Một sản phụ tiền sản giật nặng biến chứng xuất huyết não với nguy cơ tử vong cao cả mẹ lẫn con đã được cứu sống nhờ phối hợp giữa 2 Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) và Nhi Đồng TP.Cần Thơ.

Cứu sống 2 mẹ con sản phụ 28 tuổi bị tiền sản giật nguy kịch

Phong Phạm | 10/06/2021, 13:53

Một sản phụ tiền sản giật nặng biến chứng xuất huyết não với nguy cơ tử vong cao cả mẹ lẫn con đã được cứu sống nhờ phối hợp giữa 2 Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) và Nhi Đồng TP.Cần Thơ.

Vào lúc 2 giờ sáng 4.6, khoa Cấp cứu BVĐKTƯCT tiếp nhận bệnh nhân H.T.N.V. (SN 1993, ngụ H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) trong tình trạng mất ngôn ngữ, huyết áp rất cao (240/100 mmHg), liệt nửa người phải, thai 34 tuần. Trước khi nhập viện 1 giờ, bệnh nhân đột ngột than đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi, méo miệng, yếu nửa nên người được người nhà đưa thẳng đến BVĐKTƯCT cấp cứu.

bac-si-tham-kham-benh-nhan.jpg
Bác sĩ thăm khám sản phụ - Ảnh: Phong Phạm

Tiền sử bệnh nhân có có khám thai định kỳ. Và các bác sĩ cấp cứu nhanh chóng kiểm soát huyết áp bằng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não ghi nhận bệnh nhân bị xuất huyết não vùng nhân xám trung ương thái dương - trán. Bệnh nhân được chẩn đoán: thai lần 1, 34 tuần chưa chuyển dạ, tiền sản giật nặng biến chứng xuất huyết não.

Nhận thấy tình trạng mẹ và bé rất nguy kịch, sản phụ có thể diễn tiến nặng bất kỳ lúc nào, hội chẩn nhiều chuyên khoa của bệnh viện đã thống nhất phẫu thuật cấp cứu bảo tồn tính mạng mẹ, lấy thai. Ê-kíp do BS.CK2 Phong Thị Thanh Xuân - khoa Phụ Sản, BS.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện và sau 30 phút bé trai nặng 1.600 gam chào đời thành công. Và bé nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ điều trị chuyên khoa. Còn ngay sau phẫu thuật, sản phụ được chuyển đến khoa hậu phẫu gây mê hồi sức và khoa đột quỵ để hồi sức nội khoa tích cực.

Ths.BS Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.Cần Thơ cho biết: “Ngày 4.6 bệnh viện có tiếp nhận từ BVĐKTƯCT 1 trường hợp bệnh sơ sinh đặc biệt. Bé là con của 1 sản phụ 28 tuổi, tiền sản giật nặng/xuất huyết não gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Sau khi tiếp nhận thông tin, bệnh viện đã sẵn sàng và sau đó tiếp nhận 1 bệnh nhi sơ sinh non tháng, 34 tuần thai, cân nặng 1.600 gam vào điều trị tại khoa sơ sinh. Ghi nhận ban đầu là bé hồng, thở oxy, thở co lõm nhẹ, SpO2 98%, tự thở”.

hien-tai-be-tu-tho-tot-tong-trang-on-dinh.jpg
Hiện tại bé tự thở tốt, tổng trạng ổn định - Ảnh: Phong Phạm

Các bác sĩ tại khoa sơ sinh đã tiến hành chăm sóc ban đầu và hồi sức cho bé. Hiện tại bé tự thở tốt, tổng trạng ổn định, các rối loạn ban đầu đã được điều chỉnh. Các bác sĩ đang tập cho bé ăn dần qua ống thông dạ dày. Khi bé bú được tốt và đủ theo nhu cầu sẽ có thể cho gia đình chăm sóc. Còn sản phụ hiện tại tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, đang được tiếp tục điều trị tại khoa Đột quỵ của BVĐKTƯCT.

Theo Ths.BS Nguyễn Hữu Thời - Phó khoa phụ trách khoa Sản BVĐKTƯCT: “Tiền sản giật - sản giật (TSG-SG) là rối loạn chức năng đa cơ quan liên quan đến thai nghén, chiếm tỉ lệ khoảng 2 - 10% trong toàn bộ thai kỳ. Trong 2 thập kỷ qua tỷ lệ TSG đã tăng khoảng 25%, đặc biệt là nhóm TSG sớm .

Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới. Tỉ lệ tử vong mẹ liên quan đến tăng huyết áp (HA) trong thai kỳ nói chung và TSG chiếm khoảng 14%. Tỉ lệ tử vong mẹ liên quan đến tăng HA trong thai kỳ khoảng 12,9 - 16,1%. Và tình trạng người mẹ tử vong liên quan đến tăng HA trong thai kỳ đứng hàng thứ 2 sau băng huyết”.

Theo các bác sĩ, TSG là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong chu sinh do sinh non (15-67%), thai chậm phát triển trong tử cung (10-25%), các tổn thương thần kinh do thiếu oxy (<1%), tử vong chu sinh (1-2%) và thai chết trong tử cung. Những biến chứng này tăng lên trong những trường hợp TSG nặng, TSG sớm, có biến chứng SG và hội chứng HELLP.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của TSG-SG còn kéo dài sau sinh, liên quan đến các lần sinh tiếp theo và là yếu tố yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch về sau. Biện pháp tốt nhất để ngừa tiền sản giật nặng và biến chứng là theo dõi thai kỳ chặt chẽ, kết hợp với tìm hiểu tiền căn của người mẹ và điều trị tốt các bệnh lý kèm theo nếu có như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai. Mỗi sản phụ cần có kiến thức để theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu TSG qua thay đổi huyết áp, bất thường khi có sự xuất hiện đạm trong nước tiểu để có kế hoạch điều trị tốt ngay từ đầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống 2 mẹ con sản phụ 28 tuổi bị tiền sản giật nguy kịch