Đà Nẵng vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất linh kiện máy bay với tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Đà Nẵng sắp có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Boeing

Tuyết Nhung 25/01/2024 22:49

Đà Nẵng vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất linh kiện máy bay với tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD.

Ngày 25.1, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư KP Aero Industries Co.,Ltd (Hàn Quốc) để đầu tư dự án nhà máy linh kiện hàng không KP VINA tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận của máy bay, bao gồm cửa động cơ phụ (APU Door), đầu MIC (MIC tip), hộp cánh (Wingbox), cánh lượn (Winglet), dàn hỗ trợ cánh tả (Flap support fairing) của các dòng máy bay Boeing 787, Boeing 737 Max.

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đây là dự án thứ 2 trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng sau dự án của Công ty TNHH UAC Việt Nam.

Đại diện Kp Aero Industries Co.,Ltd cho biết trong thời gian đầu nghiên cứu địa điểm đầu tư, công ty luôn lo ngại việc kinh doanh ở Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng cũng như sự chậm trễ trong thủ tục hành chính, khiến họ khó tiến xa hơn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư, doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhanh chóng về thủ tục, hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.

Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu tháng 2.2024, hoàn thành và bắt đầu hoạt động chính thức vào cuối năm 2024.

Kp Aero Industries Co.,Ltd là đối tác của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng không như: Boeing, Airbus, Korean Air. Việc triển khai dự án nhà máy linh kiện hàng không Kp Vina tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được trông đợi không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.Đà Nẵng, mà còn tạo nền tảng đầu tiên cho việc hình thành tổ hợp công nghệ hàng không - vũ trụ tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Trong năm 2023, Ban Quản lý đã cấp mới cho 19 dự án, với tổng vốn đầu tư 258,6 triệu USD (tương đương 6.301 tỉ đồng). Lũy kế đến nay, Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin và các Khu công nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã thu hút 526 dự án với tổng vốn đầu tư 3.413 triệu USD (tương đương 83.152,6 tỉ đồng).

Định hướng, mục tiêu năm 2024, Ban Quản lý sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục đầu tư nước ngoài, Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, và các khu công nghiệp; phấn đấu thu hút ít nhất 3 dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và tập trung vào ba mũi nhọn chính, bao gồm: công nghệ hàng không vũ trụ, vi mạch bán dẫn và ngành y tế chất lượng cao.

Năm 2024, Đà Nẵng đề ra chương trình thu hút đầu tư với trọng điểm đón đầu làn sóng đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm mới như các ngành công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghệ tài chính.

Bên cạnh công nghệ hàng không - vũ trụ, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được xem là ngành đặc thù, có lịch sử phát triển từ nhiều năm trước với vai trò dẫn dắt, chiếm lĩnh thị trường của các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các quốc gia này liên tục đầu tư, phát triển vào lĩnh vực này, bởi ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược và là ngành công nghiệp mũi nhọn.

Hiện nay, Đà Nẵng đang tập trung triển khai nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung vào 3 đối tượng: đội ngũ giảng viên, các kỹ sư đã tốt nghiệp (bao gồm cả chuyên ngành gần), sinh viên đang đào tạo... nhằm tạo nguồn nhân lực có kỹ năng với đầu ra đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế của các doanh nghiệp lớn.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, hai tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ trên lĩnh vực vi mạch bán dẫn là Qualcomm và Marvell đã có chuyến đi khảo sát, tham quan thực địa và làm việc với lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Tập đoàn Qualcomm đã có những buổi trao đổi để tìm hiểu môi trường, cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Còn công ty Marvell trong chương trình làm việc tại Đà Nẵng, cùng với việc tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác, Marvell đã làm việc với các trường đại học để tìm hiểu, khảo sát nguồn cung nhân lực vi mạch bán dẫn, trao đổi về kế hoạch tuyển sinh, đào tạo chuyên sâu về vi mạch bán dẫn, hỗ trợ học bổng cho sinh viên theo học các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, tìm hiểu về hạ tầng công nghệ...

Phó chủ tịch Điều hành toàn cầu Công ty Marvell (Mỹ) Lợi Nguyễn cho biết, Marvell rất quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng. Đặc biệt, ông đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực đối với lĩnh vực này.

Bài liên quan
Boeing phát triển máy bay trình diễn, tiết kiệm nhiên liệu cho NASA
NASA đã chọn nhà sản xuất máy bay Boeing và nhóm ngành công nghiệp của hãng để dẫn dắt quá trình phát triển và bay kiểm thử một máy bay có trang bị “Cánh gia cố cận Siêu âm”* (Transonic Truss-Braced Wing – TTBW) có kích thước tương đương máy báy thật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng sắp có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Boeing