Các quy định được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra trong dự thảo thông tư mới để thay thế cho Thông tư 20 đầy tranh cãi trong việc nhập khẩu xe ô tô cũng đang phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự như văn bản tiền nhiệm, khi khá nhiều ý kiến cho rằng nó chỉ là một Thông tư 20 khác do những ràng buộc mới về bản chất cũng giống với yêu cầu giấy ủy quyền chính hãng trước đó.

Cuộc chiến nhập khẩu ô tô hậu Thông tư 20: Vẫn chưa ngã ngũ?

Nhàn Đàm | 24/08/2016, 14:13

Các quy định được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra trong dự thảo thông tư mới để thay thế cho Thông tư 20 đầy tranh cãi trong việc nhập khẩu xe ô tô cũng đang phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự như văn bản tiền nhiệm, khi khá nhiều ý kiến cho rằng nó chỉ là một Thông tư 20 khác do những ràng buộc mới về bản chất cũng giống với yêu cầu giấy ủy quyền chính hãng trước đó.

Những tưởng tranh cãi về Thông tư 20 đầy tai tiếng được Bộ Công thương ban hành năm 2011 đã kết thúc, khi trong báo cáo chính thức gửi Thủ tướng, Bộ này đề xuất bỏ Thông tư 20 và thay bằng một thông tư khác do BộGTVTchủ trì có chức năng tương tự để đảm bảo chất lượng xe ô tô nhập khẩu có lợi cho người tiêu dùng.

Trong dự thảo thông tư mới được Bộ GTVT đưa ra cũng không còn giữ quy định về điều kiện nhập khẩu phải có giấy ủy quyền chính hãng vốn là nút thắt bị các doanh nghiệp nhập khẩu phản đối nhiều nhất, tuy nhiên lại bổ sung thêm một quy định mới trong hồ sơ để làm thủ tục kiểm tra khi nhập xe, đó là phải có “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu”, hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.

Tuy nhiên, ngay lập tức đã xuất hiện những tranh luận về vai trò và tác dụng của quy định mới này trong việc nhập khẩu xe ô tô, cả tích cực lẫn tiêu cực. Có vẻ như, cuộc chiến nhập khẩu ô tô hậu Thông tư 20 sẽ còn lâu nữa mới ngã ngũ.

Sự khác biệt trong dự thảo thông tư mới được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến so với Thông tư 20 đầy tranh cãi trước đây là khá rõ ràng. Trước hết, nó loại bỏ quy định bị phản đối nhiều nhất của Thông tư 20 là phải có giấy ủy quyền chính hãng, vốn bị coi là một điều kiện kinh doanh và trực tiếp tạo ra tình trạng độc quyền trong lĩnh vực nhập ô tô ở Việt Nam. Thay vào đó, dự thảo thông tư của Bộ GTVT đưa vào quy định mới, đó là phải có “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.

Có vẻ như đây được xem là hai loại giấy tờ cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô, đáp ứng được đòi hỏi của cả hai bên trong cuộc tranh luận này là Bộ Công thương và các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô không chính hãng. Đó là, Bộ Công thương yêu cầu phải có sự kiểm tra đảm bảo về chất lượng đối với ô tô nhập khẩu để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng (và là một trong những mục tiêu mà Thông tư 20 nhắm đến khi yêu cầu phải có giấy ủy quyền chính hãng), còn các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng thừa nhận việc kiểm soát chất lượng sản phẩm nhập khẩu là điều cần thiết để tránh tình trạng nhập xe quá cũ không đảm bảo chất lượng hoặc tình trạng gian lận.

Tuy nhiên, quy định mới trong dự thảo thông tư của Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến đã làm phát sinh những đánh giá khá đa chiều, trong đó không phải đánh giá nào cũng đồng tình với quy định mới này. Theo một số nhà nhập khẩu xethì đối với các xe nhập khẩu thông thường hiện nay, muốn đưa vào lưu hành cũng phải có các loại giấy trên thì mới đăng ký xe hợp pháp được. Nói cách khác, là hai loại giấy tờ mới mà Bộ GTVT yêu cầu nhà nhập khẩu phải có ít nhất một thứ, không phải là một điều kiện kinh doanh ràng buộc và làm khó đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Nhưng, khá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô khác lại cho rằng, quy định mới này cũng sẽ làm khó cho nhập khẩu ô tô không thua kém gì yêu cầu giấy ủy quyền chính hãng của Thông tư 20 trước đây. Cụ thể, theo các doanh nghiệp này, thì rất khó để các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô không chính hãng có được những loạigiấy tờ này. Vì giấy này chỉ những nhà phân phối chính thức hoặc công ty con của nhà sản xuất tại Việt Nam mới có được. Trong khi đó, các doanh nghiệp không chính hãng thường nhập xe từ các đại lý thứ cấp hoặc từ nước thứ ba thì sẽ không thể kiếm được các loại giấy tờ này. Và đồng thời cũng không thể yêu cầu các đại lý thứ cấp lo những giấy tờ này cho doanh nghiệp Việt Nam được, đồng nghĩa với việc không thể tiến hành thủ tục nhập khẩu xe vào thị trường Việt Nam.

