Cuộc chiến tại Ukraine thúc đẩy Bộ Quốc phòng của quốc gia này xích lại gần NATO hơn.

Cuộc chiến tại Ukraine khiến Thụy Sĩ xích lại gần NATO

Cẩm Bình | 17/05/2022, 15:45

Cuộc chiến tại Ukraine thúc đẩy Bộ Quốc phòng của quốc gia này xích lại gần NATO hơn.

Quan chức Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ Paelvi Pulli cho biết, họ đang lập một báo cáo về các lựa chọn an ninh, trong đó có tập trận chung cùng thành viên NATO, cung cấp khí tài, tổ chức nhiều chuyến thăm cấp cao thường xuyên giữa giới chức quân sự và chính trị hai bên.

Bà Pulli chia sẻ trong một buổi phỏng vấn tuần trước: “Sau cùng thì cách nhìn nhận vị thế trung lập có thể có thay đổi”. Theo nữ quan chức, vị thế trung lập không phải mục tiêu mà chỉ là cách thức nhằm tăng cường an ninh cho đất nước.

Truyền thông Thụy Sĩ cũng đưa tin khi công du Washington tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Viola Amherd cũng khẳng định Thụy Sĩ hợp tác chặt chẽ hơn với NATO.

swi.jpg
Vị thế trung lập của Thụy Sĩ đứng trước thử thách lớn - Ảnh: Foreign Policy

Xích lại gần NATO sẽ đánh dấu sự rời bỏ truyền thống trung lập vốn giúp Thụy Sĩ thịnh vượng một cách hòa bình và duy trì vai trò trung gian đặc biệt – kể cả trong thời kỳ phương Tây đối đầu Liên Xô.

Bà Pulli cho biết ý tưởng xin gia nhập NATO như Phần Lan và Thụy Điển gần đây từng được bàn đến, nhưng báo cáo của Bộ Quốc phòng không khuyến nghị làm vậy. Báo cáo dự kiến hoàn thành vào tháng 9 rồi được chuyển sang nội các xem xét, sau đó đệ trình lên quốc hội làm cơ sở cho định hướng chính sách an ninh tương lai.

Bộ Quốc phòng cũng hợp tác cùng Bộ Ngoại giao thực hiện một nghiên cứu xem xét khả năng áp dụng trừng phạt, xuất khẩu vũ khí và đạn dược, xây dựng mối quan hệ với NATO với tư cách quốc gia trung lập.

Vị thế trung lập được đưa vào hiến pháp Thụy Sĩ, trao cho nước này quyền tự vệ và quy định phạm vi giải thích các khía cạnh chính trị liên quan. Nó được cập nhật vào đầu những năm 1990 – lúc Liên Xô tan rã, cho phép Thụy Sĩ triển khai chính sách đối ngoại dựa trên hợp tác với quốc gia khác ở lĩnh vực như viện trợ nhân đạo hay cứu trợ thảm họa.

Cuộc chiến tại Ukraine làm sống lại cuộc tranh luận về vị thế trung lập, với trọng tâm là quyết định trừng phạt Nga nhưng không cung cấp khí tài cho Ukraine của chính phủ Thụy Sĩ. Bà Pulli cho biết Thụy Sĩ băn khoăn khi không thể giúp đỡ Ukraine nhiều hơn.

Theo bà Pulli, cung cấp khí tài gián tiếp (cho số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine) có thể là biện pháp tiềm năng khi chính sách thay đổi. Cung cấp trực tiếp còn quá xa vời.

Thụy Sĩ đã xây dựng được mối quan hệ khá tốt với NATO. Năm ngoái, nước này quyết định mua tiêm kích F-35A từ tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) – chiến đấu cơ nhiều thành viên NATO đang sử dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến tại Ukraine khiến Thụy Sĩ xích lại gần NATO