Câu chuyện của cặp đôi đồng tính nữ đầu tiên trên thế giới bất chấp tất cả để được danh chính ngôn thuận kết hôn là hành trình của lòng dũng cảm, tình yêu thương và rất nhiều gian khổ.

Cuộc hôn nhân đồng tính nữ đầu tiên trong lịch sử

Theo TTT | 16/06/2019, 15:12

Câu chuyện của cặp đôi đồng tính nữ đầu tiên trên thế giới bất chấp tất cả để được danh chính ngôn thuận kết hôn là hành trình của lòng dũng cảm, tình yêu thương và rất nhiều gian khổ.

Trong lịch sử, đã có nhiều giai thoại lẫy lừng về những người phụ nữ cải trang thành đàn ông để chinh phục hoài bão của mình. Điển hình, vào thế kỷ XV, Joan of Arc đã khoác lên mình tấm áo nam nhân để có thể thống lĩnh quân đội nước Pháp. Hay Rena Kanokogi, người đã cải trang thành đàn ông để tham dự giải judo YMCA tại New York. Kanokogi đã xuất sắc hạ gục tất cả trai tráng tham gia cuộc thi nhưng sau đó lại bị buộc phải trả lại huy chương khi cơ quan chức năng phát hiện ra cô là phụ nữ.

Nhưng bạn đã bao giờ nghe về câu chuyện có một người phụ nữ đã cải trang thành nam vì... tình yêu chưa? Trường hợp hiếm hoi này là của cặp đôi đồng tính nữ can trường Elisa Sanchez Loriga và Marcela Gracia Ibea. Họ đã lừa cả nhà thờ chấp thuận cho lễ cưới của họ vào ngày 8 tháng 6 năm 1901. Thậm chí sau này khi bị phát hiện, chẳng ai có thể làm gì được họ. Câu chuyện của họ là một hành trình của lòng dũng cảm, tình yêu thương và rất nhiều gian khổ.

Vào giữa năm 1880, Marcela đang theo học sư phạm tại Coruña, Galicia, Tây Ban Nha thì gặp Elisa đang làm việc tại đây. Họ đã cảm mến và đem lòng yêu thương nhau từ những ngày đầu gặp mặt. Khi mọi người xung quanh nhận ra mối quan hệ của họ không chỉ đơn thuần là tình bạn, phụ huynh của Marcela đã buộc cô phải chuyển trường đến kinh đô Madrid. Gần một thập kỷ đã trôi qua cho đến khi Marcela hoàn tất việc học của mình và trở thành giáo viên tại một trường học tại Dumbría. Vào thời điểm này, Elisa đang dạy học tại ngôi làng Calo cạnh bên, chỉ cách Marcela 7 dặm. Trong suốt 2 năm, Elisa đã đi bộ mỗi đêm 7 dặm chỉ để gặp được tình yêu của đời mình, Marcela.

Marcela và Elisa sau lễ cưới

Quá mệt mỏi với việc lúc nào cũng phải che giấu mối quan hệ của mình, hai cô gái đã lên kế hoạch để có thể "đường đường chính chính" đến với nhau. Đó chính là kết hôn! Elisa cắt tóc ngắn, mặc đồ nam. Cô còn đổi tên thành Mario, tên một người anh họ đã mất do đắm tàu.

Elisa, giờ đây là Mario Sanchez, đã đến gặp cha Cortiella, linh mục tại San Jorge, để hỏi xin làm lễ rửa tội. Mario kể với cha xứ rằng mình sinh ra tại London với một người cha vô thần nên lúc sinh ra mình chẳng được làm lễ rửa tội. Cha xứ đã không nghi ngờ điều gì cả, và lễ rửa tội cho "anh chàng" Mario Sanchez đến từ London đã được diễn ra vào ngày 26 tháng 5 năm 1901.

