Sáng nay 15.11 tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội thảo được xem là chưa từng có về môn lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Cuộc hội thảo chưa từng có về môn lịch sử

Một Thế Giới | 15/11/2015, 17:13

Sáng nay 15.11 tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội thảo được xem là chưa từng có về môn lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông.

Hội thảo có tên “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” đã diễn ra theo cách mà, như PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó ban Tuyên giáo T.Ư, nhận xét “Tôi từng điều hành nhiều hội thảo, nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này”.

Cuoc hoi thao chua tung co ve mon lich su
GS Phan Huy Lê: "Chia nhỏ và đem một ít kiến thức lịch sử nhập vào các môn, dù cho có tăng số giờ dạy lên vẫn là xóa bỏ tính hệ thống và cơ sở khoa học cùng vai trò giáo dục sâu sắc, toàn diện của môn lịch sử" (Ảnh Vương Anh)

Cuộc tranh luận giữa một bên là Bộ GD-ĐT với một bên là các nhà khoa học, các giáo viên lịch sử, đã diễn ra từ khi dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố cách đây hơn 3 tháng, và cho đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được mời đến dự hội thảo này, nhưng ông Luận gửi lời xin lỗi không thể tham dự vì có buổi làm việc với Thủ tướng New Zealand.

Được mời phát biểu đầu tiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đề nghị hội thảo tập trung vào vấn đề đổi mới như thế nào cho hiệu quả nhất hơn là nói về vai trò vị trí của môn lịch sử. “Làm tốt được điều này, môn lịch sử sẽ xứng tầm với vị trí vốn có”, ông Hiển bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, ý kiến của ông Hiển không được các đại biểu dự hội thảo hưởng ứng.

Hơn một chục đại biểu có bài tham luận sau đó đều tập trong vào việc khẳng định cần đưa lịch sử là một môn học độc lập và bắt buộc trong chương trình phổ thông.

GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Giaó dục có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn sử hoặc loại bỏ môn sử. Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của môn sử và một vài môn khác bị đẩy lùi dần thành môn phụ trên thực tế và đến nay, nó mất tên chính danh trong chương trình Trung học cơ sở dưới cái vỏ “Công dân và Tổ quốc”. Nó bị lẫn vào môn khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban khoa học xã hội. Có nghĩa rằng lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình”.

PGS- TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Trường đại học KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi: “Lịch sử là một bộ môn khoa học. Giáo dục lịch sử phải là giáo dục tri thức khoa học. Thế nhưng một cán bộ có trách nhiệm xây dựng dự thảo chương trình cho rằng “môn lịch sử không thể biến thành khoa học lịch sử (đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu)”. Quả là một nhận thức mơ hồ, lệch lạc. Nếu như giáo dục lịch sử không phải là giáo dục những tri thức khoa học thì giáo dục cái gì?”.

GS-TS Đỗ Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề xuất: “Chúng tôi nghĩ rằng có những vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới xã hội. Trước hết chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm teo môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay. Chương trình vừa mới “thai nghén”đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết, trái chiều, liệu khi hoàn thành, đưa vào thực tiễn “tuổi thọ”của nó có được lâu, bởi giáo dục không thể là nơi thí nghiệm”...

Tranh luận gay gắt

Cuộc hội thảo thật sự nóng khi bước vào phần tranh luận.

Hai nhân vật đầu tiên phát biểu tranh luận là TS Tạ Ngọc Trí và GS Đinh Quang Báo, cùng là thành viên bộ phận thường trực Đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.

Cuoc hoi thao chua tung co ve mon lich su
GS Bùi Đình Thanh dù tuổi rất cao vẫn đến dự hội thảo (Ảnh: Vương Anh)

Ông Trí đưa ra ý kiến với góc độ người nghiên cứu giáo dục và có trách nhiệm với thế hệ trẻ, theo ông thì “môn lịch sử không mất đi mà nằm trong một lĩnh vực học tập, cụ thể là lĩnh vực khoa học xã hội. Ví dụ tất cả các kiến thức khoa học của lịch sử đi từ 1 đến 100, thì chương trình sắp xếp một cách logic để cho trẻ học, sau đó bố trí vào các cấp, bậc học khác nhau. Đó chỉ là cách sắp xếp, do cách yêu cầu mới”.

GS Đinh Quang Báo thì chia sẻ: “Tôi không nghĩ môn lịch sử phải độc lập mới giáo dục được. Tại sao những môn khác thì tích hợp được mà lịch sử lại không? Tích hợp không có nghĩa là làm mất đi môn học mà tạo ra logic mới, chỉnh thể mới, giá trị mới. Bản thân tôi thấy môn sinh học (lĩnh vực chuyên môn của ông Báo - PV) khi tích hợp với các môn khác như hóa, thấy tốt hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên, nhiều phát biểu trực tiếp vẫn là những lời lẽ khá nặng nề về dự thảo Chương trình của bộ.