Có thể thấy, vẫn chưa thể xác định một cách chính thức rằng các quy định mới được đưa ra trong dự thảo thông tư của Bộ GTVT có sự khác biệt thực sự với Thông tư 20 trong việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp và gây ra tình trạng độc quyền trong lĩnh vực nhập khẩu xe ô tô hay không. Nếu hai loại giấy tờ mà Bộ GTVT yêu cầu các nhà nhập khẩu ô tô phải có một trong hai loại không cản trở việc nhập khẩu như giấy ủy quyền chính hãng, thì thông tư mới này đã giải quyết được nút thắt về điều kiện kinh doanh mà Thông tư 20 đã phạm phải. Còn nếu hai loại giấy tờ mới này có chức năng cũng tương tự như giấy ủy quyền chính hãng, thì dự thảo thông tư mới này của Bộ GTVT cũng chỉ là một sự lặp lại của Thông tư 20theo một hình thức mới.

Còn nếu tạm thời bỏ qua các yếu tố mang tính kỹ thuật của các loại giấy tờ chứng nhận trong câu chuyện này, thì có thể nhận thấy dự thảo thông tư mới của Bộ GTVT cũng có một số điểm có vẻ như chưa hợp lý tương tự như Thông tư 20 về kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu. Quan điểm của Bộ Công thương khi đề xuất giữ lại Thông tư 20 là để đảm bảo chất lượng xe nhập khẩu và qua đó đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, vì nhập ô tô chính hãng ngoài việc đảm bảo chất lượng hơn so với nhập từ bên thứ ba hoặc các đại lý thứ cấp, thì còn vì ô tô chính hãng được chăm sóc và bảo dưỡng bởi hệ thống chính hãng, còn xe nhập khẩu không chính hãng thì không thể có được sự đảm bảo đó.Vấn đề bị khá nhiều ý kiến phản đối ở đây là, không thể khẳng định các xe ô tô nhập không chính hãng và không được bảo dưỡng ở các cơ sở chính hãng là không an toàn đối với người tiêu dùng.

Điều tương tự dường như cũng đang lặp lại với các quy định mới trong dự thảo thông tư của Bộ GTVT vớihai loại giấy tờ mà Bộ GTVT yêu cầu nhà nhập khẩu phải có ít nhất một trong hai.Trước hết, khi một hãng sản xuất cho phép một mẫu xe xuất xưởng và lưu hành trên thị trường đồng nghĩa với việc nó đảm bảo chất lượng và an toàn, nếu có vấn đề đối với một mẫu xe (và thường đi kèm với cả một dòng xe) thì nhà sản xuất đó đã thông báo thu hồi hàng loạt để sửa chữa, còn khi chưa có thông báo thu hồi thì mặc định là mẫu xe đó đảm bảo chất lượng, miễn là các thông số kỹ thuật của xe đảm bảo đúng với nguyên trạng sản xuất.

Để đảm bảo chất lượng của xe nhập khẩu không chính hãng, vì thế theo lý thuyết chỉ cần bản khai thông số kỹ thuật xe với các thông số do nhà sản xuất quy định là đủ, để tránh tình trạng xe đã bị chỉnh sửa. Và trong thủ tục nhập khẩu ô tô hiện nay của Việt Nam thì cũng đã yêu cầu phải có bản khai thông số kỹ thuật xe rồi. Rõ ràng, nếu thông số kỹ thuật xe là đảm bảo nguyên trạng sản xuất, thì hai loại giấy tờ mà Bộ GTVT yêu cầu là không thực sự cần thiết, bất kể là nó có giống hay khác với giấy ủy quyền chính hãng mà Thông tư 20 yêu cầu.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến nhập khẩu ô tô hậu Thông tư 20: Vẫn chưa ngã ngũ?