Theo điều tra của tờ New York Times, ông Ed Razek – giám đốc hãng nội y Victoria’s Secret bị nhiều người tố cáo có hành vi quấy rối loạt người mẫu nữ của thương hiệu.
Hôm 2.2, tờ New York Times đăng bài điều tra "Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ tại Victoria s Secret". Bài điều tra phỏng vấn hơn 30 nhân viên và người mẫu từng làm việc cho hãng nội y nổi tiếng Victoria s Secret.
Điều khiến nhiều người bất ngờ khi bài viết đã tiết lộ việc Ed Razek, giám đốc tiếp thị và chủ tịch L Brands (công ty mẹ của Victoria s Secret) Leslie Wexner là hai nhân vật bị nhiều người tố cáo có hành vi quấy rối tình dục nhiều đồng nghiệp nữ. Nguồn tin này cho biết Ed Razek từng thử hôn người mẫu, yêu cầu họ ngồi lên đùi thậm chí từng chạm vào đáy quần lót một số người đẹp trước khi lên biểu diễn.
4 người tiết lộ Ed Razek cho rằng Bella Hadid có vòng một hoàn hảo. Trong buổi tổng duyệt show diễn năm 2018, ông còn thắc mắc liệu nhà đài có cho phép chân dài 24 tuổi khoe ngực ngay trên sóng truyền hình.
Người mẫu Andi Muise thì tố cáo Ed Razek cưỡng ép cô hôn mình trong khi di chuyển tới nhà hàng để ăn tối hồi năm 2007. Ông ta còn liên tục gửi mail trong nhiều tháng, đề nghị Muise chuyển tới sống cùng mình hoặc tìm một căn nhà riêng ở Cộng hòa Dominicana. Thời điểm đó, Muise mới chỉ 19 tuổi. Khi Muise từ chối lời mời tới nhà riêng để ăn tối, cô bị loại khỏi show diễn thường niên của hãng. Đó là lần đầu tiên chân dài này không được chọn sau 4 năm liên tiếp sải bước trên sàn diễn Victoria s Secret.
Tháng 10.2019, Monica Mitro - một nhân viên cao cấp của hãng đã gửi đơn khiếu nại lên hội đồng quản trị, tố cáo Ed Razek quấy rối mình. L Brands lập tức cho Mitro nghỉ việc với một khoản tiền bồi thường theo thỏa thuận.
Một số người mẫu khác cho hay giám đốc điều hành của Victoria s Secret thường tiếp cận lúc họ thử nội y, xin số điện thoại và gạ gẫm đi ăn tối, du lịch. Casey Crowe Taylor - nhân viên quan hệ công chúng từng làm việc tại hãng - chia sẻ cô từng chứng kiến hành vi quấy rối của Ed Razek. Tuy nhiên, các người mẫu hiếm khi phản ứng lại. "Họ chỉ cười cho qua rồi coi như đó là một hành động bình thường. Bất kỳ ai có ý định làm gì đó thì không chỉ bị phớt lờ mà còn chịu cả sự trừng phạt", Taylor tiết lộ.
Trước những bê bối tình dục, đại diện của Ed Razek phủ nhận các cáo buộc với NY Times, cho rằng các thông tin tố cáo sai sự thật, xuyên tạc. Ông Ed Razek cũng lên tiếng bênh vực bản thân trước phóng sự điều tra của New York Times: “Những lời buộc tội trong bài điều tra đều không đúng sự thật, hoặc đã bị hiểu sai về ngữ nghĩa. Tôi may mắn được làm việc với rất nhiều người mẫu đẳng cấp thế giới và các chuyên gia tài năng trong lĩnh vực thời trang. Và chúng tôi tự hào đã dành cho nhau sự tôn trọng”.
Cuối năm 2018, Ed Razek từng vạ miệng tuyên bố Victoria s Secret sẽ không tuyển mẫu nội y là người chuyển giới và cũng không có ý định sản xuất đồ lót dành cho những người ngoại cỡ. Rất nhanh chóng, Ed Razek phải đăng đàn xin lỗi trên mạng xã hội vì phát ngôn "thiếu suy nghĩ" của mình. Nhưng những gì ông nhận lại không phải sự thông cảm, mà là lời chê bai vì khả năng quản lý thương hiệu yếu kém của mình. Ed cũng đã xin nghỉ việc tại L Brands từ tháng 8.2019.
Victoria s Secret là nhà bán lẻ nội y lớn nhất ở Mỹ và được thành lập bởi Roy Raymond vào năm 1977. Công ty chuyên bán nội y, quần áo phụ nữ và mỹ phẩm qua các bộ catalogue (sản xuất hơn 375 triệu bản mỗi năm), trang web và cửa hàng ở Mỹ.
Vài năm trở lại đây, thương hiệu Victoria s Secret liên tục vướng vào các lùm xùm liên quan đến thái độ coi thường phụ nữ. Những scandal liên tiếp cũng ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của hãng. Thương hiệu này đã sụt giảm mạnh về doanh số dẫn đến phải đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ. Năm 2018, 30 cửa hàng đã bị đóng cửa vì doanh thu yếu kém và tới tháng 11.2019, tập đoàn chủ quản L Brands thông báo ngừng sản xuất show diễn nội y thường niên do hiệu quả mang lại không đủ. Rating show diễn đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử vào năm 2018. Có nhiều thông tin cho rằng, Leslie Wexner đang tìm cách rao bán lại thương hiệu Victoria s Secret.
Đan Thuỳ