Một cuộc chạy đua toàn cầu trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin coronavirus đang được tiến hành. Mỹ và Trung Quốc đều muốn tìm ra vắc-xin đầu tiên. Những lo ngại về chủ nghĩa dân tộc đang xuất hiện.

Cuộc đua tìm kiếm vắc-xin có màu sắc chạy đua vũ trang

20/03/2020, 19:52

Một cuộc chạy đua toàn cầu trong nỗ lực tìm kiếm vắc-xin coronavirus đang được tiến hành. Mỹ và Trung Quốc đều muốn tìm ra vắc-xin đầu tiên. Những lo ngại về chủ nghĩa dân tộc đang xuất hiện.

Phuong-Danh Tran - một nhà nghiên cứu gốc Việt đang cùng đồng nghiệp tìm vắc xin

Sau ba tháng kể từ khi virus chết người bắt đầu lây lan, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ đã bắt đầu chạy nước rút để trở thành nơi đầu tiên sản xuất ra vắc-xin. Nhưng trong khi có sự hợp tác ở nhiều cấp độ - bao gồm cả các công ty là đối thủ cạnh tranh khốc liệt – thì sự hợp tác vẫn bị phủ bóng bởi chủ nghĩa dân tộc vì người chiến thắng có cơ hội cứu giúp người dân của mình trước và có khả năng chiếm thế thượng phong trong việc đối phó sự sụp đổ kinh tế cũng như giành lợi thế địa chiến lược từ cuộc khủng hoảng.

Câu hỏi về việc ai sẽ nhận được các giải thưởng khoa học, bằng sáng chế và cuối cùng là doanh thu từ một loại vắc-xin thành công đột nhiên trở thành một vấn đề đáng quan tâm hơn về an ninh quốc gia cấp bách. Và đằng sau cuộc tranh giành là một thực tế phũ phàng: Bất kỳ loại vắc-xin mới nào chứng minh được khả năng chống lại coronavirus - các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu - chắc chắn sẽ bị thiếu hụt khi các chính phủ sẽ ưu tiên người dân của họ được sử dụng đầu tiên.

Ở Trung Quốc, 1.000 nhà khoa học đang nghiên cứu vắc-xin và vấn đề đã được quân sự hóa: Các nhà nghiên cứu liên kết với Viện Hàn lâm Khoa học Quân y để tuyển các tình nguyện viên cho các thử nghiệm lâm sàng.

"Trung Quốc sẽ không chậm chân hơn các nước khác", ông Wang Junzhi - Chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ ba.

Những nỗ lực tìm thuốc thậm chí đã đưa vào ấn phẩm tuyên truyền. Vừa rồi, một bức ảnh được lưu hành rộng rãi chụp Chen Wei, một nhà virus học thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân, đã bị phơi bày là giả. Ảnh thể hiện Chen được tiêm một loại vắc-xin với quảng cáo là vắc-xin đầu tiên chống COVID-19 nhưng thực tế đó là tấm ảnh chụp từ khá lâu.

Còn Tổng thống Donald Trump đã khăng khăng với giám đốc điều hành các công ty dược phẩm về việc cần sản xuất vắc-xin trên đất Mỹ, để đảm bảo Mỹ kiểm soát được nguồn cung của mình. Các quan chức chính phủ Đức cho biết họ có tin rằng ông Trump đã cố gắng lôi kéo một công ty của Đức, CureVac sang Mỹ thực hiện nghiên cứu và sản xuất

CureVac đã từ chối việc trên, nhưng nhà đầu tư chính của CureVac thừa nhận có một số tiếp cận kiểu trên. Khi được hỏi bởi tạp chí Sport 1 của Đức về chuyện liên lạc với ông Trump thì Dietmar Hopp, người sở hữu 80% công ty CureVac, cho biết: "Cá nhân tôi đã nói chuyện với ông Trump. Ông ấy đã nói chuyện với công ty và họ ngay lập tức nói với tôi về điều đó và hỏi tôi suy tính thế nào?".

Trước cách tiếp cận của Mỹ, Ủy ban châu Âu tỏ ra lo lắng và họ lập tức hành động bằng cam kết tài trợ thêm 85 triệu USD cho CureVac dù công ty vốn đã có sự hỗ trợ từ một tập đoàn vắc-xin châu Âu.

Cùng ngày, một công ty Trung Quốc đã chi 133,3 triệu USD mua cổ phần và một công ty Đức khác trong cuộc đua vắc-xin, BioNTech cũng muốn có phần ở CureVac.

Và giống như các quốc gia đã quyết tâm chế tạo máy bay không người lái của riêng họ, máy bay chiến đấu tàng hình của riêng họ và vũ khí mạng của riêng họ, các quốc gia không muốn để một thế lực nước ngoài truy cập vào các loại thuốc mà nhân loại đang khao khát trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Một số chuyên gia xem cuộc cạnh tranh địa chính trị trên mặt trận tìm thuốc là lành mạnh, miễn là mọi thành công được chia sẻ với thế giới - điều mà các chính phủ ngoài miệng thường đảm bảo sẽ thực hiện. Nhưng họ không nói làm thế nào, hoặc quan trọng hơn là khi nào.

