Báo Guardian (Anh) cho biết nhiều cựu nhân viên của hai “ông lớn” Google và Facebook đã cùng khởi động một chiến dịch gây sức ép để sản phẩm của các công ty công nghệ kém lôi cuốn và khó gây nghiện hơn.

Cựu nhân viên Google và Facebook mở chiến dịch chống nghiện công nghệ

Cẩm Bình | 06/02/2018, 17:42

Báo Guardian (Anh) cho biết nhiều cựu nhân viên của hai “ông lớn” Google và Facebook đã cùng khởi động một chiến dịch gây sức ép để sản phẩm của các công ty công nghệ kém lôi cuốn và khó gây nghiện hơn.

Ngoài ra, chiến dịch cũng tuyên truyền về những tác hại của mà những nền tảng số cũng như mạng xã hội có thể gây ra cho người trẻ tuổi.

Chiến dịch “Sự thật về công nghệ”là sản phẩm của Trung tâm Công nghệ nhân đạo (CHT), một nhóm quy tụ những người từng làm việc cho Google và Facebook nhằm “đảo ngược cuộc khủng hoảng tập trung vào kĩ thuật số và tái sắp xếp công nghệ phù hợp với lợi ích con người”.

Chiến dịch được tài trợ bởi Common Sense, tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho công nghệ và truyền thông an toàn cho trẻ em.

The Guardian cho biết chiến dịch TAT sẽ cung cấp những tài liệu giáo dục cho các gia đình, trong đó nêu bật những nguy cơ mà nền tảng số lẫn mạng xã hội đem lại. Chúng cũng đưa ra vài biện pháp giúp giảm thiểu tình trạng nghiện công nghệ, ví dụ như tắt chế độ thông báo và chuyển màn hình các thiết bị sang màu ít bắt mắt.

Bên cạnh phát tài liệu, nhóm hoạt động cũng sẽ tiến hành vận động hành lang, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách quản lý các công ty công nghệ. CHT và Common Sense cũng sẽ phát triển một bộ quy định đạo đức để đảm bảo ngành công nghệ không khuyến khích các hoạt động khiến người dùng nghiện sản phẩm công nghệ.

CHT được dẫn dắt bởi Tristan Harris, cựu quản lý sản phẩm của Google, cùng với Roger McNamee, nhà đầu tư và cố vấn cũ của Facebook.

Tristan Harris, cựu quản lý sản phẩm của Google, một trong những thành viên chiến dịch chống nghiện công nghệ - Ảnh: TED

James Steyer, giám đốc điều hành của Common Sense, cảnh báo mô hình làm ăn thu hút sự chú ý của người dùng của các công ty công nghệ có thể làm tổn thương xã hội lẫn sự phát triển tình cảm và nhận thức của trẻ em.

Giám đốc Steyer cho biết: “Các công ty công nghệ đang tiến hành một cuộc thử nghiệm thực tế quy mô lớn lên con em chúng ta, và cho đến nay vẫn chưa ai bắt họ chịu trách nhiệm cả. Khi các bậc cha mẹ biết về cách các công ty lợi dụng con cái của họ, họ sẽ cùng chúng ta trong công cuộc kêu gọi thay đổi cách làm ăn của ngành công nghiệp này”.

Theo một khảo sát của Common Sense, thanh thiếu niên tốn trung bình 9 tiếng đồng hồ/ ngày cho các phương tiện truyền thông, trong khi trẻ từ 8 -12 tuổi dành 6 tiếng đồng hồ. Nghiên cứu riêng của nhà tâm lý học Jean Twenge cũng phát hiện trong số những người dùng phương tiện truyền thông nhiều, có 56% cho biết họ có cảm giác không vui, và 27% cảm thấy mình bị trầm cảm.

Vào tháng 11.2017, Sean Parker, nhà đồng sáng lập Facebook, cho biết mạng xã hội này ngay từ đầu đã biết nó đang tạo ra một thứ gì đó khai thác “tính dễ tổn thương của tâm lý con người”.

Marc Benioff, giám đốc điều hành của Salesforce (công ty nổi tiếng hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực cung cấp giải pháp quản lý và chăm sóc khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây) vào tháng 1.2018 cho biết Facebook cần được quản lý nghiêm ngặt như ngành công nghiệp thuốc lá.

Cẩm Bình (theo The Guardian, The Moscow Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu nhân viên Google và Facebook mở chiến dịch chống nghiện công nghệ