Ngày 18.3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi ranh giới lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận là toàn bộ địa giới hành chính thành phố hiện hữu và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 mét trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha.
Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng của TP.Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: TP.Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850 mét trở lên. Phạm vi nghiên cứu mở rộng gồm vùng TP.HCM, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng tỉnh Lâm Đồng. Thời hạn quy hoạch đến năm 2045.
Về tính chất đô thị, TP.Đà Lạt sẽ là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và giải trí cấp vùng và quốc gia; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. TP.Đà Lạt là đô thị phát triển du lịch quốc gia và đô thị có đặc trưng về di sản.
Theo tính toán quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 850.000 - 900.000 người, dân số nông thôn khoảng 250.000 người); đến năm 2045 khoảng 1.900.000 - 1.950.000 người (trong đó dân số đô thị khoảng 1.500.000 - 1.550.000 người, dân số nông thôn khoảng 400.000 người).
Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2035 khoảng 25.500 - 27.000ha (trong đó đất dân dụng khoảng 6.800 - 7.200ha); đến năm 2045 khoảng 45.000 - 46.500ha (trong đó đất dân dụng khoảng 12.000 - 12.400ha).
Tỷ lệ đất giao thông và giao thông tĩnh trong đất xây dựng đô thị tối thiểu phải đạt 14 - 18% (tính đến đường chính khu vực). Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đô thị khoảng 150 - 180 lít/người/ngày đêm (đối với TP.Đà Lạt), 100 - 120 lít/người/ngày đêm (đối với các đô thị khác).
Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt khoảng 1.100 - 2.100 Kwh/người/năm (đối với TP.Đà Lạt); 750 - 1.500 Kwh/người/năm (đô thị Liên Nghĩa); 400 - 1.000 Kwh/người/năm (đối với các đô thị khác). Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch.
Thủ tướng cũng yêu cầu quy hoạch tổng thể cần điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của TP.Đà Lạt và vùng phụ cận phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu; tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, đảm bảo khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.
Các ban ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, có phân kỳ họp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian - đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, hệ thống đô thị vệ tinh với TP.Đà Lạt và vùng tỉnh Lâm Đồng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên...), cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội TP.Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng và vùng tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Chỉ đạo của Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phân tích vị trí và mối quan hệ liên vùng: Đánh giá lợi thế và hạn chế về vị trí địa lý của TP.Đà Lạt và vùng phụ cận; phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, định hướng, chiến lược phát triển của quốc gia và vùng có tác động đến sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng. Đánh giá vai trò, vị thế, sức thu hút và lan tỏa của TP.Đà Lạt và vùng phụ cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Đặc biệt phân tích mối quan hệ không gian giữa TP.Đà Lạt và vùng phụ cận với TP.Bảo Lộc, với các đô thị thuộc vùng tỉnh Lâm Đồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Cảng hàng không Liên Khương, đường sắt Phan Rang - Đà Lạt đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia...