow cũng có thể tăng xuất khẩu than, dầu mỏ, bột mì thông qua đặc khu, và nếu có thêm nhiều lao động Triều Tiên được phép qua biên giới thì họ có thể gửi hàng hóa Nga về nước để người thân bán lại.

Cơ quan Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) xác định Trung Quốc chiếm đến 97% tổng thương mại của Triều Tiên năm 2022. Tuy nhiên, số liệu Liên Hợp Quốc chỉ ra Nga đã khôi phục xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên từ tháng 12 năm ngoái, tính đến tháng 4, Moscow bán được 67.300 thùng dầu tinh chế. Chuyên gia kinh tế Lee Chan-woo (Đại học Teikyo) còn lưu ý đến khả năng gỗ Nga do lao động Triều Tiên khai thác được bán sang Trung Quốc thông qua Rason.

Ông Cho Sung-chan (tổ chức phi lợi nhuận Hananuri có đầu tư vào một nhà máy chế biến thực phẩm ở Rason) dự báo ảnh hưởng của Nga tại đặc khu sẽ tăng lên: “Giả sử khoảng thời gian Nga - Triều thân thiết kéo dài, Triều Tiên có thể nhận được hỗ trợ từ Nga về lương thực, năng lượng và cơ sở hạ tầng qua Rason”. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Nga Alexander Kozlov sau cuộc gặp quan chức Triều Tiên tháng này đã tuyên bố hai nước dự định tăng cường giao thương, thí điểm xuất khẩu sản phẩm thịt vào năm tới.

Rason là đặc khu lâu đời và lớn nhất trong 29 khu phát triển kinh tế mà Triều Tiên lập nên, đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nơi đây có không ít khu chợ quy mô lớn, là địa điểm có mạng di động đầu tiên của đất nước, cũng là khu vực duy nhất mà hoạt động mua bán nhà được hợp pháp hóa. Các khu phát triển kinh tế khác không thể sánh bằng do cơ sở hạ tầng yếu kém và hứng chịu trừng phạt quốc tế.

Mục sư người Mỹ gốc Hàn Abraham Choi cho biết, lần cuối đến Rason năm 2015, ông từng gặp cả du khách Trung Quốc lẫn du khách Nga.

Truyền thông Hàn Quốc trước đó đưa tin biên giới Rason giáp Trung Quốc đã mở lại vào tháng 1.2023, tạo điều kiện cho hàng đoàn xe tải di chuyển qua. Mục sư Choi chưa nhận thấy dấu hiệu có đoàn du khách lớn quay lại đặc khu này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc khu kinh tế Triều Tiên hồi sinh nhờ giao thương với Nga