Vị GS 92 tuổi Bùi Đình Thanh, khi nghe tin có hội thảo này đã nhất định đề nghị con cháu đưa đến dự. Theo vị GS già, “tư tưởng của tôi có thể bảo thủ chăng, đồng ý hay không là quyền của các vị”, nhưng “môn lịch sử đã được khẳng định là môn khoa học thì phải đối xử với nó như là một môn khoa học”.

Phản ứng của giáo viên

Có lẽ rất hiếm có cuộc hội thảo nào mà giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lại thẳng thắn bày tỏ ý kiến phản đối lãnh đạo Bộ như cuộc hội thảo này.

Không đưa ra nhiều lý luận như các nhà nghiên cứu, những thầy cô đứng lớp có những lý lẽ giản dị và trực tiếp hơn từ thực tế dạy học.

Ông Đỗ Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) phát biểu “thay mặt giáo viên môn lịch sử phổ thông trên toàn quốc”. Ông Hiếu cho biết không tán thành lời dẫn và cách đặt vấn đề của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. "Cuộc hội thảo này là về việc lịch sử có phải là môn bắt buộc không chứ không phải dạy như thế nào, học ra sao”.

Theo ông Hiếu, suốt 3 tháng qua, từ khi Bộ công bố dự thảo Chương trình, “chúng tôi đã ăn ngủ không yên, nhiều giáo viên bức xúc. Giáo viên lịch sử phản ứng dữ dội bằng nhiều cách. Nhiều giáo viên buồn bã, thất vọng, chán chường, nhiều người buông xuôi".

“Giáo viên lịch sử trên toàn quốc cho biết không thể dạy tích hợp môn lịch sử”, đây là kết quả tham vấn từ hơn 500 giáo viên lịch sử trên cả nước, ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng bày tỏ sự hoài nghi trước tuyên bố Bộ đã lấy ý kiến của các thành phần về chương trình mới, đề nghị Bộ phải tham vấn rộng rãi giáo viên phổ thông trên toàn quốc.

Cô Nguyễn Thị Minh Hải, giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc thì cho hay hơn 20 năm đi dạy cô chưa từng thấy học sinh quay lưng với môn sử, nhưng các em không học để đi thi là sự thực vì hiện nay có quá ít trường tuyển sinh khối C.

So sánh việc để lịch sử là môn tự chọn, cô Hải đưa ra ví dụ giống như “nếu hỏi trẻ con ăn bim bim hay ăn cơm, chơi điện tử đọc truyện tranh hay học, thì câu trả lời như thế nào đã biết”…

Cuoc hoi thao chua tung co ve mon lich su

Cô Nguyễn Thị Minh Hải: "Học sinh không quay lưng với môn sử, nhưng các em không học sử bởi quá ít trường tuyển sinh khối C" (Ảnh: Vương Anh)

Bộ có những cái bị oan

Sau hàng chục ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tiếp tục đăng đàn. Ông Hiển nói "tôi thấy Bộ có những cái bị oan”.

Theo ông Hiển, vì nhiều đại biểu chưa nghiên cứu kỹ tài liệu nên nói oan cho Bộ. Ông Hiển cho rằng mọi người cần đọc lại tài liệu sẽ thấy không có chuyện khai tử môn lịch sử. Ông Hiển cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng môn lịch sử độc lập thì phải là môn bắt buộc, hay bắt buộc học lịch sử thì phải xem là môn độc lập.

Cũng theo ông Hiển, môn lịch sử không phải là môn công cụ giống như toán, tiếng Việt và ngoại ngữ. “Nếu đổi mới phải có tiền lệ thì có gọi là đổi mới nữa không? Nếu không có bước bắt đầu chập chững sẽ không có sự thành thạo. Phải chuẩn bị từng bước một cho hài hòa và tiến bộ dần lên”.

“Bộ rất chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc chứ không phải tiếp thu tất cả”, ông Hiển nhấn mạnh và đề nghị “cùng suy nghĩ lại”.

Sau phát biểu này của ông Hiển, TS Tưởng Phi Ngọ (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng “mấu chốt của tranh luận nằm ở chỗ chưa có sự thống nhất giữa lãnh đạo Bộ và các nhà khoa học về vai trò của môn lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông, cụ thể là môn lịch sử quan trọng ở khía cạnh nào, quan trọng đến đâu… Phải thống nhất lại rồi sẽ xếp lịch sử vào vị trí xứng đáng”.

Kết luận hội thảo, GS Phan Huy Lê khẳng định “dù Bộ GD-ĐT đã có giải trình nhưng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam không thay đổi quan điểm. Sẽ có một số vấn đề Hội kiến nghị lên cấp cao nhất”. 
Ngân Anh/VNN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc hội thảo chưa từng có về môn lịch sử