Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ 6 dự án cao tốc trọng điểm và đường dây 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cuối tháng 2 sẽ có nghị quyết gỡ khó cho đường dây 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc

Tuyết Nhung 20:09 17/02/2024

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoàn thành đúng tiến độ 6 dự án cao tốc trọng điểm và đường dây 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc.

Hôm nay (17.2), Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra tiến độ thi công đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3.

ok_pttgkiemtramach3172251.jpg
Tổng giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú báo cáo Phó thủ tướng về tiến độ thi công công trình - Ảnh: EVNEIC

Dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 519km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10.2023 và tháng 1.2024.

Đường dây này được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 6.2024, để tăng cung ứng điện cho miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ như cao điểm hè năm 2023.

Đến nay, tổng cộng đã thực hiện bàn giao mặt bằng được 1.114/1.180 (94%) vị trí móng cột. Toàn bộ dự án có 226 gói thầu, đến nay cơ bản đã được ký hợp đồng (chỉ còn 4 gói thầu đang tiến hành nốt thủ tục trong vài ngày tới). Riêng từ ngày 28.1 đến hết ngày 16.2 đã hoàn thành đúc móng thêm 38 vị trí, triển khai thi công thêm 421 vị trí móng; bàn giao thêm 733 vị trí móng cột.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình gồm 6 dự án thành phần. Trong đó, giai đoạn 2017-2020 có dự án Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đầu tư theo hình thức BOT, chiều dài 49,3km, với tổng mức đầu tư 13.339 tỉ đồng, thời gian thi công dự kiến 3 năm. Dự án này đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; giá trị sản lượng của các nhà thầu là 6.157/8.595 tỉ đồng, tương đương 72% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, tiến độ một số hạng mục chưa đáp ứng được yêu cầu, còn khoảng hơn 6km nền đường phải chờ lún trong khoảng tháng 4 - 9.2024 mới đủ thời gian dỡ tải, dự án có nguy cơ không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành 30.4.2024).

Còn giai đoạn 2021-2025, đầu tư đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) gồm 5 dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, đầu tư theo hình thức đầu tư công có tổng chiều dài 259km, tổng mức đầu tư hơn 49.207 tỉ đồng, triển khai thi công từ ngày 1.1.2023, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Với 5 dự án này, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 94% nhưng chỉ tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 210/226,6 km, đạt 93%. Tỉnh Hà Tĩnh có tỉ lệ mặt bằng bàn giao đủ điều kiện thi công cao, đạt 99%. Tỉnh Quảng Bình công tác bàn giao mặt bằng còn chậm, đạt 88%. Phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.

Ngay sau khi khởi công 5 dự án, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công. Đến nay các đơn vị đã huy động 2.118 máy móc thiết bị các loại, 5.137 nhân sự thi công, 114 nhân sự tư vấn giám sát và tổ chức 222 mũi thi công (123 mũi thi công cầu, 99 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến).

Đến nay, sản lượng thực hiện 5 dự án khoảng 8.329/30.410 tỉ đồng, đạt 27,4% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Một số dự án đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh có tiến độ triển khai tốt.

Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình (đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ) còn 2 đoạn đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 3,1km chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để thi công đường hoàn trả phục vụ thi công tuyến chính. Công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư (tại Quảng Bình), di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống điện cao thế (tại Hà Tĩnh) chậm so với tiến độ đề ra. Thời gian khai thác cát theo quy định từ 7 - 17 giờ hàng ngày do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thi công "3 ca, 4 kíp" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tính chung cả 6 dự án cao tốc trên, năm 2023 đã giải ngân được 47.199/47.881 tỉ đồng, đạt 99% kế hoạch giao.

Các dự án trong quá trình triển khai có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay đã lấy lại được tiến độ, đang tăng tốc, khối lượng công việc đã làm được là rất lớn.

Với khí thế trên công trường, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định các dự án có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiến độ rất gấp của các dự án.

Phó thủ tướng yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với các dự án cao tốc và đường dây 500kV mạch 3, theo đúng tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, vượt nắng, thắng mưa, làm việc 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên Tết", bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật các dự án, bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các địa phương chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn nơi triển khai dự án.

Về các vướng mắc liên quan tới đất rừng, Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành báo cáo của Chính phủ về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, trong đó có phần diện tích tăng thêm; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp sớm nhất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ xem xét, xử lý vướng mắc liên quan quy định tác động vào rừng để làm đường tạm thi công các dự án (sau khi làm xong dự án sẽ trả lại đất rừng), trước mắt trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này trong tuần cuối cùng của tháng 2.2024, sau đó tiếp tục trình sửa đổi ban hành Nghị định 156 và các quy định liên quan để giải quyết căn cơ.

Riêng với đường dây 500kV mạch 3, Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt để sớm tháo gỡ. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương hoàn thành bàn giao mặt bằng các vị trí móng trước 20.2, phần hành lang tuyến trước ngày 15.3.

0k_anhbsungbai_17022024.jpg
Phó thủ tướng động viên cán bộ công nhân viên trên công trường thi công vị trí 345 trên địa bàn huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - Ảnh: EVNEIC

Về khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để mở đường tạm, công trình tạm, Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các dự án. Tuy nhiên, trong khi chờ Nghị định 156 sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng nghị quyết về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các dự án ngay trong tháng 2.2024.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Chính phủ cam kết trong tuần cuối tháng 2 sẽ ban hành nghị quyết để giải quyết khó khăn về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để mở đường tạm, công trình tạm phục vụ công tác thi công".

Bài liên quan
Thủ tướng: 'Xuyên lễ xuyên Tết' để hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3
Chiều 27.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa để kiểm tra thi công và tặng quà động viên các lực lượng thi công dự án xây dựng đường dây 500 kV mạch 3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuối tháng 2 sẽ có nghị quyết gỡ khó cho đường dây 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc