“Từ hồi lắp máy phát tiếng chim cú mèo, chim heo thì phân chim yến trên mái nhà giảm đến hơn 90%, nên tui cương quyết không tháo bỏ máy phát”, ông Văn Tuấn nói.

Cuộc chiến giữa tiếng chim yến và chim cú giữa khu dân cư

Hùng Anh | 13/03/2018, 08:25

“Từ hồi lắp máy phát tiếng chim cú mèo, chim heo thì phân chim yến trên mái nhà giảm đến hơn 90%, nên tui cương quyết không tháo bỏ máy phát”, ông Văn Tuấn nói.

Kiện nhau vì những… bãi phân chim

Buổi trưa 9.3, chợ An Hiệp (ấp 4 Giồng Gạch, xã An Hiệp, H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vắng như “chùa bà Đanh”, chỉ có tiếng chim yến kêu ríu rít xen lẫn những tiếng chim cú mèo, chim heo kêu trầm trầm, rờn rợn…

Vài chị tiểu thương che nón lá nằm nghỉ trưa trước sân chợ chán nản nói: “Tiếng chim yến của nhà ông Minh thầy giáo, bán thuốc Tây, còn tiếng cú mèo, chim heo của nhà ông Tuấn bán quần áo. Lúc đầu bà con còn bực mình vì không nghỉ ngơi được, nhưng mấy tháng nay… nghe riết cũng quen”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, “chủ tiếng chim cú mèo, chim heo”, kể: “Dãy nhà phố của chợ An Hiệp gồm 6 căn liền kề, nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn thứ 2, nhà tui thứ 3 rồi đến nhà ông thầy giáo Lê Văn Minh có quầy bán thuốc Tây. Kế bên nhà ông Minh là nhà ông Phạm Minh Đức - bán tạp hóa, và ông Đặng Minh Trí kinh doanh dịch vụ internet.

Tụi tui ở đây từ trước, gia đình ông Minh mới dọn về hơn 2 năm, nhưng trong xóm chỉ có 6 nóc gia nên sống rất nhau rất tình nghĩa, chan hòa, không có hiềm khích gì hết”.

Giữa năm 2017, vợ chồng ông Minh có nói với ông Tuấn, ông Đức là sẽ cải tạo tầng trên cùng của ngôi nhà để thoáng mát và ngỏ ý đề nghị ông Đức, ông Tuấn cho nhờ mái nhà để chuyển vật tư lên thi công và được ông Đức đồng ý.

Dãy nhà phố chợ xã An Hiệp có 6 căn, nhà ông Minh có nuôi chim yến là căn thứ 4 trong dãy - Ảnh: Thanh Anh

Chẳng ngờ sau khi xây dựng xong tầng trên cùng của căn nhà, ông Minh mới tuyên bố với lối xóm là mình cải tạo nhà để nuôi chim yến để cho thu nhập cao, rồi cho lắp hệ thống loa, máy móc phát thanh phát tiếng kêu của chim yến rỉ rả suốt ngày để dụ chim về ở. Trước sự đã rồi, những gia đình liền kề nhà ông Minh phải bấm bụng làm thinh.

Nhưng sau khi lầu nuôi chim yến của ông Minh hoạt động được 1 tháng thì cuối tháng 9.2017, ông Đức, ông Văn Tuấn, ông Thanh Tuấn, ông Trí đồng loạt gửi đơn đến UBND xã An Hiệp khiếu nại môi trường sống của họ bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Đặng Minh Trí cho biết: “Tụi tui buộc phải gửi đơn nhờ UBND xã can thiệp vì ông Đức, ông Tuấn phát hiện 1 chuyện kinh khủng: trước khi ông Minh nuôi chim yến thì trên nóc nhà của chúng tôi không có điều gì lạ, nhưng sau khi có lầu nuôi chim yến của ông Minh thì nóc nhà tụi tui đầy phân chim.

Trong khi đó vùng này nước sinh hoạt rất khó khăn, nước dùng cho ăn uống, nấu nướng hàng ngày đều sử dụng nước mưa từ trên mái nhà chảy xuống trữ vào hồ để dùng dần. Nóc nhà đầy phân chim nên chắc chắn nguồn nước mưa bị ô nhiễm, vậy tụi tui phải làm sao?”.

Sau khi 4 gia đình ở chợ An Hiệp khiếu nại lầu nuôi chim yến của ông Minh gây ô nhiễm nguồn nước mưa, UBND xã An Hiệp đã mời 2 bên đến để hòa giải nhưng bất thành. Nguyên nhân là ông Minh không chấp nhận chuyện phân chim trên nóc nhà của ông Đức, 2 ông Tuấn và ông Trí.

Bởi theo ông Minh, chim yến chỉ “ị” khi vào nhà nuôi yến, không có thói quen “ị” bên ngoài! Trong khi đó 4 gia đình khiếu nại thì khẳng định phân chim trên nóc nhà họ là do chim yến của ông Minh nuôi “ị” ra và yêu cầu UBND xã phải buộc ông Minh di dời lầu nuôi chim yến đi nơi khác, trả lại cuộc sống trong lành cho họ.

Do vậy, ông Lê Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã An Hiệp, đã đề nghị cơ quan chuyên môn về môi trường của H.Ba Tri đến hiện trường đo tiếng ồn và lấy mẫu phân chim, nước mưa về phân tích xem việc nuôi chim yến của ông Minh có ảnh hưởng gì hay không.

Kết quả cho thấy tiếng ồn của loa phát tiếng chim yến chỉ có 60 đề-xi-ben (dBA) trong ngưỡng cho phép, còn kết quả thử phân chim và nước mưa thì đến nay chưa có. Tuy nhiên, ông Chủ tịch UBND xã vẫn đưa ra giải pháp: nếu ông Minh tiếp tục nuôi chim yến thì hỗ trợ 4 hộ liền kề tiền mua nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày.

Nhưng ông Minh chỉ đồng ý hỗ trợ mỗi gia đình số tiền 400.000 đồng/năm. Còn theo ông Tuấn, nếu mỗi gia đình phải mua nước bình để sử dụng vì nước mưa bị ô nhiễm do phân chim yến thì 1 ngày tốn ít nhất 15.000 đồng, 1 năm tốn hơn 5 triệu đồng.

Nhưng cho dù ông Minh có chấp nhận hỗ trợ 5 triệu đồng/năm/hộ thì cũng không có ai đồng ý, vì tất cả đều mong muốn có lại không khí, môi trường sống trong lành như trước ngày ông Minh nuôi chim yến.

Trả đũa bằng chim heo, chim cú mèo

Sau 2 lần hòa giải tại UBND xã bất thành, còn các cơ quan của H.Ba Tri vẫn chưa có giải pháp ổn thỏa, thì các ông Đức, Văn Tuấn, Thanh Tuấn đã lên kế hoạch trả đũa nhà nuôi chim yến của ông Minh.

Đầu tháng 12.2017, được bạn bè tư vấn, ông Văn Tuấn bỏ ra hơn 1 triệu đồng mua máy phát, loa, trụ sắt về thiết kế 1 dàn âm thanh ngay trên sân thượng nhà của mình, cách dàn âm thanh dụ chim yến của nhà ông Minh 5 m.

Ngay ngày đầu tiên hoạt động, dàn âm thanh của ông Văn Tuấn liên tục phát ra những tiếng kêu trầm trầm rợn người của chim heo, chim cú mèo. Ai hỏi, ông Tuấn chỉ nói: “Ông Minh có quyền lắp dàn âm thanh dụ chim yến thì tui cũng có quyền lắp dàn âm thanh phát tiếng chim heo, chim cú mèo, tui đâu có làm gì sai”.

Không lâu sau khi “chim heo, chim cú mèo” của anh Tuấn xuất hiện, vợ chồng ông Minh đã gửi đơn đến UBND xã An Hiệp yêu cầu không chohàng xómlắp loa trên nóc nhà phát ra tiếng chim cú mèo, chim heo. Lý do ông Minh đưa ra là chim yến rất sợ chim heo, chim cú mèo, do hàng xóm lắp máy phát tiếng chim khắc tinh của chim yến liên tục đã làm đàn chim yến của gia đình ông sụt giảm nhiều, gây thiệt hại đến kinh tế của gia đình ông.

UBND xã An Hiệp lại mời các bên liên quan đến hòa giải. Nhưng điều kỳ lạ là UBND xã không yêu cầu ông Minh giải quyết vụ nhà nuôi yến mà yêu cầu các gia đình lân cận phải tháo gỡ dàn âm thanh phát tiếng chim cú mèo, chim heo, nên việc hòa giải vẫn bất thành.

Ông Văn Tuấn (người mang kính) và ông Trí trình bày sự việc - Ảnh: Thanh Anh

Ông Tuấn bức xúc nói: “Các cơ quan hữu trách của H.Ba Tri đã xác định ông Minh làm nhà nuôi yến trong khu dân cư không xin phép, làm ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh, nhưng không xử lý, nên buộc lòng tui phải lắp dàn âm thanh phát tiếng chim cú mèo, chim heo để xua đuổi chim yến.

Từ khi có “chim heo, chim cú mèo”, tui quan sát thấy phân chim yến trên nóc nhà đã giảm hơn 90%, nên tui cương quyết không tháo dàn âm thanh. Hơn nữa, sau khi ông Minh khiếu nại thì các cơ quan hữu trách đo tiếng chim heo, chim cú mèo chỉ có 61,1 dBA, vậy tui đâu có làm gì vi phạm pháp luật”.

Hiện tại đơn khiếu nại giữa các bên đã được UBND xã An Hiệp chuyển về UBND H.Ba Tri giải quyết. Nhưng trong lúc các cơ quan hữu trách chưa có được giải pháp ổn thỏa cho sự việc thì cuộc chiến “chim heo, chim cú mèo và chim yến” ở chợ An Hiệp vẫn tiếp diễn, và hàng xóm khổ nhất vì tiếng ồn giữa 2 phe, phát ra hàng ngày.

Không biết sắp tới sự việc này sẽ được các cơ quan hữu trách giải quyết ra sao, nhưng từ tháng 9.2017 đến nay, mối quan hệ láng giềng khăng khít giữa ông Đức, ông Trí, 2 ông Tuấn và thầy giáo Minh đã tan thành mây khói, không ai muốn nhìn mặt ai.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến giữa tiếng chim yến và chim cú giữa khu dân cư