Và nhiều nhà phân tích nhớ lại những gì đã xảy ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009, khi một công ty ở Úc là một trong những công ty đầu tiên phát triển được vắc-xin một liều, thì họ nhận được yêu cầu cần đáp ứng nhu cầu tại Úc trước khi hoàn thành đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nơi khác (dù Mỹ và Úc là đồng minh rất thân thiết). Điều đó đã gây ra sự phẫn nộ, thuyết âm mưu và các phiên điều trần của quốc hội xoay quanh những lý do cho sự thiếu hụt thuốc ở Mỹ.

Tiến sĩ Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins cho biết, bạn muốn mọi người hợp tác, mọi người ganh đua nhau nhanh nhất có thể. Nhưng nếu những người khi có dấu hiệu thành công sẽ tự hỏi liệu công ty của họ sẽ bị quốc hữu hóa hay không. Suy nghĩ đó tạo ra một sự lấn cấn không mong muốn có khi bạn đang nỗ lực tìm vắc-xin càng nhanh càng tốt.

Hôm thứ năm, giám đốc điều hành của các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới cho biết họ đã làm việc cùng nhau và với các chính phủ để đảm bảo rằng vắc-xin được phát triển nhanh nhất có thể và được phân phối một cách công bằng. Nhưng họ cũng kêu gọi các chính phủ không tích trữ vắc-xin một khi nó được phát triển vì làm như vậy sẽ huỷ hoại mục tiêu to lớn chung là dập tắt đại dịch coronavirus.

"Tôi sẽ khuyến khích mọi người đừng mắc vào cái bẫy này khi nói rằng chúng ta phải đưa mọi thành quả về đất nước của mình ngay lập tức và đóng cửa biên giới", ông Severin Schwan, Giám đốc điều hành của công ty dược phẩm Roche của Thụy Sĩ nói. "Sẽ là hoàn toàn sai lầm khi rơi vào hành vi theo chủ nghĩa dân tộc, nó thực sự sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng và gây bất lợi cho mọi người trên khắp thế giới".

Thêm vào áp lực từ ông Trump khi hằng ngày ra tuyên bố rằng những đột phá đang diễn ra. Mặc dù các loại thuốc kháng vi-rút để điều trị ảnh hưởng của coronavirus có thể được đốt cháy giai đoạn để thử nghiệm trên người, nhưng một loại vắc-xin vẫn cần ít nhất 12 đến 18 tháng để đi từ phòng nghiên cứu ra thị trường.

Nhưng điều đáng sợ là sự cấp bách để đưa ra một loại vắc-xin có thể sử dụng như quân bài ngoại giao. Đã có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tận dụng thời điểm này để tạo lợi thế địa chính trị, cung cấp trợ giúp cho các quốc gia mà trước đây đã từng ngả sang châu Âu hoặc Mỹ. Điều đó khiến Mỹ lo lắng.

Phát biểu trong buổi hội thảo hôm thứ năm, các giám đốc điều hành của 5 công ty dược phẩm lớn nhất cho biết họ đang nỗ lực để tăng khả năng sản xuất của ngành công nghiệp bằng cách chia sẻ năng lực sẵn có để đẩy mạnh sản xuất sau khi đã xác định được vắc-xin hoặc thuốc kháng vi-rút thành công. Họ cho biết có nhiều chương trình đang thử nghiệm để tăng cơ hội thành công và ngay sau khi được cấp phép thì sự hợp tác cho phép tăng quy mô sản xuất nhanh chóng.

"Sau khi vắc-xin được phê duyệt, chúng tôi cần tiêm vắc-xin cho hàng tỷ người trên khắp thế giới, vì vậy chúng tôi đang xem xét các địa điểm và cách thức sản xuất", ông David Loew, phó chủ tịch điều hành của Sanofi Pasteur của Pháp nói. "Nhưng các chính phủ mới quyết định đâu là vắc-xin được phê duyệt và nơi có thể bán".

"Nếu các chính phủ cố gắng khóa chặt nguồn cung ứng để dùng cho nước mình trước thì việc đưa vắc-xin đến những nơi khác sẽ trở nên khó khăn", ông Seth Berkley - Giám đốc điều hành của GAVI, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp vắc-xin cho các nước đang phát triển, nhận xét.

Lo ngại viễn cảnh đó, một số chính phủ châu Âu và các nhóm phi lợi nhuận đã thực hiện các bước để ngăn chặn Mỹ hoặc Trung Quốc nắm giữ độc quyền về vắc-xin tiềm năng chống lại coronavirus.

Sau hậu quả của bệnh dịch Ebola bùng phát khắp Tây Phi từ 2014 đến 2016, Na Uy, Anh và các nước khác chủ yếu ở châu Âu cũng như Quỹ Bill & Melinda Gates đã bắt đầu đóng góp hàng triệu USD cho một tổ chức đa quốc gia, Liên minh Sáng kiến ​​phòng chống dịch bệnh để tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin.

Trong hai tháng qua, liên minh đã tài trợ nghiên cứu cho tám trong số những ứng cử viên triển vọng nhất để nghiên cứu vắc-xin ngăn chặn coronavirus - gồm cả CureVac, công ty vừa bị ông Trump lôi kéo.

Anh Tú (theo The New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc đua tìm kiếm vắc-xin có màu sắc chạy đua vũ trang