Tuyến đường du lịch Bạch Đằng, được xem là bộ mặt của TP.Đà Nẵng, không được bố trí nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhưng địa phương tiến hành bắt phạt những ai tiểu bậy, phóng uế. Việc này cũng đang khiến lực lượng thực thi đau đầu vì nhiều mâu thuẫn…

Đà Nẵng: Đội tuần tra phóng uế và "bộ sưu tập quả tang" bằng hình ảnh

Một Thế Giới | 13/11/2015, 16:31

Tuyến đường du lịch Bạch Đằng, được xem là bộ mặt của TP.Đà Nẵng, không được bố trí nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhưng địa phương tiến hành bắt phạt những ai tiểu bậy, phóng uế. Việc này cũng đang khiến lực lượng thực thi đau đầu vì nhiều mâu thuẫn…

Chụp hình, lập biên bản xử phạt
Tháng 9.2014, UBND Q.Hải Châu ra quyết định thành lập tổ kiểm tra công vụ. Chức năng là kiểm tra về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường cũng như những gì liên quan đến đời sống văn hóa văn minh đô thị.
Hải Châu là quận trung tâm của Đà Nẵng, nơi các cơ quan hành chính, trường học, đơn vị quan trọng đóng trụ sở.
Đặc biệt, đường Bạch Đằng, được xem là tuyến đường mẫu và là bộ mặt của thành phố bên sông Hàn được quan tâm đặc biệt trong việc làm đẹp. Tại đây, rất nhiều hoạt động vui chơi của người dân địa phương diễn ra. Vỉa hè đường Bạch Đằng nằm cạnh sông là chỗ lý tưởng để thể dục thể thao, ngắm cảnh, chụp hình…Đây cũng là nơi khách du lịch thường tới tham quan chụp hình các cây cầu độc đáo.
Da Nang ‘buoc’ dan di tieu bay roi bat phat?-hinh-anh-1
 Du khách dạo chơi, chụp hình lưu niệm trên đường Bạch Đằng- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Dương Văn Vân, trưởng phòng Nội vụ Q.Hải Châu, tổ trưởng tổ kiểm tra công vụ cho biết: “Đây là mô hình mới mà Q.Hải Châu là địa phương tiên phong làm. Tổ kiểm tra công vụ sẽ phân công cho 3 đồng chí công an, 6 đồng chí trong đội quy tắc đô thị thành lập một tổ tuần tra chia nhau thành 3 ca đi kiểm tra và xử lý việc phóng uế bừa bãi của người dân”.
Vấn đề phóng uế bừa bãi làm mất đi hình ảnh trong mắt du khách đã được lãnh đạo Đà Nẵng nhiều lần nhắc nhở. Việc này được yêu cầu xử lý triệt để ở đường Bạch Đằng.
Theo ông Vân, từ khi thành lập tổ chuyên ngành này, lực lượng đã bắt quả tang nhiều trường hợp phóng uế bừa bãi.
“Khoảng 10 trường hợp bị cán bộ chuyên trách phát hiện, chụp hình quả tang đang phóng uế bừa bãi và lập biên bản xử lý. Trong đó, đã xử phạt hành chính 2 trường hợp, mỗi trường hợp trên 150 ngàn đồng”.
Da Nang ‘buoc’ dan di tieu bay roi bat phat?-hinh-anh-2
Một cụ già bị bắt quả tang vào ngày 26.10- Ảnh: tổ tuần tra. 
Theo quy định, trường hợp phóng uế bừa bãi bị bắt quả tang thì mức phạt tiền cao nhất là 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đã bị lập biên bản về hành vi này vẫn rất khó trong việc thu tiền.
Ông Vân cho biết, những đối tượng vi phạm phần lớn là người dân lao động, những người tập thể dục, những ông cụ đánh cờ, những người bán hàng rong, lái xe taxi…Vì vậy, một là họ không mang theo tiền khi bị xử lý. Mà nếu lập biên bản rồi họ vẫn dây dưa không nộp.
Không có nhà vệ sinh, lấy chỗ mô ta đi?
Những người trong tổ tuần tra kể, có trường hợp bắt gặp cụ ông đi bậy trên sông Hàn, chụp hình quả tang, rồi nhắc nhở rằng: “Con đường đẹp thế, sông đẹp thế mà sao cụ nỡ đi bậy làm mất đẹp. Lần này chỉ nhắc nhở chứ lần sau tụi tui lập biên bản đó?”. Ông cụ trả lời rằng: “Lập biên bản thì lập. Chứ nhà vệ sinh công cộng không có lấy chỗ mô cho ta đi”.
