Do chu kỳ kinh nguyệt không đều nên một phụ nữ (38 tuổi) ở Bạc Liêu không biết mình mang thai. Khi có dấu hiệu bất thường và được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu thì tại đây, các bác sĩ phát hiện thêm bệnh đột quỵ.

Cứu sống người phụ nữ bị đột quỵ và không biết mình đang mang thai

Nguyên Việt | 24/02/2023, 14:41

Do chu kỳ kinh nguyệt không đều nên một phụ nữ (38 tuổi) ở Bạc Liêu không biết mình mang thai. Khi có dấu hiệu bất thường và được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu thì tại đây, các bác sĩ phát hiện thêm bệnh đột quỵ.

Ngày 24.2, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, Khoa Đột quỵ bệnh viện vừa cứu sống liên tiếp hai trường hợp sản phụ bị đột quỵ, trong đó có một sản phụ nguy kịch.

Người phụ nữ không biết mình mang thai

Trường hợp thứ nhất, thai phụ T. T. C. (38 tuổi, ngụ Bạc Liêu) được tuyến trước chuyển đến bệnh viện vào rạng sáng ngày 17.2 trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tăng cao (200/100mmHg), mạch nhanh, liệt ½ người trái, liệt VII trung ương trái, thai 28 tuần.

Được biết, do chu kỳ kinh nguyệt bệnh nhân không ổn định nên không biết bản thân mang thai, không khám thai định kỳ. Gần đây, thai phụ có những dấu hiệu bất thường: buồn nôn, chóng mặt nên đi khám và phát hiện mang thai ở tuần thứ 28-29.

Cùng ngày nhập viện, thai phụ đột ngột lơ mơ, lên cơn co giật, nói khó, được gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.

Kết quả kiểm tra ghi nhận, bệnh nhân có xuất huyết não vùng thái dương phải, thai sống trong lòng tử cung khoảng 28-29 tuần.

benh-nhan-c-tinh-tiep-xuc-tot-sinh-ton-on-.jpg
Sản phụ C. và con được cứu sống trong tình trạng khá hi hữu khi bản thân không biết mình mang thai và đột quỵ - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được điều trị kiểm soát huyết áp, hội chẩn các chuyên khoa đánh giá nguy cơ và quyết định phẫu thuật cấp cứu lấy thai trước nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cháu bé khi thai phụ đang diễn tiến dần hôn mê.

Cuộc phẫu thuật thành công đón một bé trai nặng 1,5 kg. Tuy nhiên, bé suy hô hấp, được đặt nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị tiếp.

Sau phẫu thuật, chị C. được chuyển Khoa Đột quỵ điều trị nội khoa tích cực, thở máy, kháng sinh, chống phù não; tình trạng bệnh nhân cải thiện dần.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đã ngưng máy thở đang được điều trị và chăm sóc.

Tình trạng bé lúc được tiếp nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ: tri giác lừ đừ, thở rên rỉ, thở nhanh, co lõm ngực, da tím tái, suy hô hấp nặng, trương lực cơ và phản xạ kém. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bé cải thiện tốt: tỉnh, môi hồng, phản xạ cường cơ có cải thiện; đã ngưng thở máy xâm lấn, được nuôi ăn qua sonde dạ dày, tiêu sữa tốt.

Cứu sống sản phụ có tiền sử đái tháo đường

Trước đó, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã cứu sống một sản phụ khác có dấu hiệu đột quỵ.

Đó là trường hợp của chị N. T. H. T. (34 tuổi, ngụ Cần Thơ) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc tối ngày 12.2 với tình trạng yếu nửa người trái.

Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường thai kỳ (tuần thứ 25). Khi thai 39 tuần, sản phụ khám thai định kỳ theo lịch hẹn và được các bác sĩ phát hiện huyết áp tăng rất cao nên đề nghị nhập viện điều trị tại địa phương.

Sau phẫu thuật lấy thai, ngày thứ 4 bệnh nhân đột ngột yếu nửa người trái, được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị với chẩn đoán nhồi máu não bán cầu phải.

benh-nhan-t-tinh-suc-co-hoi-phuc-kha-.jpg
Sản phụ T. có tiền sử đái tháo đường, dấu hiệu đột quỵ - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân tiến triển nhanh yếu dần nửa người bên trái, được xử trí cấp cứu, kiểm soát huyết áp và chuyển Khoa Đột quỵ theo dõi và điều trị.

Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực kết hợp tập vật lý trị liệu vận động có trợ giúp với chẩn đoán: Nhồi máu não bán cầu phải do hẹp nặng đoạn cuối động mạch cảnh trong phải, và hẹp nặng động mạch não giữa phải.

Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, còn yếu nhẹ nửa người trái, vết mổ khô.

TS - BS Hà Tấn Đức - Trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin:

Tai biến mạch máu não trong thai kỳ là một bệnh cảnh đặc thù. Theo thống kê, tỉ lệ bị tai biến mạch máu não của thai phụ lên đến 30/100.000, tức là gấp 3 lần so với những phụ nữ cùng tuổi không mang thai. Trong đó, giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ và thời kỳ hậu sản là những giai đoạn có nguy cơ cao nhất.

Có nhiều cơ chế giải thích cho sự gia tăng đột biến này, như sự thay đổi huyết động học của hệ tim mạch, sự thay đổi của các yếu tố đông máu, độ nhớt máu, rối loạn chức năng lớp biểu mô, viêm nhiễm trong thai kỳ… Các biến chứng của thai kỳ như tiền sản giật, sản giật, hội chứng HELLP, huyết khối tĩnh mạch, tăng đông, thuyên tắc ối, bệnh cơ tim chu sinh… cũng được chứng minh là yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não ở thai phụ bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống của dân số chung.

Các dấu hiệu của tai biến mạch máu não ở thai phụ cũng tương tự như ở người không mang thai. Một khiếm khuyết thần kinh cấp tính mới xuất hiện mà không giải thích được là dấu chỉ mạnh gợi ý đến tai biến mạch máu não. Các dấu hiệu thường gặp là đột ngột chóng mặt, mất cân bằng, nhìn mờ một bên mắt, méo miệng, yếu/liệt tay chân, nói đớ, đau đầu dữ dội, lú lẫn, hôn mê.

Việc điều trị tai biến mạch máu não trên thai phụ cũng đặt ra rất nhiều thách thức khi vừa phải cân bằng tính mạng của người mẹ và cả của thai nhi. Việc lựa chọn sẽ do đánh giá của bác sĩ, trên cơ sở cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, thời gian bị tai biến, vị trí, phạm vi tổn thương, tuổi của thai nhi.

Nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ xảy ra đột quỵ ở phụ nữ mang thai, sản phụ cần được chăm sóc sản khoa trước, trong, và sau thai sản:

1. Thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng và đều đặn để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và tăng cường lưu thông máu.

2. Ăn uống lành mạnh và cân bằng để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao và đái tháo đường.

3. Điều chỉnh lối sống để giảm áp lực cuộc sống, giữ tâm trí thoải mái.

4. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

5. Tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác.

6. Kiểm tra và điều trị các bệnh lý liên quan đến đột quỵ, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đái tháo đường.

7. Khám thai định kỳ và đánh giá sức khỏe tổng quát nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ của đột quỵ và có kế hoạch phòng ngừa bệnh. Ở những phụ nữ có tiền căn đột quỵ hoặc bệnh lý liên quan đến đột quỵ, cần thảo luận với bác sĩ về các biện pháp phòng tránh cụ thể theo từng trường hợp.

Những phương pháp này không chỉ giúp phòng tránh đột quỵ ở phụ nữ mang thai mà còn là cách để giữ cho sức khỏe tổng thể của mẹ và thai nhi tốt nhất trong suốt quá trình mang thai sinh nở.

Bài liên quan
Chàng trai 18 tuổi chết não đem lại sự sống cho 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết
7 đơn vị tạng của chàng trai 18 tuổi (quê An Giang) đã được hiến để cứu sống 5 bệnh nhân đang nằm chờ chết và 2 người mù lòa được sáng mắt. Đó là một sự "ra đi" đã đem lại sự sống cho nhiều người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống người phụ nữ bị đột quỵ và không biết mình đang mang thai