Ngày 18.7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ tống đạt kết luận điều tra, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 92 bị can trong đường dây đánh bạc qua mạng internet xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.
Các bị can bị đề nghị truy tố về 7 tội danh, gồm tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; đưa hối lộ; sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ.
Trong 92 bị can, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị truy tố hơn 40 bị can về tội tổ chức đánh bạc, gồm có Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC), Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online)... Đáng chú ý, bị can Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng,Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng,Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát, cùng bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ. Riêng Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng, nguyên Tổng giám đốc CNC, còn bị đề nghị truy tố thêm về tội đưa hối lộ.
Kết luận điều tra xác định, đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club được điều hành bởi Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Đường dây này hoạt động từ ngày 18.4.2015, gồm 42 trò mô phỏng các hình thức đánh bạc, hoạt động trái phép thông qua website rikvip.com, rikvip.vn; từ tháng 8.2016 đổi tên thành Tip.club và dưới dạng các ứng dụng cho điện thoại, máy tính. Đến tháng 8.2017, đường dây bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đánh sập.
Trong quá trình hoạt động, đường dây phát triển thành một mạng lưới gồm 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 và 42.956.718 tài khoản tham gia đánh bạc. Số tiền thu từ tổ chức đánh bạc trực tuyến chứng minh được là hơn 9.800 tỉ đồng. Sau khi chi phí trả thưởng cho con bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709 tỉ đồng, các cá nhân trong vụ án này hưởng lợi trên 4.713 tỉ đồng. Trong đó, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.475 tỉ đồng, Nguyễn Văn Dương hưởng 1.655 đồng, số còn lại được chia cho một nhóm khác nhưng đang trốn truy nã.
Hỗ trợ, tiếp tay cho kẻ tội phạm
Cơ quan An ninh điều tra cũng xác định, việc đường dây đánh bạc Rikvip/Tip.club hoạt động trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn là do có sự hỗ trợ, tiếp tay của một số cá nhân tại Tổng cục Cảnh sát và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, các bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa trên cương vị là những người đứng đầu các đơn vị chức năng đã ra các chủ trương trái với quy định pháp luật để tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc này hoạt động.
Theo cơ quan điều tra, ông Vĩnh cùng ông Hóa đã chỉ đạo cấp dưới tham mưu ban hành quyết định về việc sử dụng Công ty CNC của Dương làm công ty bình phong thuộc C50 trái với quyết định của Bộ Công an, đồng thời cho CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (Q.Đống Đa, Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý. Từ đó, các đơn vị chức năng lầm tưởng CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát để tạo vỏ bọc cho Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng internet được thuận lợi.
Kết luận điều tra nêu rõ, ông Vĩnh biết CNC hoạt động tổ chức đánh bạc nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản đề nghị Bộ TT-TT tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của CNC. Bên cạnh đó, ông Vĩnh chỉ đạo ông Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc (vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club)... Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện CNC vận hành 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo thì ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ 2 sau 50 ngày mới chỉ đạo C50 tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, nhưng đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo không đúng sự thật.
Về hành vi đưa hối lộ, Nguyễn Văn Dương khai đưa cho ông Phan Văn Vĩnh 1 đồng hồ Rolex giá 7.000 USD, 27 tỉ đồng và hơn 1,7 triệu USD. Tuy nhiên, bị can Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận được Dương tặng 1 chiếc áo sơ mi, 1 lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỉ đồng... “Tại cơ quan điều tra, ông Vĩnh thừa nhận mua đồng hồ Rolex trên và trả cho Dương số tiền 1,1 tỉ đồng. Bản thân Dương là người phụ thuộc nên không có sự mua bán ở đây. Trong khi đó, Phan Văn Vĩnh là thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an, 1 tháng lương của ông Vĩnh với cấp hàm trung tướng là 20 triệu đồng. Vậy số tiền ông Vĩnh khai mua đồng hồ Rolex với giá 7.000 USD, mà phải trả 1,1 tỉ đồng, bằng 55 tháng lương, tương đương với 4 năm 7 tháng không chi phí gì. Mặt khác, Dương không phải anh em họ hàng thân thiết. Từ căn cứ trên, có đủ cơ sở kết luận ông Phan Văn Vĩnh được Dương cho chiếc đồng hồ Rolex trên là đúng”, kết luận nêu rõ.
Cơ quan điều tra cũng nêu, việc bị can Phan Văn Vĩnh chưa hợp tác và thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình nên sẽ tiếp tục điều tra trong giai đoạn 2.
Tiếp tục điều tra giai đoạn 2 đối với nhiều cá nhân, tổ chức
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố tổng số 105 bị can về 7 tội danh trên, trong đó đã tạm đình chỉ điều tra đối với 13 bị can và đang truy nã 12 bị can. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã tạm giữ, kê biên của các bị can và những người có liên quan 1.343 tỉ đồng.
Do tính chất phức tạp của vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật ở giai đoạn 2 đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu liên quan hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm pháp luật.
Theo Thái Sơn/Thanh Niên