Khoảng 2 tuần sau, cha Cortiella đã làm lễ kết hôn cho Mario và Marcela. Vào thời điểm này, Marcela đã có thai được vài tháng. Rất ít người biết điều này, một số khác cho rằng đây nằm trong kế hoạch đã được cặp đôi sắp xếp từ trước để "xác nhận" mối quan hệ của họ. Tuy nhiên, ngày cây kim trong bọc lòi ra chẳng xa lắm. Những người hàng xóm đã tố cáo họ lên các cơ quan truyền thông. Câu chuyện của đôi "vợ chồng" trẻ đã lan rộng khắp các mặt báo từ Tây Ban Nha đến Pháp, Bỉ và Argentina...

Tin tức lan nhanh đã tạo ra rất nhiều áp lực cho Marcela và Elisa. Họ phải chuyển đến Porto, Bồ Đào Nha. Tại đây, Marcela đã hạ sinh một bé gái. Elisa đổi tên thành Pepe. Cặp đôi cố gắng sống thật kín tiếng do lo sợ chính quyền Tây Ban Nha sẽ truy cứu đến cùng vụ việc này. Cuộc sống ẩn dật của họ tại đây chẳng kéo dài được bao lâu khi vào ngày 18/8/1901, họ đã bị chính quyền Bồ Đào Nha bắt giữ. Chính quyền sở tại đồng ý dẫn độ họ về lại Tây Ban Nha sau khi xét xử. Họ bị đưa ra xét xử nhưng không phạm tội gì tại Bồ Đào Nha. Trước khi bị dẫn độ về lại quê nhà, họ đã kịp bỏ trốn sang Argentina.

Tại thủ đô Buenos Aires, Argentina, cặp đôi lại đổi tên một lần nữa - Marcela giờ là Carmen, còn Elisa là Maria. Họ tìm được công việc phục vụ tại một công xưởng nhỏ nhưng sau đó họ đã lên một kế hoạch mới cho cuộc sống của cả hai. Elisa đã lấy một người đàn ông lớn hơn cô 20 tuổi tên Christian Jensen. Sau hôn lễ, Maria mời "em gái" mình là Carmen và cháu gái đến ở cùng. Ông chồng Christian sớm trở nên nghi ngờ khi Maria thường xuyên từ chối "bổn phận" làm vợ của cô khi được đòi hỏi. Tin đồn ngày một nhiều thêm, Christian quyết định điều tra và phát hiện ra rằng cô em vợ kia thật ra lại là "vợ cũ" của vợ mình.

Đến năm 1904, Elisa lại bị đưa ra tòa. Nhưng vì cuộc hôn nhân của cô và Jensen hoàn toàn hợp pháp bởi nó diễn ra giữa một người đàn ông và một người phụ nữ, nên chả có mức án nào được đưa ra cho Elisa. Sau phiên xử này, những dấu vết lùm xùm về kế hoạch kết hôn ngày xưa giữa Marcela và Elisa cũng nguội lạnh dần và chìm vào quên lãng. Đến năm 1909, báo chí Mexico đưa tin Elisa đã tự sát tại Veracruz, đến nay tin này vẫn chưa được xác thực.

Theo hồ sơ lưu trữ của Tổng Giáo Phận, chứng nhận kết hôn của cặp đôi đồng tính nữ này chưa từng bị hủy bởi nhà thờ hay cục đăng ký dân sự. Marcela và Elisa được xem như là những ngọn cờ đầu của cả hai phong trào: nữ quyền và kết hôn đồng giới tại đất nước Tây Ban Nha. Đến nay, những gì đã xảy ra với cuộc đời họ vẫn còn chìm trong màn sương bí ẩn. Tuy vậy, tinh thần của họ về sự thủy chung, lòng can đảm và tình yêu thương mãnh liệt sẽ mãi mãi trường tồn.

Theo Tri Thức Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc hôn nhân đồng tính nữ đầu tiên trong lịch sử