Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày một số nội dung về những vấn đề mà ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Thủ tướng nói: kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác...

Đã tinh giản 30 ngàn cán bộ công chức, bộ máy Nhà nước vẫn cồng kềnh

Nam Phong | 18/11/2017, 15:49

Trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày một số nội dung về những vấn đề mà ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Thủ tướng nói: kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác...

Chiều nay, 18.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỉ USD; xuất siêu 2,56 tỉ USD

Về cập nhật tình hình kinh tế - xã hội từ phiên khai mạc đến nay lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12.2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%.

Các chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; thị trường chứng khoán vượt mốc 890 điểm, tiếp tục thoái vốn thành công tại Vinamilk.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 17%, 10 tháng tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 7,3%). Tổng cầu phục hồi, thị trường phát triển tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,4%. Thu hút khách quốc tế vượt 10 triệu lượt, tăng trên 28%.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, bảo đảm thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tốt các cơ hội mở rộng thị trường mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Tổng thu ngân sách lũy kế 10 tháng tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỉ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỉ USD. Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỉ USD, tăng 11,8%; có trên 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Thủ tướng cho hay, vừa qua, Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.

Nói về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Ban hành 14 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đối với trên 700 thủ tục hành chính.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với các bộ ngành, địa phương. Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân tại các Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương được vận hành khá hiệu quả, riêng Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận trên 4.600 phản ánh, kiến nghị của người dân và gần 1.100 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Trong 2 năm qua, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc, từ thứ 91 lên 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng vào nhóm đầu của các nước ASEAN.

Đã tinh giản được 30 nghìn người

Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận.

Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương và Quốc hội.

Về giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới nơi phên giậu của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khó khăn, xuất phát điểm thấp, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thách thức. Trên 30% hộ dân tộc thiểu số còn là hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc và miền núi chỉ bằng 44% bình quân chung cả nước.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trước hết, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các chương trình, chính sách hiện hành. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 135 phát triển các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc rất ít người và Chính sách hỗ trợ người có uy tín… Đẩy mạnh thông tin truyền thông, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở và trợ giúp pháp lý. Quan tâm phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, mang bản sắc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là du lịch, dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội về đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia; chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Phấn đấu đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao. Phát huy vai trò và đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương và hợp tác song phương.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đàm phán các Hiệp định FTA; cùng các nước tích cực trao đổi, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy, sớm ký kết, phê chuẩn FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông, hỗ trợ hiệu quả, nâng cao năng lực hội nhập và xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; khuyến khích áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Chủ động phòng tránh, giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế.

Thành công trong đối ngoại, hội nhập quốc tế của nước ta thời gian qua có đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và kiều bào ta ở nước ngoài. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tạo mọi thuận lợi cho kiều bào đầu tư kinh doanh, làm ăn tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã tinh giản 30 ngàn cán bộ công chức, bộ máy Nhà nước vẫn cồng kềnh