Có trường hợp người vá xe bên đường, tổ tuần tra thấy họ đang chuẩn bị ‘hành sự’, không kịp chụp hình quả tang, đành phải dùng biện pháp ‘đẩy đuổi’, không cho họ kịp tè bậy.
Da Nang ‘buoc’ dan di tieu bay roi bat phat?-hinh-anh-3
 Người dạo chơi, hoạt động trên đường Bạch Đằng rất đông nhưng có vẻ bí chỗ giải quyết- Ảnh: tổ tuần tra.
Và theo ông Vân, đấy đang là vấn đề cốt lõi của vấn đề. Theo ông này, tuyến đường Bạch Đằng triển khai bắt và xử phạt phóng uế nhưng cả một tuyến đường không có NVSCC.
“Chỉ có 2 NVSCC bố trí dưới chân cầu Sông Hàn nhưng đóng cửa và hư miết. Nên khi chúng tôi bắt người phóng uế, họ nói không có nhà vệ sinh cho họ đi cũng khó mà cãi lại”, ông Vân cho hay.
Da Nang ‘buoc’ dan di tieu bay roi bat phat?-hinh-anh-4
 Nhà vệ sinh công cộng ở dưới chân cầu Sông Hàn bị khóa hết khi chúng tôi kiểm tra- Ảnh: Lê Đình Dũng.
Ông Nguyễn Thanh Tín, một người dân cho biết: “Thành phố cho bắt và phạt tiền người phóng uế, nhưng các anh xem trên khắp tuyến đường này có cái NVSCC nào cho người ta giải quyết hay không. Chẳng thà có rồi mà vẫn đi bậy thì các anh xử phạt thì không ai nói gì. Đã không có mà đi bắt phạt rõ là vô lý”.
Được biết, hội doanh nhân trẻ ở quận Hải Châu đang thí điểm chương trình vận động các nhà hàng, khách sạn, công sở…tham gia chương trình cho người dân và du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí ‘thoải mái như ở nhà’.
Tuy nhiên, ngay cả ông Vân và người dân đều cho rằng chương trình này chẳng mang lại hiệu quả gì. “Ngay cả chúng ta chứ chưa nói người dân hay du khách, muốn vệ sinh mà đi vào nhà người ta xin phép thì cũng ngại. Người dân nói với tôi rằng tốt nhất là có NVSCC cho người ta thật sự thoải mái”.
Da Nang ‘buoc’ dan di tieu bay roi bat phat?-hinh-anh-5
 Bí quá hóa liều?- Ảnh: tổ tuần tra.
Ông này cho biết thêm: “Đúng là ý thức người dân chưa cao, nhưng không có nhà vệ sinh mà họ bí thì cũng thành bừa. Để răn đe về ý thức, lúc đầu tôi còn đề xuất lập biên bản, gửi những hình ảnh người tè bậy về các phường, tổ dân phố rồi cho công khai. Tuy nhiên, cái mặt trái là nó làm ảnh hưởng đến người thân của đối tượng, con cái đi học sẽ bị bạn bè dè bỉu, thành ra mặc cảm nên không làm phương án này nữa”.
“Nhưng cũng phải công nhận rằng, từ lúc tổ tuần tra hoạt động, thì việc phóng uế bừa bãi đã giảm bớt, trước 10 thì nay còn 2. Và khi thấy tổ tuần tra, người ta cũng sợ không dám ‘bậy’ nữa”, ông Vân nhận định.
Theo đó, về căn nguyên, ông Dương Văn Vân đề xuất chính quyền nên cho lắp đặt hoặc xây các NVSCC trên tuyến đường Bạch Đằng. “Có nhà vệ sinh thì người ta mới không đi bậy. Mà có đi bậy thì mình xử phạt người ta cũng phục hơn”.
Ông Vân cũng cho rằng, việc xử lý việc phóng uế cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị chứ không chỉ để một tổ làm. Ông ví dụ, chỉ có 2 NVSCC được bố trí dưới gầm cầu Sông Hàn, trong lúc đường Bạch Đằng dài đằng đẵng. Mà 2 NVS đó không hoạt động được, hỏng hóc, đóng cửa…thì cần phải có sự kiểm tra của bên ngành Môi trường.
Hơn nữa, khi bắt quả tang hành vi, tổ công tác hay trật tự đô thị không có quyền lập biên bản xử phạt mà phải đưa về đồn công an làm việc…
“Thứ nhất là phải xây NVSCC, thứ hai là tăng cường tuyên truyền ý thức của người dân, thứ ba là có chế tài đủ mạnh. Có như vậy mới xử lý triệt để tình trạng phóng uế bừa bãi”, ông Vân nhấn mạnh.

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: Đội tuần tra phóng uế và "bộ sưu tập quả tang" bằng hình ảnh