Theo cáo buộc, tổng số tiền bị cáo Trần Thị Bình Minh đã nhận là 1,9 tỉ đồng. Đến nay, bị cáo đã nộp lại số tiền hưởng lợi từ AIC.
Sự kiện

Cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM nộp lại số tiền hưởng lợi từ AIC

Nhật Anh (tổng hợp) 10/07/2024 20:00

Theo cáo buộc, tổng số tiền bị cáo Trần Thị Bình Minh đã nhận là 1,9 tỉ đồng. Đến nay, bị cáo đã nộp lại số tiền hưởng lợi từ AIC.

Ngày 10.7, TAND TP.HCM đưa bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) và 13 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở KH-ĐT TP.HCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM ra xét xử sơ thẩm.

Trong vụ án này, bị cáo Nhàn và hai thuộc cấp cùng bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Bị cáo Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM) và cấp dưới là Phan Tất Thắng (cựu Phó trưởng Phòng kinh tế ngành) cùng bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

8 bị cáo còn lại bị xét xử cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

aic-4.jpg
Vụ án được xét xử tại TAND TP.HCM - Ảnh: Lao Động

Theo cáo buộc, bị cáo Trần Thị Bình Minh vì động cơ vụ lợi đã chỉ đạo cấp dưới là Phan Tất Thắng lập tờ trình để ký quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án khi chưa tổ chức thẩm định; không xử lý sai phạm của chủ đầu tư.

Điều này đã tạo điều kiện cho Trung tâm Công nghệ sinh học và AIC nâng giá dự toán giai đoạn 1, nâng giá gói thầu giai đoạn 2 và 3 gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỉ đồng. Thiệt hại trong vụ án là hơn 94,6 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Trần Thị Bình Minh thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Do áp lực vì chuẩn bị về hưu nên bị cáo Minh muốn làm cho xong việc và các dự án này cũng đã kéo dài quá lâu.

Trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án 12 phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học, bị cáo Minh đã không phối hợp và xin ý kiến các sở liên quan.

Quá trình thẩm định, phê duyệt, bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó tổng giám đốc AIC) đặt và nhờ bà Minh quan tâm các dự án này, đồng thời đưa 900 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi bị cáo Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học) nhận 14,4 tỉ đồng từ AIC, cũng đã đưa cho bị cáo Minh 1 tỉ đồng. Tổng cộng, bị cáo Minh đã nhận 1,9 tỉ đồng.

Đến nay, bị cáo Trần Thị Bình Minh đã nộp lại đủ 1,9 tỉ đồng tiền hưởng lợi.

Tòa án kêu gọi các bị cáo bỏ trốn ra đầu thú

Ở vụ án này có 4 bị cáo đang bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế, trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Trước khi phiên tòa được diễn ra, TAND TP.HCM cũng đã kêu gọi những bị cáo đang bỏ trốn ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng, hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa.

Trong trường hợp các bị cáo không ra trình diện, hoặc đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và bị xét xử vắng mặt.

Theo cáo trạng, quá trình tham gia dự thầu các gói thầu cho 12 phòng thí nghiệm thuộc Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm về đấu thầu.

Theo đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn thống nhất với đại diện chủ đầu tư là Dương Hoa Xô tạo điều kiện để Công ty AIC thực hiện các gói thầu và sẽ chi tiền cảm ơn. Sau đó, dùng Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á liên danh thực hiện 3 gói thầu.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn chỉ đạo cấp dưới thông đồng cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho Công ty AIC và các công ty do AIC chỉ định trúng thầu. Ngoài ra, những bị cáo này còn thiết lập quân xanh, quân đỏ để Công ty AIC trúng 8 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 94 tỉ đồng.

Sau khi trúng thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo cấp dưới đưa tiền phần trăm cho ông Dương Hoa Xô nhiều lần, tổng số tiền 14,4 tỉ đồng để cảm ơn.

Cơ quan tố tụng xác định để Công ty AIC trúng thầu còn có sự giúp sức với vai trò khác nhau của các bị cáo thuộc Công ty AIC và các công ty liên quan. Ngoài ra còn có hành vi tạo điều kiện của các bị cáo thuộc chủ đầu tư, làm trái quy định về quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu.

Ngoài vụ án này, cuối năm 2022, bà Nhàn bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 30 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định đấu thầu, đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Tháng 10.2023, bà Nhàn bị TAND Quảng Ninh tuyên 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Bài liên quan
Bộ Công an truy nã một giám đốc từng bị tuyên án trong vụ AIC
Bộ Công an vừa ra Quyết định truy nã đối với bị can Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thành An).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
38 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM nộp lại số tiền hưởng lợi từ AIC